Connie Hoàng và Thận Nhiên dịch
Lydia Davis sáng tác năm truyện rất ngắn này do cảm hứng từ những lá thư nhà văn Flaubert gởi cho bà Louise Colet - người tình của ông - trong thời gian ông viết tác phẩm Madame Bovary [1850-1856].
Lydia Davis sáng tác năm truyện rất ngắn này do cảm hứng từ những lá thư nhà văn Flaubert gởi cho bà Louise Colet - người tình của ông - trong thời gian ông viết tác phẩm Madame Bovary [1850-1856].
NHỮNG CHIẾC GHẾ
Louis đến ngôi nhà thờ ở Mantes ngắm những chiếc ghế. Anh quan sát chúng rất kỹ. Anh bảo rằng muốn tìm hiểu thật kỹ về con người qua chiếc ghế của họ. Anh bắt đầu với chiếc ghế của một phụ nữ mà anh gọi là bà Fricotte. Có lẽ tên của bà đã được ghi ở lưng ghế. Bà hẳn khá mập mạp, mặt ghế bị lõm xuống khá sâu và miếng đệm để quỳ khi cầu nguyện được gia cố lại ở một vài chỗ. Có lẽ chồng của bà là một người khá giả vì chiếc đệm được bọc nhung đỏ và đính đinh đồng. Hoặc, anh nghĩ, bà ta có thể là goá phụ của một ông nhà giàu, bởi vì ở đây không có chiếc ghế nào thuộc về ông Fricotte - trừ phi ông ta là kẻ vô thần. Thật ra, nếu bà Fricotte là goá phụ, thì hẳn bà đang tìm một ông chồng mới, vì cái lưng ghế bị lấm lem thuốc nhuộm tóc.
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên từ nguyên tác “The Chairs.”
***
GÃ PHU XE VÀ CON SÁN LÃI
Tay người làm hồi xưa của chúng tôi là một cha nội trông rất thểu não, giờ gã đổi ra nghề đánh xe ngựa - bạn hẳn nhớ gã cưới con gái của ông phu khuân vác, cái ông được một giải thưởng danh giá gì đó ngay lúc vợ ổng bị kết tội ăn trộm, mà thật ra chính ổng mới là tay kẻ trộm trong vụ đó. Dù thế nào đi nữa, gã Tolet xui tận mạng ấy có, hoặc nghĩ rằng mình đang có, một con sán lãi trong bụng. Gã nói về nó như thể nó là một thằng người đang sống, đang trò truyện với gã, sai bảo gã, và khi Tolet trò chuyện với bạn thì cái từ “hắn” là cái từ để nói về cái sinh vật ở trong người gã. Nhiều khi Tolet có một thôi thúc bất ngờ và gán điều đó cho con sán lãi: “Hắn muốn vậy đó” và ngay lập tức Tolet vâng theo ý của nó. Mới đây hắn muốn ăn bánh mì; lần khác thì hắn muốn uống vang trắng, nhưng hôm sau thì hắn nổi điên lên vì không được cho uống vang đỏ. Đến lúc này thằng cha đáng thương ấy đã tự hạ mình ngang hàng với con sán lãi; bọn chúng đánh nhau khốc liệt để giành quyền thống trị nhau. Gần đây gã tâm sự với bà chị dâu của tôi rằng, “Cái con quỷ khốn kiếp đó nó thù tôi; đây một trận chiến bằng ý chí, chị thấy không, hắn bắt tôi phải làm theo những gì hắn muốn. Nhưng tôi sẽ trả thù hắn một trận sống mái. Chỉ một trong hai đứa sẽ sống sót thôi.”
Hẳn nhiên, con người là kẻ sẽ thắng và sống còn, hay nói đúng hơn là sống nhưng không lâu hơn bao nhiêu, bởi vì, để giết con sán lãi và thoát khỏi sự dây dưa với nó, thì mới đây thôi, gã đã nuốt nguyên một chai axit và giờ đang hấp hối.
Tôi băn khoăn quý vị có hiểu nổi ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này hay không.
Thật là quái đản - cái bộ não con người nó vậy đó!
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên từ nguyên tác “The Coachman and the Worm.”
***
ĐI NHỔ RĂNG
Tuần trước tôi đi nha sĩ, nghĩ rằng ông sẽ nhổ một cái răng. Ông nói tốt hơn là nên chờ xem nó có bớt đau không.
Ối giời, không bớt chút nào - tôi đau ghê gớm đến phát sốt. Vậy là hôm qua tôi phải đến cho ông nhổ nó. Trên đường đi, tôi phải băng qua khu chợ cũ, cách đây không lâu người ta từng dùng nơi này để xử trảm bọn tội phạm. Tôi nhớ lại lúc lên sáu hay bảy tuổi gì đó, một hôm trên đường đi học về, tôi băng qua quảng trường này sau khi một vụ xử trảm vừa diễn ra. Cái máy chém được đặt ở đó. Tôi thấy dấu máu vẫn còn đỏ tươi trên gạch lót đường. Người ta đang khiêng cái giỏ đựng thủ cấp đi.
Tối qua, nghĩ về chuyện mình phải đi vào quảng trường để đến nha sĩ, tôi rùng mình kinh sợ với những gì sắp xảy ra với mình, cũng như những người bị kết án tử hình từng đi vào đó cảm nhận nỗi rùng rợn về những gì sắp xảy đến với họ - mặc dù với họ thì điều đó tệ hơn nhiều.
Rồi khi thiếp ngủ, tôi mơ thấy cái máy chém; kỳ lạ thay con bé cháu của tôi ngủ ở tầng dưới cũng mơ thấy cái máy chém dù tôi không hề kể gì với nó về vụ này. Tôi tự hỏi phải chăng ý nghĩ của con người là một thứ chất lỏng, chảy từ người này xuống người khác, những người cùng sống dưới một mái nhà.
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên, từ nguyên tác “The Visit to the Dentist.”
***
BÀI HỌC CỦA CHỊ BẾP
Hôm nay tôi học được một bài học tuyệt vời; chị bếp là sư phụ của tôi. Chị hai mươi lăm tuổi, là người Pháp. Tôi phát hiện ra rằng chị không biết Louis-Philippe đã không còn là vua của Pháp và bây giờ chúng ta có một quốc gia theo thể chế cộng hòa. Và đã năm năm trôi qua rồi kể từ khi ông ấy rời ngai vàng. Chị bếp cho rằng cái sự việc ông ấy còn làm vua hay không còn làm vua thì cũng chẳng ăn nhằm gì tới chị cả - đó là nguyên văn lời của chị.
Hồi nào tới giờ tôi cứ nghĩ mình là một kẻ thông minh! Nhưng so với chị ấy, tôi rõ là một thằng đần độn.
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên, từ nguyên tác “The Cook’s Lesson.”
***
BÀ VỢ CỦA ÔNG POUCHET
Ngày mai tôi sẽ đến Rouen để dự đám tang. Bà Pouchet, vợ của ông bác sĩ, qua đời ngày hôm kia trên phố. Lúc đó, ông cưỡi ngựa và bà ngồi sau lưng chồng; bất ngờ bà bị đột quỵ và ngã xuống.
Người ta thường nói rằng tôi vô tình, không có lòng trắc ẩn, nhưng trong chuyện này thì tôi buồn lắm.
Ông Pouchet là một người tốt, mặc dù bị điếc hoàn toàn và bản tính không hòa nhã cho lắm. Ông không khám bệnh mà làm việc trong sở thú. Bà là một phụ nữ người Anh xinh đẹp, phong thái lịch lãm, bà giúp ông rất nhiều trong công việc hằng ngày. Bà làm giúp những bản vẽ minh họa, đọc và sửa bản thảo cho ông; họ đồng hành trong những chuyến du lịch; bà là người bạn đời tuyệt vời của ông. Ông yêu bà vô cùng và hẳn sẽ suy sụp vì sự mất mát quá lớn này.
Louis ở đối diện, ngay bên kia đường. Anh tình cờ nhìn thấy chiếc xe ngựa đưa bà về nhà, và người con trai của họ đang bồng mẹ xuống; một chiếc khăn tay phủ kín khuôn mặt của bà. Ngay lúc bà đang được đưa vào nhà, hai chân vào trước, thì một người giao hàng tới. Cậu ta giao cho họ một bó hoa thật lớn, tươi thắm rực rỡ, mà chính bà đã đặt mua vào buổi sáng hôm đó. Chao ơi là cuộc đời, ông Shakespeare ạ!
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên từ nguyên tác “Pouchet’s Wife.”
Louis đến ngôi nhà thờ ở Mantes ngắm những chiếc ghế. Anh quan sát chúng rất kỹ. Anh bảo rằng muốn tìm hiểu thật kỹ về con người qua chiếc ghế của họ. Anh bắt đầu với chiếc ghế của một phụ nữ mà anh gọi là bà Fricotte. Có lẽ tên của bà đã được ghi ở lưng ghế. Bà hẳn khá mập mạp, mặt ghế bị lõm xuống khá sâu và miếng đệm để quỳ khi cầu nguyện được gia cố lại ở một vài chỗ. Có lẽ chồng của bà là một người khá giả vì chiếc đệm được bọc nhung đỏ và đính đinh đồng. Hoặc, anh nghĩ, bà ta có thể là goá phụ của một ông nhà giàu, bởi vì ở đây không có chiếc ghế nào thuộc về ông Fricotte - trừ phi ông ta là kẻ vô thần. Thật ra, nếu bà Fricotte là goá phụ, thì hẳn bà đang tìm một ông chồng mới, vì cái lưng ghế bị lấm lem thuốc nhuộm tóc.
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên từ nguyên tác “The Chairs.”
***
GÃ PHU XE VÀ CON SÁN LÃI
Tay người làm hồi xưa của chúng tôi là một cha nội trông rất thểu não, giờ gã đổi ra nghề đánh xe ngựa - bạn hẳn nhớ gã cưới con gái của ông phu khuân vác, cái ông được một giải thưởng danh giá gì đó ngay lúc vợ ổng bị kết tội ăn trộm, mà thật ra chính ổng mới là tay kẻ trộm trong vụ đó. Dù thế nào đi nữa, gã Tolet xui tận mạng ấy có, hoặc nghĩ rằng mình đang có, một con sán lãi trong bụng. Gã nói về nó như thể nó là một thằng người đang sống, đang trò truyện với gã, sai bảo gã, và khi Tolet trò chuyện với bạn thì cái từ “hắn” là cái từ để nói về cái sinh vật ở trong người gã. Nhiều khi Tolet có một thôi thúc bất ngờ và gán điều đó cho con sán lãi: “Hắn muốn vậy đó” và ngay lập tức Tolet vâng theo ý của nó. Mới đây hắn muốn ăn bánh mì; lần khác thì hắn muốn uống vang trắng, nhưng hôm sau thì hắn nổi điên lên vì không được cho uống vang đỏ. Đến lúc này thằng cha đáng thương ấy đã tự hạ mình ngang hàng với con sán lãi; bọn chúng đánh nhau khốc liệt để giành quyền thống trị nhau. Gần đây gã tâm sự với bà chị dâu của tôi rằng, “Cái con quỷ khốn kiếp đó nó thù tôi; đây một trận chiến bằng ý chí, chị thấy không, hắn bắt tôi phải làm theo những gì hắn muốn. Nhưng tôi sẽ trả thù hắn một trận sống mái. Chỉ một trong hai đứa sẽ sống sót thôi.”
Hẳn nhiên, con người là kẻ sẽ thắng và sống còn, hay nói đúng hơn là sống nhưng không lâu hơn bao nhiêu, bởi vì, để giết con sán lãi và thoát khỏi sự dây dưa với nó, thì mới đây thôi, gã đã nuốt nguyên một chai axit và giờ đang hấp hối.
Tôi băn khoăn quý vị có hiểu nổi ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này hay không.
Thật là quái đản - cái bộ não con người nó vậy đó!
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên từ nguyên tác “The Coachman and the Worm.”
***
ĐI NHỔ RĂNG
Tuần trước tôi đi nha sĩ, nghĩ rằng ông sẽ nhổ một cái răng. Ông nói tốt hơn là nên chờ xem nó có bớt đau không.
Ối giời, không bớt chút nào - tôi đau ghê gớm đến phát sốt. Vậy là hôm qua tôi phải đến cho ông nhổ nó. Trên đường đi, tôi phải băng qua khu chợ cũ, cách đây không lâu người ta từng dùng nơi này để xử trảm bọn tội phạm. Tôi nhớ lại lúc lên sáu hay bảy tuổi gì đó, một hôm trên đường đi học về, tôi băng qua quảng trường này sau khi một vụ xử trảm vừa diễn ra. Cái máy chém được đặt ở đó. Tôi thấy dấu máu vẫn còn đỏ tươi trên gạch lót đường. Người ta đang khiêng cái giỏ đựng thủ cấp đi.
Tối qua, nghĩ về chuyện mình phải đi vào quảng trường để đến nha sĩ, tôi rùng mình kinh sợ với những gì sắp xảy ra với mình, cũng như những người bị kết án tử hình từng đi vào đó cảm nhận nỗi rùng rợn về những gì sắp xảy đến với họ - mặc dù với họ thì điều đó tệ hơn nhiều.
Rồi khi thiếp ngủ, tôi mơ thấy cái máy chém; kỳ lạ thay con bé cháu của tôi ngủ ở tầng dưới cũng mơ thấy cái máy chém dù tôi không hề kể gì với nó về vụ này. Tôi tự hỏi phải chăng ý nghĩ của con người là một thứ chất lỏng, chảy từ người này xuống người khác, những người cùng sống dưới một mái nhà.
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên, từ nguyên tác “The Visit to the Dentist.”
***
BÀI HỌC CỦA CHỊ BẾP
Hôm nay tôi học được một bài học tuyệt vời; chị bếp là sư phụ của tôi. Chị hai mươi lăm tuổi, là người Pháp. Tôi phát hiện ra rằng chị không biết Louis-Philippe đã không còn là vua của Pháp và bây giờ chúng ta có một quốc gia theo thể chế cộng hòa. Và đã năm năm trôi qua rồi kể từ khi ông ấy rời ngai vàng. Chị bếp cho rằng cái sự việc ông ấy còn làm vua hay không còn làm vua thì cũng chẳng ăn nhằm gì tới chị cả - đó là nguyên văn lời của chị.
Hồi nào tới giờ tôi cứ nghĩ mình là một kẻ thông minh! Nhưng so với chị ấy, tôi rõ là một thằng đần độn.
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên, từ nguyên tác “The Cook’s Lesson.”
***
BÀ VỢ CỦA ÔNG POUCHET
Ngày mai tôi sẽ đến Rouen để dự đám tang. Bà Pouchet, vợ của ông bác sĩ, qua đời ngày hôm kia trên phố. Lúc đó, ông cưỡi ngựa và bà ngồi sau lưng chồng; bất ngờ bà bị đột quỵ và ngã xuống.
Người ta thường nói rằng tôi vô tình, không có lòng trắc ẩn, nhưng trong chuyện này thì tôi buồn lắm.
Ông Pouchet là một người tốt, mặc dù bị điếc hoàn toàn và bản tính không hòa nhã cho lắm. Ông không khám bệnh mà làm việc trong sở thú. Bà là một phụ nữ người Anh xinh đẹp, phong thái lịch lãm, bà giúp ông rất nhiều trong công việc hằng ngày. Bà làm giúp những bản vẽ minh họa, đọc và sửa bản thảo cho ông; họ đồng hành trong những chuyến du lịch; bà là người bạn đời tuyệt vời của ông. Ông yêu bà vô cùng và hẳn sẽ suy sụp vì sự mất mát quá lớn này.
Louis ở đối diện, ngay bên kia đường. Anh tình cờ nhìn thấy chiếc xe ngựa đưa bà về nhà, và người con trai của họ đang bồng mẹ xuống; một chiếc khăn tay phủ kín khuôn mặt của bà. Ngay lúc bà đang được đưa vào nhà, hai chân vào trước, thì một người giao hàng tới. Cậu ta giao cho họ một bó hoa thật lớn, tươi thắm rực rỡ, mà chính bà đã đặt mua vào buổi sáng hôm đó. Chao ơi là cuộc đời, ông Shakespeare ạ!
Bản dịch của Connie Hoàng và Thận Nhiên từ nguyên tác “Pouchet’s Wife.”