Tùy Luận của CUNG TRẦM TƯỞNG
... khi một nền văn hóa có một ngôn ngữ hoàn chỉnh như tiếng Việt - một viên ngọc trong kho tàng trên 4000 ngôn ngữ của loài người - văn hóa ấy không thể bị đồng hóa bởi bất cứ một âm mưu thôn tính nào của ngoại bang. Sự thần phục Trung Quốc hiện nay của chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ là một hiện tượng nhất thời thể nào cũng sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự trỗi dậy của niềm tự hào dân tộc mà nền văn hóa với cái ngôn ngữ tinh anh ấy của nó đã in sâu trong tâm thức mỗi chúng ta.
Một cách viết
Trước khi nhập đề, người viết có dăm ba lời muốn ngỏ cùng bạn đọc.
Luận văn này nên được coi như sự thể hiện một thể văn mới làm nên bởi sự kết hợp của hai thể tùy bút và tiểu luận và được gọi là thể tùy-luận. Với một điều kiện phải được tôn trọng: sự viết phóng tay cho thoả chí tang bồng văn chương không được vượt quá mức cho phép của cách viết nghiêm xác của học thuật đặt ra cho người viết.
Nghệ thuật viết tùy-luận là làm sao lồng vào sự sáng sủa phải có của lí luận một vẻ đẹp văn chương lấp lánh khiến cho lí luận có thêm sức thuyết phục và lôi cuốn. Bởi đối tượng người viết muốn nhắm vào là một người đọc toàn năng, đọc bằng cả cái đầu lẫn quả tim của mình thì mới thấy hết được ý nhị tinh thần và duyên dáng văn phong của bài viết.
Về hình thức, tùy-luận nên được coi như một cách kể chuyện với một bố cục làm bằng những bước cóc nhảy và tạt qua sao cho khớp với nhịp tùy hứng của một người viết đôi khi có những cơn lên đồng “bất tử” bằng những con chữ của mình để xem chúng có thắp lên được cõi vô thức u minh không.
Tên “Ta về không tắm ao ta” của bài thơ chúng tôi làm cách đây vài năm được chọn làm một trong ba tựa đề của bài tùy-luận.
Trước hết, xin nói qua về bối cảnh của sự ra đời và mục đích muốn nhắm tới của bài thơ để giúp bạn đọc hiểu thấu đáo hơn những ý tình của tác giả ủ gửi trong lòng chữ nghĩa của nó.
Bài thơ ra đời từ hình ảnh của một con vờ - một hình ảnh tâm lí - mà tác giả bắt gặp trên mặt nước một ao tù trong cổ thành của thị trấn Sơn Tây lúc hắn còn là một đứa trẻ thơ. Kể từ buổi sơ ngộ ấy, một buổi chiều thu mây che u ám, hình ảnh con vờ ở lại luôn trong kí ức tác giả như một ám ảnh mông lung, một thắc mắc mơ hồ, một xao động lăn tăn, một kí hiệu u uẩn, một đầu tư thi ca bất trắc có nguy cơ trở thành vô sinh như thứ cau không trổ buồng. Ý tác giả muốn nói: nó có thể bị ngưng lại ở dạng một biểu tượng tâm lí thuần túy vì không có cơ duyên trở thành một mãn thể ngôn ngữ là bài thơ. Lí do không phải vì kí ức của ta bạc bẽo với nó mà vì khả năng ngôn ngữ của ta bất cập trước cái muôn màu muôn vẻ của thế giới sự vật. Trong đầu mỗi chúng ta có một nghĩa trang chôn không biết cơ man nào mà kể những phôi chữ chết yểu. Cơ bản, mỗi chúng ta ít nhiều mắc phải bệnh thất ngữ.
Trên phương diện sáng tác, đối với chúng tôi cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và con vờ với những dư hưởng lâu dài của nó là một sự kiện văn chương ý nghĩa, một hạnh ngộ, cái động cơ hữu ích khiến chúng tôi làm nên được bài thơ. Tức một nguồn cảm hứng dồi dào xuất phát từ một ý nghĩa mơ hồ về con vờ, rồi phát triển ý nghĩa này thành một cái nhìn rõ nét hóa vờ ấy từ là một hình ảnh chung chung trừu tượng thành một hiện diện cụ thể có một bản sắc đặc thù. Cái bản sắc ấy được cách điệu hóa thành một bản sắc văn chương làm nên bởi một ngã ngữ, tức cái ngôn ngữ của người viết làm ra trong từng mỗi hoàn cảnh cá nhân cụ thể. Cách viết này được nhà cơ cấu học ngôn ngữ Noam Chomsky đặt cho cái tên “performance” mà Giáo Sư Trần Ngọc Ninh chuyển sang tiếng Việt thành “diễn năng ngôn ngữ”.
Viết cách sáng tạo là sử dụng ngôn ngữ như một chất xúc tác để khai triển đối tượng của sự viết thành một cái nó khác hoàn chỉnh hơn, cái mầm ý sơ khai thành một mãn khai tư tưởng, âm bản lờ mờ của con vờ trong đầu mình thành một dương bản sắc hình rõ nét - sự hóa thân của con vờ ngoài đời thành con vờ văn chương trên trang giấy.
Chúng tôi xin tạm rời bài thơ để chuyển sang một đề tài khác mà cũng là một bộ phận của bài tùy-luận này.
Vai trò của sinh - tâm lí học trong ngôn ngữ học hiện đại
Người là loài vật độc nhất có tiếng nói.
Một số những gì chúng tôi sắp trình bày sau đây dựa trên một số công trình nghiên cứu cổ điển và hiện đại về ngôn ngữ loài người trong đó có cuốn chuyên khảo cơ cấu Việt ngữ của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.
Theo chúng tôi, do cách vận dụng sáng tạo những thành tựu mới nhất của ngôn ngữ học hiện đại, đặc biệt sự đóng góp quan trọng của Chomsky với hai thuyết Ngữ Pháp Hoàn Vũ và Ngữ Pháp Biến Cải và Tạo Tác - Universal Grammar và Transformational and Generative Grammar - của ông, cuốn sách của họ Trần có hai ưu điểm: phạm vi của nó quy mô hơn và khảo hướng của nó có tính khoa học hoàn chỉnh hơn so với những cuốn cùng chung đề tài của các tác giả Việt Nam và tác giả nước ngoài khác mà chúng tôi đã có dịp đọc được từ mấy chục năm qua.
Sự con người thủ đắc một tiềm năng ngôn ngữ bẩm sinh xuất phát từ hai nguyên nhân: một là, theo các nhà tiến hóa học vi mô, một chuỗi những đột biến trong mã di truyền của loài người đã hóa nó thành một hiện hữu có tính sinh học đặc loại so với các loài vật khác; hai là, những kinh nghiệm thu gặt từ cuộc tiếp xúc với những đồng loại để học tập lẫn nhau và cuộc tiếp xúc với thế giới tự nhiên xuyên suốt chiều dài của lịch sử tiến hóa của nó đã tạo cho nó có một khả năng văn hóa khiến nó vượt thắng được định mệnh hầu nhân tổ tông của nó, rồi từ đó dần dần tự hình thành mình thành một con người văn hóa hoàn chỉnh được hiểu ở đây theo một nghĩa hẹp là một con người tự làm ra cho mình một ngôn ngữ. Đây quả là một sáng tạo kì diệu.
Theo các nhà tâm lí học ngôn ngữ hiện đại, tiềm năng ngôn ngữ in ủ trong não bộ con người dưới dạng những hình ảnh âm vị (image phonémique) chứ không phải dưới dạng những hình ảnh âm học (image phonétique) như trường phái saussurien trước kia đã nghĩ. Sự chuyển bậc từ quan điểm vật lí học sang quan điểm tâm lí học này có được là nhờ sự áp dụng cơ cấu pháp hiện đại vào việc khảo sát ngôn ngữ loài người.
Khác với Saussure coi ngữ tức tiếng (langue, language) là phần xã hội, nghĩa là ở ngoài các cá nhân, của ngôn tức lời (parole), Chomsky cho rằng ngữ ngụ trong tâm lí con người và đặt cho nó cái tên ngôn ngữ nội tàng - Internal I language. Quan điểm này xuất phát từ thuyết Ngữ Pháp Hoàn Vũ - Universal Grammar - của chính ông mà theo ông là “một ngữ pháp nội tàng chung cho tất cả mọi người và mỗi người, gồm những nguyên lí căn bản của ngôn ngữ nội tàng (I- language) với những bàng kế (parameters) đặc thù đã được cố định bởi kinh nghiệm của cộng đồng trong lịch sử” (Trần Ngọc Ninh, Cơ Cấu Việt Ngữ, quyển II trang 427).
Kể từ thời Saussure (đầu thế kỉ 20) cho đến nay, ngôn ngữ học đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ngôn ngữ học hiện đại là một khoa học tổng hợp gồm cơ cấu học, kí hiệu học, ngữ văn học, khảo cổ học, hiện tượng học, sinh lí học, tâm lí học, hành vi học, và vân vân. Sự tổng hợp này, do coi ngôn ngữ là một hiện tượng husserlien, tức là sự thể hiện hữu cơ của bản chất sự vật, không hóa ngôn ngữ thành một hợp thể mà thành một đồng nhất thể của các yếu tố cấu thành hòa tan vào nhau giống như một chất hóa hợp.
Tuy nhiên, ngôn ngữ học hiện đại vẫn còn có những hạn chế của nó. Chẳng hạn trong lãnh vực ngữ pháp học, nó vẫn chưa có được những bước khai phá đáng kể về ngữ nghĩa học như đã đạt được trong âm vị học và cú pháp học. Đối với nó, ngữ nghĩa học vẫn còn là một vấn đề để ngỏ.
Riêng về Việt ngữ, với sự xác định có độ thuyết phục cao nguồn gốc của tiếng mẹ đẻ của chúng ta với cách phân tích từ loại, định hình cấu trúc của từ, câu, đoạn đã nêu lên được cái logic khúc chiết ngoạn mục của ngữ pháp Việt, sự khảo sát của giáo sư họ Trần là một đóng góp quan trọng do tính quy mô và tính khoa học cao của nó. Nó tạo cho chúng ta một cơ sở để vững tin vào sự trường tồn của dân tộc chúng ta, bởi vì khi một nền văn hóa có một ngôn ngữ hoàn chỉnh như tiếng Việt - một viên ngọc trong kho tàng trên 4000 ngôn ngữ của loài người - văn hóa ấy không thể bị đồng hóa bởi bất cứ một âm mưu thôn tính nào của ngoại bang. Sự thần phục Trung Quốc hiện nay của chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ là một hiện tượng nhất thời thể nào cũng sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự trỗi dậy của niềm tự hào dân tộc mà nền văn hóa với cái ngôn ngữ tinh anh ấy của nó đã in sâu trong tâm thức mỗi chúng ta.
Sự vong thân ngôn ngữ, một căn bệnh thời đại
Nay, ta hãy mượn một số chuyên ngữ của Chomsky để miêu tả tấn bi kịch ngôn ngữ của giới viết văn phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị như chế độ hiện hữu ở Việt Nam.
Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh của tấn bi kịch ấy, đó là sự vong thân ngôn ngữ, một hiện tượng phổ biến trong văn giới ở Việt Nam. Do tính cách trầm trọng của nó, ca bệnh của người viết văn đảng viên cộng sản được mang ra phẫu xẻ để xem chức năng ngôn ngữ của họ thoái hóa như thế nào.
Vì sống trong một môi trường không có tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, khả năng ngôn ngữ văn chương của người viết văn cộng sản bị thui chột. Do đó, khi sáng tác họ phải vịn vào cái ngôn ngữ giáo điều và mẫu diễn năng đúc khuôn của Đảng tiền chế và lập trình sẵn cho họ: họ bị vong thân ngôn ngữ.
Trước khi xét những di luỵ của chứng bệnh này nơi con bệnh, chúng tôi xin nói qua về động thái của một người viết văn lành mạnh, một người có được những nhân quyền kể trên.
Người viết văn với tư cách một chủ thể tự do sáng tạo sử dụng ngôn ngữ để hình thành cho mình một bản sắc không những chỉ độc đáo về ý tưởng mà lại còn sở hữu một ngôn ngữ và một bút thuật đặc thù của mình làm ra. Viết cách sáng tạo là nghệ thuật phóng chiếu trên trang giấy cái I language, của cái chung của mọi người gửi gắm trong cá nhân mỗi người, thành một cái Chomsky gọi là “ngôn ngữ ngoại xuất” (External E language) văn vẻ ấm nồng cá tính và hơi thở sinh lí của người viết. Tức sự nống ra châu thân, dấu lăn tay trên thẻ căn cước, quả tim thứ hai của tôi phơi bày ra ngoài ánh sáng. Tôi viết do đó tôi nhân đôi sự hiện hữu của tôi.
Viết cách sáng tạo, nói cách khác, là sự thể hiện bằng những con chữ của tôi con người cá nhân cụ thể của tôi, tức sự tôi thoát li khỏi nền chuyên chế của cái ta chung trừu tượng, trong trường hợp của người viết văn ở Việt Nam là cái ta vô hồn, vô sắc, vô cảm của đảng đoàn, cơ chế, tổ chức, mặt trận và vân vân.
Do sống dưới một chế độ mà sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước xâm thực vào mọi ngành sinh hoạt của người dân, kể cả sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, văn học nhằm bóp chết mọi sáng kiến cá nhân tự do như chế độ độc tài toàn trị hiện hữu ở Việt Nam, khả năng sáng tạo một ngã ngữ cho mình của người viết văn, đặc biệt người viết văn cộng sản, bị thui chột. Do đó, như đã nói ở trên, khi sáng tác họ phải mượn ngôn ngữ của Đảng làm sẵn cho và nhét vào đầu mình. Ngôn ngữ này, một tha ngữ; tức ngôn ngữ của kẻ khác đối lập với với ngã ngữ của mình; nó cứng ngắc ước lệ và nồng nặc tính giáo điều và khẩu hiệu - một ngôn ngữ thoái hóa.
Ta hãy xét xem sự vong thân ngôn ngữ trên của người viết văn cộng sản tác hại đến họ như thế nào.
Cái tha ngữ mượn của Đảng dùng lâu ngày hóa quán ngữ. Khi được lặp đi lặp lại với một tần số cao, quán ngữ xâm thực vào vùng giao diện óc-trí tuệ (brain-mind interface) của não bộ và hóa bản chất thứ hai.
Nhưng sự vong thân ngôn ngữ không những chỉ đơn thuần là một hiện tượng ngôn ngữ mà lại còn làm tha hóa nhân cách người viết văn cộng sản. Hắn hóa một người thiếu tự trọng, vô liêm sỉ, tên tay sai ngu trung và là kẻ đồng lõa với Đảng, một tổ chức gian nhân đã phạm những tội ác tày trời với đồng bào của hắn. Tỉ dụ, thông qua những câu văn, lời thơ hắn làm theo chỉ thị của Đảng, hắn đã can dự vào những cuộc giết người hàng loạt, giết trên 200 ngàn nạn nhân vô tội trong cuộc cải cách ruộng đất của thập niên 1950 và giết bốn triệu người bị quẳng vào cỗ máy nghiền thịt sống của hai cuộc chiến ác liệt của thế kỉ 20, thế kỉ của một lừa đảo ngôn ngữ vĩ đại mà hắn là tác giả chủ chốt. Hòa bình trở lại, hắn vẫn chứng nào tật nấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng trao cho là làm tên công an văn hóa, chỉ điểm văn học, đàn hạch những người viết văn khác thông qua một ngôn ngữ đổi mới về hình thức nhưng vẫn giữ nguyên bản chất tha ngữ nồng nặc tính Đảng của nó.
Có thể đôi lúc người viết văn cộng sản có một cảm giác lợn gợn lăn tăn là không ở nhà - not at home - với cái tha ngữ ấy, nhưng ý thức kỷ luật thép Đảng cắm sâu vào đầu hắn, nỗi sợ hãi thâm căn cố đế và sự phụ thuộc của bao tử của hắn vào miếng cơm manh áo Đảng ban cho sẽ đồng bộ ra tay bóp chết tức thì bất cứ manh nha thoát li ngôn ngữ nào lóe trong tâm trí hắn. Bởi vì bi kịch ngôn ngữ của hắn cơ bản là một bi kịch tâm lí, sự hắn đánh mất nhân cách và lương tâm của mình.
Chúng tôi xin trích dẫn một số nhận xét của nhà phê bình văn học cộng sản phản tỉnh Vương Trí Nhàn (vuongtrinhan.blogspot.com) mà theo chúng tôi có ít nhiều liên quan đến hiện tượng vong thân ngôn ngữ nêu trên.
Điều cấn cái ở ông Nhàn là, do chưa rũ hẳn được bản chất cộng sản hằng hữu của mình, ông ta đã phải khéo dùng một cách viết gián tiếp, dè dặt, vòng vo, uốn éo, để không nói là nguỵ biện, nhưng theo chúng tôi đó cơ bản vẫn là một lời thú nhận căn bệnh của mình và đồng nghiệp. Ông kể hai trường hợp cộng sản phản tỉnh lúc cuối đời Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đã thổ lộ với ông sau khi họ đọc Cát Lầy của Thanh Tâm Tuyền và Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan. Ông Nhàn viết: “Cát Lầy theo Nguyễn Khải, ăn ở sự ma quái. Cũng như sau này Nguyễn Minh Châu nói rằng thích Thần Tháp Rùa vì ở đó có yếu tố tượng trưng. Cả hai nhà văn Hà Nội của tôi viết theo lối thực, nhưng ở chỗ riêng tư, các anh bao giờ cũng nhấn mạnh một thứ văn xuôi thăng hoa mới là điều đáng mơ ước, và chúng tôi cũng học theo các anh mà nói vậy. Ai mà chẳng muốn khác đi một chút so với những gì mình đang có!”
Ông Nhàn ghi lại nhận xét của Nguyễn Minh Châu về Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng: “Văn chương nó viết nhuyễn thật. Không phải là uốn éo đâu mà với nội dung ấy thì phải viết kiểu ấy, nó mới nói hết được cái phức tạp của con người bây giờ”.
Cuối cùng ông Nhàn buông xuôi với một câu: “Hoàn cảnh quyết định hết!” Chúng tôi xin hỏi ông ta: “Thế thì những Phùng Cung, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang có chịu buông xuôi trước hoàn cảnh như ông không?”
Tóm lại, chúng tôi thấy ông Nhàn chưa dứt khoát phản tỉnh vì chưa cảm thấy xấu hổ về cái thân phận vong nô và vong thân ngôn ngữ trước kia của mình.
Trên phương diện bản thể, sự vong thân ngôn ngữ nơi người viết văn cộng sản đào xới tới đáy cùng châu thân hắn, tức cái lẽ tồn tại của hắn như một người viết văn. Mà khi một người viết văn mất khả năng tạo cho mình một ngôn ngữ và một cách viết riêng của mình, hắn hóa một hiện hữu thừa và vô sinh như thứ cau không trổ buồng. Một hiện hữu tật nguyền, sự thoái hóa loài như con cánh cụt, một loài chim không có khả năng bay, tức sự rút nhỏ thành một nửa bản thể - demi-être. Sự chọn lựa lầm, sáng tạo uổng phí của Hóa công. Tấn bi hài kịch sinh học lố bịch làm cử tọa cười ra nước mắt.
Nói cách khác, sự vong thân ngôn ngữ cũa người viết văn cộng sản cũng là sự vong thân của chính bản thể hắn. Nó hóa hắn thành một vật dụng, một cái máy rập khuôn những con chữ gỗ và những kí hiệu vô hồn.
Văn hóa của một dân tộc là cái hồn của lịch sử của nó. Và, lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của một lệ thuộc từ gần hai ngàn năm nay vào hệ tư tưởng Trung Hoa, nói rõ hơn là hệ tư tưởng Hán. Cho đến thế kỉ 21 này, ta vẫn còn sống dưới sự đô hộ văn hóa của kẻ thù truyền kiếp của ta mà không biết.
Kí hiệu học về một ngôn ngữ vô thanh
Người là động vật duy nhất có tiếng nói. Mất tiếng nói hay bị cấm nói, nó sống một cuộc sống mất quân bình. Để bù đáp, nó phải sử dụng tiếng kêu, tiếng thở dài, tiếng khóc, tiếng cười và những phương cụ khác của ngôn ngữ thân thể như cặp mắt, đôi môi, hai bàn tay, dáng đi, cách ngồi và những điệu bộ khác để tự khẳng định sự hiện hữu của mình. Nó bắt buộc phải trở lại làm con người tiền sử, một con vật không có tiếng nói. Nhưng là một con vật có cái pour-soi biết mình là một con vật.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy đặc điêu ngoa và xảo trá. Môi trường ngôn ngữ bị lũng đoạn bởi những âm mưu u ám của lũ phù thủy, lang băm chính trị đức mỏng tài thô, say mê quyền lực và bạo lực. Trong môi trường bị nhiễm độc này, con chữ trở thành một công cụ của tuyên truyền: cái bẫy gài biến người dân thành một cái máy nghe thụ động, ngu trung và một chiếc loa lặp lại không sai một chữ những khẩu hiệu, sáo ngữ, thần chú, sấm truyền, chỉ thị của bọn phù thủy, lang băm. Chúng còn tẩm mị dược vào con chữ để làm bại liệt óc phán đoán của người dân rồi ném họ vào những vạc lửa chiến tranh, những lò thiêu thanh tẩy chủng tộc, những cỗ máy nghiền thanh trừng giai cấp, tất cả đã ngốn ngót 200 triệu sinh linh trong chưa đầy một thế kỉ. Thế kỉ 20 là một thế kỉ của ngôn ngữ đẫm máu.
Vì thế có những lúc ta đâm kinh tởm tiếng nói và tự đẩy mình vào một tình trạng á khẩu. Sự lưu vong tự nguyện vào cõi vô thanh này đến một lúc nào đó sẽ gây cho ta một cảm giác tắc nghẽn, khó ở. Đây chính là lúc ta cần gặp chàng diễn viên kịch câm Marcel Marceau để nhờ chàng giải tỏa hộ cơn bế ngữ ta đang mắc phải bằng những điệu bộ, cử chỉ của chàng. Điều tài tình là chàng đã khéo léo và linh hoạt sử dụng thân thể mình để “nói” lên một thứ ngôn ngữ tín hiệu giàu sức biểu cảm và tính ẩn dụ. Nhìn chàng diễn xuất, ta có cảm tưởng như cả thân chàng đang nhô ra khỏi cái khối en-soi u đặc của nó để phát biểu cảm nghĩ và bày tỏ thái độ bằng mắt, mũi, môi, tay, vai và bằng cả chân nữa. Nhưng vì đây là một ngôn ngữ trừu tượng, nên khả năng biểu đạt tâm tính, tình cảm của mỗi bộ phận phải được khai thác tối đa nhằm nâng cao hệ số chuyển tải thông điệp của nó. Chẳng hạn như trìu mến bằng mắt, khinh thị bằng môi, cao kiêu bằng mũi, hiếu kì bằng cổ, nhún/nhường bằng vai, bình chân nghe ngóng và phẫn nộ bằng tay. Kể cả sống lưng cũng được giao phó nhiệm vụ thông báo nhân cách.
Ở Marceau, ngôn ngữ cử chỉ là một ngôn ngữ tín hiệu có hồn. Một thứ thể dục nhằm khai dụng tối đa những hạt mầm ngữ nghĩa ủ trong cơ bắp. Một thứ kịch nghệ toàn năng sử dụng hết công xuất của một thân thể bén nhạy, mẫn cảm, tinh khôn, uyển chuyển, linh hoạt, vụng về một cách khéo léo, ngang phè một cách dễ thương, nhăn nhó một cách trào lộng, co ro một cách đáo để, hung hăng vô hại, vô ngôn một cách hùng hồn. Chiếc mặt nạ chân phương, logic của phi lí, người phát ngôn câm của một nghịch ngữ ngang tầm với cái nghịch lí trớ trêu của phận người. Tưởng cũng nên nêu lên một nét đặc thù khác của nghệ thuật Marceau: nó tránh sự cường điệu vì đạo đức tự thân của nghệ thuật diễn xuất muốn nó phải như vậy.
Một khán giả mẫn cảm thì đọc được cái thông điệp tư tưởng mà ngôn ngữ thân thể ấy muốn chuyển đạt: đó là sự mâu thuẫn đầy tính bi hài và chưa có lời giải của thân phận con người hiện đại, đặc biệt con người hiện đại phương Tây cùng thế hệ với Marceau vừa mới ngoi lên khỏi những đổ vỡ vật chất và tinh thần tan hoang do cuộc Thế Chiến Thứ Hai để lại. Một cuộc chiến tranh cực kì khốc liệt đã mang trong nó mầm mống một thế chiến mới dưới một dạng thức mới: cuộc Chiến Tranh Lạnh, trận xung đột ý thức hệ mà dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả thê lương và lâu dài nhất vì những sai lầm chiến lược chết người của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Tiếng gọi của một cõi im
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao hình ảnh con vờ lại ở lại với tôi. Nó ở lại vì tôi muốn giữ nó ở lại. Tôi muốn giữ nó ở lại là vì tôi thấy nó là một hình ảnh giàu tính ẩn dụ, làm liên tưởng đến một điều gì đó có ý nghĩa với thi ca. Tôi nghĩ, nếu có cơ duyên, nó có thể trở thành một thi ảnh hàm súc làm tiền đề cho một bài thơ có trọng lượng về tư tưởng, thứ poésie grave hiểu theo nghĩa heideggerienne.
Trong thời gian gần đây, nó bỗng trỗi dậy từ đáy tiềm thức tôi, chập chờn mà mãnh liệt. Chứng thất ngữ tái phát, làm tôi mất ngủ hai đêm liền. Chỉ vì những thây ma tiền ngôn ngữ ologon chưa chịu chết hẳn. Rồi như một phép lạ, một chuỗi tám con chữ tôi không hề chờ đợi bỗng lóe lên trong đầu tôi, làm tôi nhỏm dậy, lấy bút ghi vội xuống một tờ giấy trực sẵn ở đầu giường: Lênh chênh nhện nước con vờ lội ao. Tôi giật mình, rõ ràng vờ này và ao này chính là vờ ấy và ao ấy tôi đã bắt gặp trong cổ thành Sơn Tây năm xưa vào một buổi chiều thu, dưới chân một tháp cờ đá ong nâu sẫm và bên cạnh một đề lao tường đá xám xịt với chiếc cổng cao đen hắc sần sùi. Thì ra, tôi đã thai nghén câu thơ này hơn 70 năm nay mà không hay!
Thi sĩ Valéry cho biết có nhiều bài thơ của ông ra đời từ một câu thơ ông ngẫu hứng làm ra và thấy ưng ý. Tác giả của bài thơ này cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự. Nó ra đời từ một câu thơ bâng quơ, vô vụ lợi, tức là không nhằm phục vụ một dự án ngôn ngữ nào cả như câu thơ trên. Sau, tác giả nhận thấy câu thơ này có một nội dung tư tưởng làm nghĩ đến cảnh đời ao tù nước đọng của 70% dân tộc ta đang sống tập trung vào vùng nông thôn nghèo khổ và lạc hậu nhất của đất nước. Ngoài ra, nó còn làm tác giả nghĩ lây sang một hiện tượng phổ biến khác: đó là cái não trạng trì trệ, thụ động mà rất nhiều người Việt chúng ta cho đến thế kỉ 21 này vẫn còn mắc phải, bắt nguồn từ cái tâm lí an phận thủ thường, liều thuốc ngủ ảo tưởng làm cho họ không những chỉ bằng lòng với mà còn cảm thấy hãnh diện về cái thân phân ao tù nước đọng của mình: Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Theo thiển ý, ta chỉ cần thay chữ ao bằng chữ sông thôi thì xóa được cái nghịch lí trên và làm cho hai câu thơ trên trở nên khoáng đạt hẳn lên: Ta về ta tắm sông ta / Dù trong dù đục sông nhà vẫn hơn. Lợi thế của sông so với ao là nó gợi cho ta hình ảnh một nhân sinh quan sống động, mở, luôn luôn hướng về những chân trời khoáng đạt bao la; về biển, chốn hội tụ, mẫu số chung, sự tổng hòa của những dòng văn hóa dân tộc nhân bản. Một nhân sinh quan như vậy vừa lành mạnh vừa tiến bộ, có thể làm cho dân tộc ta hãnh diện về nó một cách chính đáng hơn.
Có chăng một phương thuốc cho cơn sầu vạn cổ?
Ta chỉ cần nghe âm nhạc của ta, đặc biệt cổ nhạc, thì thấy được âm chủ của quốc hồn ta. Đó là nỗi buồn vạn cổ, cái gien văn hóa vận vào ta từ ngàn trước đến bây giờ và cả ngàn sau nữa nếu ta vẫn nhận nó là định mệnh của ta. Nó là một dạng của bệnh tâm thần, một khuyết tật về bản thể, tạo cảm giác khó ở và là ngọn nguồn của những tình cảm tiêu cực. Như tình cảm yếm thế thấy đời là một bể khổ; hay tình cảm phẫn tồn trước sự bất công của con Tạo bắt ta phải sống lầm quê hương và lầm thế kỉ, nên ta đòi nó phải trả ta về thời ta chưa sinh ra; hay nỗi tủi phận mãn tính làm cho ta không chỉ xót xa cho ta mà còn trách cứ ta nữa: ta là một hiện hữu luôn luôn khuyết mãn, triền miên hẫng hụt, một hiện hữu không nên hiện hữu; sống cuối cùng chỉ còn vỏn vẹn là một tồn tại đơn chiều, một nội động từ, sự co cụm ta vào trong ta hóa thành một cõi ta âm u, bế tắc hoàn toàn.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng ý thức hệ trầm trọng hiện nay đang diễn ra ở Việt Nam, một câu hỏi cơ bản được đặt ra cho những ai chưa chịu buông xuôi trước định mệnh: biện pháp nào phải được sử dụng để giải quyết một lần cho xong khuyết tật về bản thể trên?
Theo chúng tôi để có hiệu quả, trị liệu pháp phải là một giải pháp tổng trạng (holistic) hai bước.
Trước hết, phải thanh toán chế độ cộng sản, đứa con đẻ của chủ nghĩa hư vô, vật cản chặn đường sống của dân tộc ta. Thay thế nó bằng một chế độ cộng hòa nhân bản lấy tự do chính trị và dân chủ làm hai phương tiện chủ yếu để phục vụ cứu cánh tối hậu là một con người tự do tổng hợp: tự do ngoài xã hội và tự do trong tư tưởng. Để bảo đảm sự liên tục và tính chính thống của tân chế độ, những định chế dân chủ vững bền phải được thiết lập và một văn hóa chính trị phải được hình thành bằng những tập quán dân chủ ăn sâu trong tâm thức người dân, hóa thành bản chất thứ hai của họ. Đồng thời nếp sinh hoạt dân chủ ngoài xã hội phải được bổ sung liên tục bởi những thế hệ cán bộ có kiến thức và ý thức dân chủ cao, có nhiệt tình và đức độ, được đào tạo chính quy trong nhà trường với một chương trình giáo dục đề cao vai trò của chính trị học ngoài là một khoa học quản trị quốc gia thuần túy, còn là triết học chính trị và đạo đức học chính trị nữa.
Trên phương diện cá nhân, mục đích của nền cộng hòa nhân bản là tạo cơ sở cho việc hình thành một mẫu công dân với tư cách một chủ thể tự do. Điều này cần nhưng chưa đủ để giải quyết tận căn cái vấn nạn văn hóa, nguồn gốc của nông nỗi lao đao lận đận dân tộc ta phải gánh chịu ngàn đời. Do đó, biện pháp kế tiếp phải là một thứ phân tâm học nhắm vào nguyên nhân của khuyết tật về bản thể trên. Đó là não trạng con vờ, nỗi buồn truyền kiếp; cuống nhau úa trong bụng mẹ, tế bào héo trong đầu cha; sự phối giống mù quáng chết người, đẻ ra một ethos èo uột, kìm hãm sự phát triển hoàn mãn của cái tâm lí tập thể gọi là quốc hồn. Thiếu cái nguyên lí thống nhất tối thượng này, một cộng đồng dù là đồng chủng, đồng văn cũng không thể trở thành một chỉnh thể quốc gia. Chúng tôi sẽ khai triển thêm đề tài này trong phần cuối của bài tùy-luận.
Văn hóa của một dân tộc là cái hồn của lịch sử của nó. Và, lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của một lệ thuộc từ gần hai ngàn năm nay vào hệ tư tưởng Trung Hoa, nói rõ hơn là hệ tư tưởng Hán. Cho đến thế kỉ 21 này, ta vẫn còn sống dưới sự đô hộ văn hóa của kẻ thù truyền kiếp của ta mà không biết. Điều nghịch lí là ta chống nó nhưng lại thờ thần thánh của nó trong nhà ta; ta thù nó nhưng lại thuộc lòng lịch sử của nó hơn là thuộc lòng lịch sử của dân tộc ta; ngôn ngữ hàn lâm của ta thiếu chữ của nó thì trở nên què quặt; mà ngôn ngữ nào thì tư tưởng ấy: tư tưởng của ta, sự sao chép với dăm ba hiệu đính tiểu xảo của tư tưởng của nó; thiếu Lão, Khổng, Mạnh, hồn ta hẫng, mất điểm tựa; lịch của nó với những cát thần, hung thần, giờ tốt, giờ xấu và linh tinh được dùng làm lịch của ta; tử vi của nó, thuật bói dựa trên 15 ngôi sao giả tưởng và có lối suy diễn tùy tiện, coi thường logic, mê hoặc ta và được ta coi như một tương lai học chính xác; cũng thế, một sản phẩm khác của óc mê tín Tàu là khoa phong thủy từ nguyên thủy là một thứ duy linh học địa lí lấy hai yếu tố gió và nước làm phương hướng quyết định vị trí thổ phần của người chết, nó được coi trọng như một khoa học nghiêm túc chi phối kĩ thuật kiến trúc nhà cửa, trụ sở kinh doanh, hoàng cung, phủ chúa, miếu mạo, đền đài, mộ phần của ta.
Sự Hán hóa ngoài tác động lên cấu trúc những vật thể hữu hình, còn ăn sâu vào cấu trúc tinh thần của người bị đồng hóa nhằm làm thui chột khả năng suy nghĩ độc lập của họ và qua đó làm họ bị vong thân. Sự vong thân do Tàu này hiện lên rõ nét nơi những người có ăn học, đặc biệt giới nho phiệt - confuciocrate - bản địa: họ không những chỉ bằng lòng với mà lại còn tỏ ra hãnh diện về sự lệ thuộc vô điều kiện của mình vào hệ tư tưởng của người đô hộ mình. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần cuối của bài tùy-luận.
Một hiện tượng vong thân khác quy mô hơn liên quan đến lãnh vực văn chương. Đó là sự phát rộ của một phong trào người người đua nhau đọc tiểu thuyết, truyện dã sử, truyện kiếm hiệp Tàu. Ngoài thành phần bình dân có trình độ học vấn không cao, quần chúng người đọc còn gồm giới trung lưu và thượng lưu như bác sĩ, kĩ sư, luật sư, giáo sư, kinh tế gia, kí giả, chính trị gia, kể cả thành phần lãnh đạo quốc gia nữa. Tất cả nhảy bổ vào, ôm chầm lấy và nằm lòng từng chi tiết một những sáng tác của La Quán Trung, Quỳnh Giao và nhất là Kim Dung hơn là thuộc lòng gia phả của mình. Với một giọng điệu kênh kiệu, người ta tỏ vẻ tâm đắc với những mưu mẹo, thủ thuật, tài xoay xở của Khổng Minh và những nhân vật của Kim Dung, cho đó là mẫu mực của cách đối nhân xử thế và điều hành quốc gia.
Sự vong thân do Tàu ấy của lớp người trên đã bịt mắt họ làm cho họ không thấy rằng tất cả những thứ họ đọc ở sách Tàu chỉ là sản phẩm của cái chinoiserie, một tập hợp bát nháo, lỉnh kỉnh của những hư chiêu lăng ba vi bộ, những ý tưởng hoang đường và những cuồng vọng miên du cho đến thế kỉ này mà vẫn còn nghĩ rằng mình là trung tâm thiên hạ, cái rốn của vũ trụ. Giấc mơ vĩ cuồng của cóc muốn làm bò này - giấc mơ lưỡi bò muốn liếm hết Biển Đông - sẽ chôn cóc xuống đáy biển.
Một nước muốn độc lập thì phải có nền kinh tế phát triển. Nhưng nó vẫn chưa phải là một chỉnh thể quốc gia nếu không có một nền văn hóa riêng làm cho dân tộc của nó khác với các dân tộc khác. Khác với quan điểm của Lenin theo đó văn hóa được tạo ra bằng hoạt động của đông đảo quần chúng lao động, văn hóa ở đây được hiểu theo một nghĩa rộng hơn: nó là sự nghiệp của toàn dân, mẫu số chung của mọi thành phần xã hội, người giàu cũng như người nghèo, nông dân cũng như công nhân, người lao động chân tay cũng như người lao động trí óc. Nó là nguyên lí thống nhất trăm thu về một mối, hồn khí tạo bản sắc và niềm tự hào của dân tộc. Nó là một sự kiện lịch sử, tập đại thành của những giá trị tinh thần tích tụ trong quá trình phát triển của một dân tộc.
Cả ba điều trên mà một nước cần phải có để trở thành một chỉnh thể quốc gia, ĐCSVN với tư cách đảng cầm quyền duy nhất trong suốt mấy chục năm nay đã không thực hiện được cho dân tộc của nó. Trái lại, cung cách hành xử khúm núm, quỵ luỵ trước bắc triều của nó có tất cả những nét đặc thù của cái tâm lí tập thể thuở nào: tâm lí phiên quốc, tiểu nhược quốc; tâm lí chư hầu, cái phức cảm tự ti dân tộc; tâm lí triều cống: nó dâng hiến cho Bắc triều nào là biển và hải đảo, nào là đất liền và tài nguyên rừng đầu nguồn, nào là khoáng sản miền cao nguyên trung phần, nơi mà đế quốc bành trướng phương bắc đã dòm ngó từ lâu vì giá trị chiến lược của nó.
Về mặt tinh thần, lịch sử cho thấy ĐCSVN luôn luôn phải dựa vào ngoại bang để tồn tại. Nó là đứa con ngu trung của hệ tư tưởng marxist - leninist - maoist. Trên thực tế, nó chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa Mao, sự trá hình của chủ nghĩa Đại Hán truyền thống coi tộc Hán là trung tâm của loài người. Đây là dạng cực đoan của chủ nghĩa chủng tộc có dáng dấp của chủ nghĩa chủng tộc thượng đẳng Đức Quốc Xã. Để có một ý niệm về điều này, ta hãy nhìn vào thái độ đối xử hiện nay của người Hán với người Tây Tạng và người Hồi - cái tâm thái có từ thời tộc Hán chinh phục được và đặt ách thống trị cực kì dã man của nó lên các tộc khác mà nó gọi là di, man, mạch, cửu di bát man, mười bảy sắc dân mọi rợ.
Ở kỉ nguyên toàn cầu hoá này, quan hệ liên lập giữa các quốc gia trở nên chặt chẽ hơn và điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một trật tự thế giới mới hài hòa hơn, bình đẳng hơn và văn minh hơn. Do đó, khó mà xảy ra trường hợp một nước nhỏ bị thôn tính bởi một nước lớn, trừ phi nước lớn này cài được người của nó vào những cơ quan đầu não của nước nhỏ. Điều bất hạnh cho chúng ta là trường hợp hãn hữu này lại xảy ra ngay trên đất nước chúng ta. Chỉ vì những người cầm đầu ĐCSVN như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Chí Vịnh đã cam tâm nối giáo cho giặc phương bắc. Họ là sự lại giống trên cấp số nhân của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Sự phản bội dân tộc ngày càng gia tăng của tập đoàn cầm quyền CSVN đang đặt đất nước chúng ta trước nguy cơ mất cả lãnh thổ lẫn quốc hồn. Họa Bắc thuộc lần thứ ba đang ló dạng ở cuối chân trời. Ta có thể mường tượng được hậu quả gây ra cho dân tộc ta của họa này qua kịch bản sau. Hoa ngữ sẽ trở thành quốc ngữ, đẩy Việt ngữ xuống thành một thổ ngữ như tiếng Mán, tiếng Chàm, tiếng Thượng, tiếng Ra Đê; quốc sử sẽ được viết lại theo quan điểm Đại Hán coi tộc Việt là một tộc thiểu số và lãnh thổ Việt Nam là phần đất tạm mất, nay được thu hồi lại; Việt Nam trở thành vệ tinh thứ năm trên lá quốc kì của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, v.v.
Những mất mát cơ bản trên là gì nếu không là những hậu quả gây ra bởi hoạ diệt chủng? Theo định nghĩa của công pháp quốc tế, một dân tộc bị mất lịch sử, mất văn hóa, tức là mất cội nguồn, bản sắc và quốc hồn của nó, là một dân tộc bị diệt chủng. Trên thực tế ĐCSVN đang đặt dân tộc Việt Nam trước một nguy cơ chưa từng thấy trong lịch sử: nguy cơ diệt chủng.
Đường cứu rỗi phải bắt đầu với việc xét lại cái quan điểm cổ điển theo đó Việt Nam chỉ là một cậu bé tí hon sống cạnh tên khổng lồ Trung Hoa lúc nào cũng lăm le muốn nuốt chửng cậu bé để thoả mãn cơn mộng bá vương muôn đời của nó; và, chính cái tương quan lực lượng lớn-bé này đã là nhân tố quyết định đường hướng hành động của cậu bé: cậu không thể không nhún nhường, không thể không cư xử cho phải đạo - đạo Hán, - không thể không chấp nhận cái thân phận vệ tinh của mình.
Quan điểm trên đúng nhưng chỉ đúng một phần. Bởi vì trung tâm của vấn đề không là địa lí chính trị mà là văn hóa. Ý người viết muốn nói đến sự lệ thuộc quá đáng, để không nói là mù quáng của cậu bé vào hệ tư tưởng của tên khổng lồ đã làm nhụt tinh thần tự chủ của cậu. Và, tên khổng lồ biết rõ nhược điểm này của cậu nên bèn sử dụng ưu thế văn hóa hầu như tuyệt đối của nó làm một thứ vũ khí mềm nhằm khuất phục và đồng hóa cậu bé.
Nhận thấy dân tộc ta tuy ghét chúng nhưng vẫn còn mê ông Khổng của chúng, bọn bành trướng chủ nghĩa phương bắc bèn nhanh tay sử dụng thuyết của ông ta để thôn tính ta bằng văn hóa.
Với sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền tay sai bản địa, cuộc xâm lăng văn hoá diễn ra dưới nhiều hình thức. Những cuộc hội thảo chuyên đề về Khổng giáo và những khoá xêmina học tập Khổng Tử được tổ chức tại những trung tâm văn hóa và những trường đại học quốc gia nổi tiếng. Những đền thờ “Đức Khổng” được dựng lên hoặc được trùng tu ở nhiều nơi và một Viện Khổng Học sẽ được xây cất ở Hà Nội, chắc chắn sẽ quy mô và bề thế hơn nhiều so với những Viện Goethe, trụ sở Alliance Francaise và thư viện Abraham Lincoln trước kia.
Cuộc xâm thực của tư tưởng Khổng còn ăn sâu vào tâm thức người bản địa thông qua sự phát rộ của một phong trào dịch sách Khổng sang tiếng Việt nhờ vào đồng tiền của tòa đại sứ Trung Quốc vung ra không tiếc tay để thuê mướn những người dịch bản địa giỏi Hoa ngữ, coi nó như tiếng mẹ đẻ thứ hai của mình. Một trong những cuốn sách ăn khách nhất ở Việt Nam là cuốn Luận ngữ, cột trụ của bộ tứ thư và là nòng cốt của tư tưởng Khổng. Trong sách này, những lời di huấn của Khổng được các môn đồ hậu bối của ông soạn thành những châm ngôn, ngạn ngữ rao giảng một thứ đạo đức thông thường, luân lí thực dụng nảy sinh từ những hoàn cảnh sống cụ thể, nhờ đó mà dễ được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian.
Những mặt tiêu cực của Khổng giáo
Do tác giả của nó không có một khả năng phân tích và suy luận cao, nghĩa là hạn chế về phương pháp luận, học thuyết Khổng Tử là một tập hợp lộn xộn của những quan điểm võ đoán, thiên lệch, nhiều khi đơn tưởng của ông về sự việc nhân loại. Để hiểu cặn kẽ thuyết này, ta phải đặt nó vào trong bối cảnh của thời Khổng sống, một thời nhiễu nhương đầy những chính biến dữ dội, những tạo phản và những cuộc thanh trừng đẫm máu. Do đó, ở cương vị một người hợp tác ăn lương hoặc tự nguyện của triều đình, ông phải đặt chữ tín lên hàng đầu và phóng tác nó thành một quan niệm trung quân tuyệt đối nhằm khôi phục lại kỉ cương và trật tự xã hội. Đây là một hình thức tôn quân thái quá đặt chủ của ông lên ngôi vị một chánh thẩm tối cao nắm trong tay quyền sinh sát theo ý mình thông qua một thứ pháp luật tùy tiện mình tự biên tự chế, với những bản án man rợ dành cho tên phản chủ: hoặc hắn bị trượng hình, hoặc hắn bị hoạn, hoặc hắn bị tru di tam tộc. Tất cả những thứ này đều xuất phát từ cái quan điểm “vua bảo phải chết mà không chịu chết là bất trung” (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung) của vị bồi thẩm Khổng Tử mớm lời cho thiên tử. Ngay chính ông ở cương vị tướng sự, nghĩa là chuyên lo việc chính trị trong nước cho vua Lỗ, đã giết đại phu Thiếu Chính Mão mà ông cho là một bề tôi xảo quyệt, gian hiểm lấn quyền vua.
Một mặt tiêu cực khác của Khổng giáo là nó làm băng hoại đạo đức của những người theo nó một cách mù quáng. Một trường hợp điển hình, trường hợp một người trí thức thấm nhuần tinh thần nho sĩ của Khổng Tử, tức một người có học vấn và tham gia chính quyền, được mang ra phẫu xẻ để xem nhân cách của họ bị hủ hóa như thế nào.
Khác với một người trí thức tự do, độc lập và tự trọng, họ với tư cách một nho sĩ truyền thống phải sống nhờ vào và là người đầy tớ khấu đầu tận tuỵ của ông chủ trả lương và ban ơn cơm nặng áo dầy cho mình. Họ sẵn sàng phó thác số mệnh mình cho bất cứ ông chủ nào, không phân biệt ông ấy là ông vua, ông tổng thống hay viên tổng bí thư đảng cầm quyền: họ là một người không có lập trường chính trị, cái mà nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba, giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 gọi là “hôm qua con chó nhà tang, hôm nay con chó gác cửa” (tạc nhật táng gia cẩu, kim nhật khán môn cẩu) - một khuyển nho, chien de garde. Cách gọi mạnh mẽ này có thể chạm tự ái một số người nhưng theo chúng tôi phản ảnh đúng bản chất của đối tượng được gọi.
Câu của Lưu Hiểu Ba là cách nói tượng hình cho tư cách của người nho sĩ do Khổng Tử nặn lên. Đó là một con chó hoang ngoài đường sau khi đã đưa tang ông chủ cũ; nay ngơ ngác ngóng chờ một ông chủ mới với hi vọng ông ta sẽ mang nó về nhà để giữ cửa; và ông chủ này có thể là kẻ thù hay đã giết ông chủ cũ của nó, nhưng đối với nó chuyện này không quan trọng. Nói cách khác, sự phản chủ ở trong máu nó, là DNA của nó.
Chính bản thân Khổng Tử lúc sinh thời đã phải bôn ba tứ xứ, bỏ Lỗ sang Chu rồi đi Tề, đến Vệ, Khuông, Tống, Trần, Sở, nhưng ông không thấy ở nhà - at home - với những nơi chốn ông đã đi qua. Ông như con sói ngụ ngôn ấy đã phải lang bạt kì hồ liên tục mà không thấy có chỗ nào ở đó nó có thể ổn định được tinh thần. Nói cách khác, như một người của muôn phương nên không là của một phương nào cả, ông cơ bản là một người vô tổ quốc. Cái gien văn hóa này được truyền lại đến ngàn sau nơi người nho sĩ hậu bối thuần thành của ông, tức một người trí thức tham gia chính quyền như người cha tinh thần của họ. Họ, một người Việt Nam có học chẳng hạn, tuy sinh sống ở Việt Nam, làm việc cho chính quyền Việt Nam và có một đời sống vật chất ổn định, nhưng họ không yêu tổ quốc Việt Nam; hoặc nếu có, thì đó cũng chỉ là một thứ cảm thức mơ hồ về tổ quốc, một ý niệm mông lung về thế nào là tình yêu quê hương. Do đó, họ dễ chao đảo, dễ bị mua chuộc, dễ bán nước, bán hồn cho ngoại bang. Như Khổng Tử trước kia, người của hầu quốc Lỗ, đã bán hồn cho đế quốc Chu. Là như thế sự băng hoại nhân cách của một kẻ bị hủ hóa bởi Khổng giáo.
Học thuyết Khổng còn có những khuyết tật khác mà chúng tôi chỉ nêu ra dưới đây một số thí dụ điển hình.
Chẳng hạn thói giản lược hóa võ đoán cái phức tạp của sự việc nhân loại thành một tiêu chí có tính khẩu hiệu, như vậy là xuyên tạc sự thật. Rồi sự bẻ lái thuyết chính danh từ là một ngôn ngữ học sang hướng đạo đức học với một suy diễn tượng hình khiên cưỡng, buồn cười, thiếu sâu sắc nhằm minh phận vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con; mỉa mai chê trách ai không làm tròn bổn phận của mình và ví họ như “cái bình rượu không khía, không góc mà cũng gọi là cô ư!” (cô bất cô, bất tai, bất tai!), nghĩa là một người hữu danh vô thực - một hiện hữu thừa. Rồi cái nhân sinh quan an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý, kính nhi viễn chi, “thấy nước lâm nguy thì không vào, nước có loạn thì không ở, lúc thiên hạ có đạo lí thì ta xuất hiện, lúc không có thì ta ở ẩn” (nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, vô đạo tắc ẩn); nghĩa là quan niệm sống của một người bạc nhược, thấp hèn, ba phải, hoài nghi, khôn ranh, láu vặt. Rồi cái mẹo trị dân dạy cho giới cầm quyền là “đừng giảng giải cho dân nghĩa lí sâu xa của việc mình bảo họ làm” (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi) đã tạo nên một giai cấp lãnh đạo dựa vào chính sách ngu dân do mình làm ra để dễ bề thao túng, lộng hành, thực hiện những ý đồ bất lương của mình. Rồi cái tác phong “chép lại chứ không sáng tác” (thuật nhi bất tác) những lời dạy của các bậc hiền giả tiền bối đã chặn đứng sự phát triển trí tuệ của người Tàu kể từ thời Xuân Thu cho đến nay, hiện đang hóa họ thành một người gia công rẻ mạt cho thiên hạ, giỏi bắt chước và làm ra những hàng nhái, hàng đểu, “phát minh” bằng sự đánh cắp sở hữu trí tuệ của người ta. Rồi cái thiên kiến ỷ vào cái được gọi là trực giác mẫn tiệp của người thượng trí có nhân đức, tức người quân tử, và đặt nhẹ vai trò của lí trí và óc phân tích đã khiến cho nước Tàu giẫm chân tại chỗ về khoa học hơn hai ngàn năm nay. Rồi cái quan điểm đặt sự tôn quân, trọng lễ trên pháp luật đã tạo ra cái cớ cho nạn sứ quân hoành hành và bọn lâm tặc, thảo khấu nổi dậy liên tục chống chính quyền trung ương khiến cho nước Tàu không bao giờ là một chỉnh thể quốc gia nation-state, nghĩa là có nhà nước nhưng không có quốc gia. Rồi cái quan niệm “bình thiên hạ” của một học trình bốn bước nhằm đào tạo mẫu người quân tử đã mồi kích cho những cuồng vọng bành trướng của Hán tộc, khiến họ đã phạm phải không biết cơ man nào mà kể những tội ác chống dân tộc của các nước bị họ thôn tính và đang đẩy nước Tàu vào những cuộc phiêu lưu không có ngày mai. Rồi còn gì nữa.
Giới trọng nho, trong đó có không ít những người trí thức Tây học, cho rằng thiên hạ vì học chưa đến nên hiểu sai Khổng giáo. Chúng tôi thì nghĩ ngược lại: chính họ mới là những người hiểu sai Khổng giáo, bởi vì họ bị Khổng tẩy não mà không biết, nên không nhận chân được bản chất thực sự của Khổng giáo.
Dựa vào những phân tích trên, chúng tôi thấy rằng Khổng giáo tự nó có những khuyết tật thâm trọng của nó. Lí do là vì người xướng lập ra nó có những hạn chế về học thuật. Khổng Tử chỉ có một sự hiểu biết sơ sài về tri thức luận và phương pháp luận. Điều này làm cho ông không có một khả năng suy luận và phân tích cần có để làm công tác học thuật của mình một cách đúng đắn. Ngoài ra, sự thiếu một khả năng quy nạp cao, tức khả năng đi từ những sự kiện riêng đến một kết luận chung, đã khiến ông nhiều lúc đưa ra những nhận định không có cơ sở.
Ông dạy học trò của ông là phải dùng trực giác mà xem cả toàn thể thì mới thấy được cái tinh thần của nó, chứ đừng ỷ vào lí trí mà theo ông chỉ cho thấy chân hình bề ngoài thôi. Với quan niệm coi vũ trụ là động thể của cái nguyên lí tối cao, nguyên lí thiên địa vạn vật nhất thể, ông gọi cái tinh thần cả toàn thể trên là thiên lí. Cái này được ông phát huy thành cái ông gọi là thiên mệnh hay đế mệnh, tức ý chí của Trời là chủ tể cả muôn vật không sao cưỡng lại được (xin xem Nho Giáo của Trần Trọng Kim trang xvi và chương Hình Nhi Thượng Học).
Đến đây thì chúng tôi còn có thể chấp nhận trong một mức độ nào đó quan điểm siêu hình trên của Khổng Tử. Vấn đề chỉ bắt đầu khi ông làm một bước cóc nhảy vô cớ cho rằng muốn thấy mệnh trời thì phải có cái trực giác mẫn tiệp của bậc thượng trí có nhân đức, tức người quân tử. Chúng tôi thấy sự ông mang đạo đức học vào nhận thức luận này là một nguỵ biện thuần túy. Bởi vì hai cái này là hai phạm trù tách biệt không có liên hệ gì với nhau. Sự lẫn lộn này chung quy cũng chỉ vì cái khuynh hướng thực dụng thái quá của con người luân lí học nơi ông đã làm cho ông nhiều khi có những tư tưởng thiển cận, thiên lệch, võ đoán.
Ngoài ra, do không được hỗ trợ bởi một tình cảm siêu hình thuần thành (chúng tôi sẽ nói rõ về điểm này trong đoạn kế tiếp của bài viết), trực giác của Khổng Tử cho dù có sắc bén đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ thấy cái chân hình bề ngoài mà không thấy cái tinh thần cả toàn thể, tức bản căn của đấng chủ tể cả muôn vật của ông. Ông tự mâu thuẫn với chính mình mà không biết. Ông có một quan điểm nước đôi - ambiguous - về Trời. Ông tin có Trời, nhưng đối với cái khí linh thiêng của Trời bàng bạc khắp muôn nơi mà ông gọi là quỷ thần, ông giữ một thái độ “kính mà xa ra” (kính nhi viễn chi), nghĩa là ông không có cái tình cảm siêu hình thuần thành nói trên. Cảm thức của ông về bản căn vũ trụ thua xa Lão Tử, người sáng lập của Đạo, về sự mẫn đạt và thấu suốt.
Về đạo lí học, Khổng Tử không có tài biện luận sắc bén như Mặc Tử, người làm ra thuyết Kiêm Ái. Do thiếu một khả năng triết luận cao, ông là một nhà luân lí học hơn là một nhà đạo lí học. Ngay trên mảnh đất dụng võ này của mình, ông cũng có những thiếu sót như sau.
Khuynh hướng thực dụng thái quá - lắm lúc tầm thường - và dụng tâm dùng đạo của mình để phục vụ chế độ, một chế độ chuyên chế phong kiến, đã làm cho quan niệm đối nhân xử thế của ông bị lệch lạc, bất công và có tính kì thị giai cấp. Nó thắt buộc người dân vào những khuôn phép khắt khe được đặt ra để nô lệ hóa họ, trong khi lại nới lỏng kỉ cương cho giới cầm quyền, đặc biệt ưu đãi thành phần lãnh đạo với cái quan điểm tội phạm học quái dị là “hình phạt không được dùng cho quan lớn” (hình bất thượng đại phu). Bọn chóp bu của các chế độ độc tài toàn trị đời nay đã tỏ ra tâm đắc với quan điểm này của Khổng Tử và đã áp dụng nó một cách tối ư nhiệt tình.
Con người thật của Khổng Tử có không ít những mặt tiêu cực. Chẳng hạn cái tính câu nệ hình thức đến bệnh hoạn; tính sĩ diện hão (từ quan chỉ vì vua Lỗ trong lễ tế Giao không chia phần thịt cho mình và đồng liêu); tính ngoan cố “biết rằng không làm được mà cứ làm” (tri kỉ bất khả nhi vi chi); tính thiếu ngay thẳng (nói với thiên hạ là mình muốn dùng đạo của mình để biến đổi thời đại trong khi thừa biết rằng nó được làm ra để duy trì và củng cố nền trật tự xã hội của thời đại mình); tính háo sắc ham dục đến mức bỏ cả Đạo và Nhạc của mình để chạy theo nhan sắc của hoàng hậu Nam Tử xứ Vệ và tiếng đàn hát của đám ca nhi vũ nữ đất Tề; và cái thói nguỵ biện mãn tính tìm cách bào chữa cho những việc làm sai trái không thể bào chữa được của mình, v.v.
Bản liệt kê trên cho thấy Khổng Tử chỉ là một mẫu vật - specimen - của một chủng loại nhiều tài thì hay lắm tật chứ không hề là thánh, Thánh Khổng, Thánh Trọng Ni, Thánh Hạnh Đàn, Vạn Thế Sư Biểu như thiên hạ từng tôn ông lên. Nói cách văn chương, ta có thể bảo rằng trong một mức độ nào đó Khổng Tử ngoài đời là phản diện của Khổng Tử trong sách - he doesn’t practice what he preaches. Để câu chuyện được đầy đủ, thiết tưởng nên thêm vào đó một chương nữa, đó là chương “Đạo đức giả học về Khổng Tử”.
Phác thảo một dự án cho tương lai
Bởi vì nó là hòn đá tảng của ý thức hệ Hán, việc vô hiệu hóa Khổng giáo cũng đồng thời là sự giải phóng ta khỏi ách đô hộ của nền văn hóa Hán đã kéo dài ngót hai ngàn năm nay.
Cái lợi tức thời của việc giải Hán hóa là tránh cho ta bị mắc phải “cơn sốt Khổng Tử” đang được xuất cảng từ Trung Quốc sang Việt Nam với ý đồ thôn tính ta bằng những vũ khí mềm ếm trong lòng chữ của Khổng.
Công việc lâu dài có tầm vóc một chiến lược quốc gia nhằm xây dựng một nhân sinh quan mới lấp vào chỗ trống do sự vô hiệu hóa Khổng giáo để lại.
Chúng tôi thiển nghĩ một trong những việc đầu tiên nên làm là thay đổi nhãn quan của ta về nguyên tố trước. Ta hãy rũ bỏ cái tập tính quá chú tâm về ao mà không nghĩ nhiều đến sông và biển. Ta đã bất công với sông vì ta sống nhờ vào dưỡng chất phù sa của sông nhưng lại không có một văn hóa sông phì nhiêu làm nên bởi những bài trường thi, bản trường ca, và xaga phản ánh cái khí chất dấy lên từ Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Đà, Sông Đáy, Sông Mã, Sông Đồng Nai và Cửu Long Giang.
Một nghịch lí khác về văn hoá địa lí là ta hầu như mù chữ về biển trong khi đất nước chúng ta ngó ra Biển Đông và có một bờ biển dài 3,500 kilômét. Ngoại trừ một chút dư âm vọng về từ biển Lạc Long Quân, tâm thức ta chưa nghe ra tiếng gọi dạt dào của biển lớn. Sự quay lưng với biển của tâm thức ta làm ra một thứ văn hóa hướng địa mà tầm nhìn bị cản trở bởi dãy Trường Sơn như một bức tường định mệnh khó xuyên thủng. Nhãn quan hạn chế này một phần đã tạo nên một mẫu người không tưởng, thứ cóc ngồi đáy giếng mà cứ cho ta là rốn vũ trụ, cha thiên hạ, ta thông minh hơn Mĩ và ta là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”. Thái độ huyênh hoang, hợm hĩnh này thật ra chỉ là sự lại giống khuếch đại của cái quan niệm về nguồn chủ quan đời xưa là “Ta về ta tắm ao ta; dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Do đó việc xây dựng một văn hóa biển phóng khoáng là cần thiết để đối trọng với những biến thái bệnh hoạn của cái văn hóa hướng địa trên. Với sự vượt biển tìm tự do bi dũng của mình - sự tái diễn trên cấp số nhân của chuyến quá hải xa xưa của người Do Thái - hơn một triệu đồng bào ta đã đặt những viên đá đầu tiên cho việc xây dựng một nền văn hóa biển cho dân tộc ta. Động cơ của sự vượt biển ấy rõ ràng là một động cơ chính trị thúc giục đồng bào ta bỏ nước ra đi tìm tự do. Nhưng theo chúng tôi đó cũng còn có thể trong một ý nghĩa nào đó là sự đáp lại một tiếng gọi mông lung trong vô thức tập thể của chúng ta là hãy về với biển cha Lạc Long Quân, người tình người chồng của núi mẹ Âu Cơ. Thiết tưởng cũng nên khai triển ý niệm về nguồn qua nẻo tâm linh huyền sử này - bởi huyền sử là cái hồn u uẩn của một dân tộc - và nếu có thể thì xây dựng nó thành một phạm trù khiến cho văn hóa biển tương lai của dân tộc ta có một nét đặc thù khác với văn hóa biển của các dân tộc khác.
Mục đích của những nhận định trên đây là tạo bối cảnh lịch sử cho một dự án xây dựng một mẫu người Việt Nam mới. Một mẫu người xuất phát từ lịch sử và là phản đề của mẫu người Khổng giáo du nhập từ Trung Hoa. Đó là một mẫu người hiện hữu như một chủ thể tự do tự tạo cho mình một cá tính đặc thù rõ nét, phóng khoáng, cởi mở, tiến bộ, hướng chú tới tha nhân và muốn đóng góp. Một mẫu người trọng sự khác biệt đa nguyên, đa dạng trong sáng và muốn xây dựng một cộng đồng thuận trong tinh thần tương kính và tương nhượng.
Mẫu người Việt Nam mới, một mẫu người tổng hợp. Bộ ba làm nên bởi sự cộng sinh hài hòa nơi mỗi chúng ta của con người cá nhân thân ái với tha nhân, con người xã hội tự nguyện vì công ích và con người thiết tha với tổ quốc. Một mẫu người hình thành từ sự kết hợp nhuần nhuyễn của cái gốc minh triết quần chúng thực dụng trong sáng hằng có của ta với tri thức logic mạch lạc và phương pháp suy luận có hệ thống của người phương Tây nhằm xua tan những đám sương mù của hệ tư tưởng Hán đang bủa kín hồn ta.
Mẫu người Việt Nam mới, một mẫu người năng động trí tuệ, giàu óc sáng tạo và không ngừng trau giồi tri thức của mình với những kiến thức hương xa gió lạ, những kiến thức tích cực, những kiến thức vui - le gai savoir - nhằm xây dựng cho mình một nhân sinh quan yêu đời, ham sống, hướng thiện và yêu cái đẹp.
Một nền cộng hòa được coi là nhân bản khi nó lấy mẫu người tổng hợp trên làm cứu cánh của nó.
Nguồn cơn một nỗi buồn
Mỗi dân tộc có một nỗi buồn riêng làm nên bởi những điều kiện thổ ngơi (đất đai và khí hậu) và những kinh nghiệm lịch sử đặc thù của mình. Trong khi người Tây Tạng buồn thắt ruột vì mất nước, mất đạo, thì người Nhật chưa nguôi nỗi buồn tủi hổ của một kẻ bại trận. Người Anh buồn u ám vì bị vây phủ bởi những đám sương mù đặc quánh như súp đậu, còn người Bédouin cảm thấy một nỗi buồn hiu quạnh trước cảnh tượng mênh mông vời vợi của sa mạc Sahara. Chúng ta ví von về nỗi buồn Chàm (do chúng ta gây ra) nhưng không biết nhiều về nỗi buồn của chính mình.
Vậy nỗi buồn Việt Nam là gì?
Trước hết chúng tôi nói đến một đặc tính của dân tộc ta: người Việt Nam là một người giàu tình cảm, dễ buồn hơn là dễ vui và hay mau nước mắt. Kẻ thù truyền kiếp của ta đã tìm cách khai thác sơ hở này của ta để thực hiện những ý đồ xâm lược hiểm độc của chúng không chỉ nhằm thôn tính lãnh thổ của ta mà còn nhằm tha hóa hồn ta.
Sự ta bị đế quốc Hán đồng hóa diễn ra trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, tư tưởng, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, kể cả tình cảm nữa. Chẳng hạn về chữ viết, ta phải mượn cách viết chữ Hán để viết chữ của ta khiến ngôn ngữ ta từ nguyên thủy là một ngôn ngữ đa âm tiết trở thành một ngôn ngữ đơn âm tiết. Sự vong thân ngôn ngữ này còn được đẩy tới mức cực đoan bởi giới trí thức nho phiệt của ta coi tiếng Hán là khuôn vàng thước ngọc, trong khi khinh bỉ chữ nôm của ta là “nôm na là cha mách qué”. Phải đợi đến thập niên 1940 thì cái tâm trạng sùng Hán ấy mới bớt đi nhờ vào sự phát triển đáng kể của Việt ngữ về ngữ pháp, văn phạm, từ vựng và văn phong. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với sự lên nắm chính quyền của cộng sản dựa vào Trung Quốc trên mọi mặt, sự đô hộ ngôn ngữ của đế quốc Hán lại xuất hiện trở lại công khai hơn với sự ra đời của một thứ tiếng Việt lai căng nặng mùi húng lìu Tàu.
Về tình cảm cũng vậy, ta phải mượn cái buồn của Tàu để buồn. Vấn đề là, cái buồn này có nhiều mặt tiêu cực đã làm khốn đốn chính nước Tàu trong suốt chiều dài mấy ngàn năm của lịch sử của nó. Sự đô hộ của Tàu, như vậy, cũng là sự Tàu đổ cho ta căn bệnh buồn truyền kiếp của họ. Chẳng hạn nỗi buồn vạn cổ, buồn quan tái, buồn cố quận, buồn lữ thứ, buồn lưu vong, buồn chinh phụ, buồn cung nữ, buồn thanh lâu, buồn bị sinh ra và nhất là nỗi buồn phế phủ làm rầu gan thối ruột người buồn.
Một nỗi buồn chết người. Thứ thuốc phiện mà muốn cai nó thì người nghiện phải tự nội soi mình để phát hiện những ngầm phá của nó gây ra trong ngõ nghách tâm hồn mình. Để biết rằng nó là ngọn nguồn của một nhân sinh quan xanh xao, ốm yếu, bào mòn sinh lực và làm nhụt nhuệ khí mình, khiến cho mình không còn sức đề kháng trước sự xâm lược đất nước mình của kẻ thù.
Bước kế tiếp là phải làm một cuộc phản tỉnh bằng tự thực hiện ngay trên mình một thứ tâm lí trị liệu triệt để, mạnh tay nhằm gột rửa hồn mình đang nhiễm phải những chất độc của nỗi buồn và những thứ khác người Tàu truyền sang mình. Nghĩa là mình phải tự phủ nhận mình, phải biết xấu hổ về thân phận làm nô lệ tinh thần cho người Tàu của mình.
Ta nói ta ghét Tàu, gọi họ là Tàu khựa, nhưng ta vẫn mê Tàu mà không biết. Nguyên nhân của sự mâu thuẫn này là vì văn hóa Tàu đã ăn sâu vào não tủy ta từ gần 2000 năm nay và hóa thành bản chất thứ hai của ta, lẽ sống của ta, văn hóa của ta. Muốn tẩy sạch dấu hằn này, một cuộc cách mạng tư tưởng triệt để, một thứ lột xác tinh thần, phải được thực hiện. Với nhiệm vụ hàng đầu là phủ nhận truyền thống vọng bắc của giới nho phiệt tiền bối của ta để lại, do sự phụ thuộc mù quáng của họ vào hệ tư tưởng Trung Hoa, đã bán nước và bán hồn cho người thày tinh thần của họ. Truyền thống ấy kéo dài đến đời nay: họ đang hiện diện giữa chúng ta qua những bản sao hậu bối của họ tạo ra.
Một bài thơ về con vờ
Bài tùy-luận này bắt đầu với hình ảnh của một con vờ và nay kết thúc với một bài thơ về con vờ ấy.
Như một hình ảnh tâm lí, vờ của trên bảy mươi năm trước vẫn còn vương lại trong kí ức chúng tôi đến tận bây giờ. Về mặt sáng tác, đây là một kinh nghiệm hữu ích, thứ cau trổ buồng, tức một nguồn cảm hứng tích cực khiến chúng tôi làm nên bài thơ “Ta về không tắm ao ta”. Có những tác phẩm hình thành từ một ngẫu nhiên tình cờ, một ý nghĩ bâng quơ. Làm ra bài thơ là đơm hoa kết trái cho cái mầm tư tưởng mới nhú lên trong đầu thi nhân.
Hình ảnh của con vờ vật vờ, lênh chênh, mỏng mảnh, phù phiếm làm chúng tôi chạnh nghĩ sang thân phận hàng chục triệu đồng bào xấu số của mình. Tình cảm này được dùng làm bối cảnh cho một nội dung tư tưởng của bài thơ. Một bài thơ nói về nỗi buồn nòi của ta, một phiên bản của nỗi buồn vạn cổ của Tàu. Đề tài thuộc phạm trù bản thể học, một phạm trù trừu tượng, trùng phức, khó định hình; do đó bài thơ - một tập hợp của hai mươi tám câu thơ lục bát - không thể không có những hạn chế nhất định của nó.
Tác giả hi vọng với lượng thông tin cung cấp bởi thố lộ trên, bạn đọc như một du tử rong chơi trong cõi chữ sẽ cảm thấy bớt bỡ ngỡ trước cái phẫn khí quyết liệt của bài thơ ưu uất ta tự trách ta và ta tự phủ nhận ta này.
Cách trị liệu tốt nhất là tìm ra mầm bệnh rồi mới chữa bệnh. Đó là dụng ý của tác giả khi làm bài thơ rất buồn này.
Ta Về Không Tắm Ao Ta
hay
Cấu Trúc Sáu Tám Một Cội Buồn
Buồn nòi bủa lưới giăng tơ
Lênh chênh nhện nước con vờ lội ao.
Sòng đời chẵn lẻ thế nào?
Thưa con số hẩm gieo vào cửa tôi.
Nhau con úa dạ mẹ rồi!
Chôn lầm mảnh đất mồ côi nhân tình.
Tà quyền phù thủy âm binh,
Nhà cò nhà vạc lục bình trôi sông.
Tiên thiên thù oán chất chồng,
Sống cùm kinh cụ, chết còng tân toan.
Phẫn tồn một cái búng tăn
Ao tù diếc quẫy vết nhăn mặt người.
Cái lì của tĩnh trêu ngươi,
Cái u của tịch mốc đời héo hon.
Mười đi chín mất một còn,
Máu trào cửa tử cờ son đẫy đùa.
Quê cha trái đắng được mùa,
Quả lừa thu ấy còn chua đến giờ.
Vung tay đòi xóa ván cờ:
Vẫn lờ đờ kiếp con vờ lội ao.
Cái buồn huyền sử xanh xao
Ủ mầm trong máu ngấm vào cung thương.
Ao tanh nước đọng chán chường
Ngủ liền thiên kỉ chưa bừng cơn mê.
Mười đi may có một về,
Đường mòn con vác não nề trên lưng.
Ba đời đời vẫn kín bưng!
Mẹ ơi kiếp tới Mẹ đừng sinh con.
Minnesota tháng 3 năm 2014
CUNG TRẦM TƯỞNG
Trước khi nhập đề, người viết có dăm ba lời muốn ngỏ cùng bạn đọc.
Luận văn này nên được coi như sự thể hiện một thể văn mới làm nên bởi sự kết hợp của hai thể tùy bút và tiểu luận và được gọi là thể tùy-luận. Với một điều kiện phải được tôn trọng: sự viết phóng tay cho thoả chí tang bồng văn chương không được vượt quá mức cho phép của cách viết nghiêm xác của học thuật đặt ra cho người viết.
Nghệ thuật viết tùy-luận là làm sao lồng vào sự sáng sủa phải có của lí luận một vẻ đẹp văn chương lấp lánh khiến cho lí luận có thêm sức thuyết phục và lôi cuốn. Bởi đối tượng người viết muốn nhắm vào là một người đọc toàn năng, đọc bằng cả cái đầu lẫn quả tim của mình thì mới thấy hết được ý nhị tinh thần và duyên dáng văn phong của bài viết.
Về hình thức, tùy-luận nên được coi như một cách kể chuyện với một bố cục làm bằng những bước cóc nhảy và tạt qua sao cho khớp với nhịp tùy hứng của một người viết đôi khi có những cơn lên đồng “bất tử” bằng những con chữ của mình để xem chúng có thắp lên được cõi vô thức u minh không.
Tên “Ta về không tắm ao ta” của bài thơ chúng tôi làm cách đây vài năm được chọn làm một trong ba tựa đề của bài tùy-luận.
Trước hết, xin nói qua về bối cảnh của sự ra đời và mục đích muốn nhắm tới của bài thơ để giúp bạn đọc hiểu thấu đáo hơn những ý tình của tác giả ủ gửi trong lòng chữ nghĩa của nó.
Bài thơ ra đời từ hình ảnh của một con vờ - một hình ảnh tâm lí - mà tác giả bắt gặp trên mặt nước một ao tù trong cổ thành của thị trấn Sơn Tây lúc hắn còn là một đứa trẻ thơ. Kể từ buổi sơ ngộ ấy, một buổi chiều thu mây che u ám, hình ảnh con vờ ở lại luôn trong kí ức tác giả như một ám ảnh mông lung, một thắc mắc mơ hồ, một xao động lăn tăn, một kí hiệu u uẩn, một đầu tư thi ca bất trắc có nguy cơ trở thành vô sinh như thứ cau không trổ buồng. Ý tác giả muốn nói: nó có thể bị ngưng lại ở dạng một biểu tượng tâm lí thuần túy vì không có cơ duyên trở thành một mãn thể ngôn ngữ là bài thơ. Lí do không phải vì kí ức của ta bạc bẽo với nó mà vì khả năng ngôn ngữ của ta bất cập trước cái muôn màu muôn vẻ của thế giới sự vật. Trong đầu mỗi chúng ta có một nghĩa trang chôn không biết cơ man nào mà kể những phôi chữ chết yểu. Cơ bản, mỗi chúng ta ít nhiều mắc phải bệnh thất ngữ.
Trên phương diện sáng tác, đối với chúng tôi cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và con vờ với những dư hưởng lâu dài của nó là một sự kiện văn chương ý nghĩa, một hạnh ngộ, cái động cơ hữu ích khiến chúng tôi làm nên được bài thơ. Tức một nguồn cảm hứng dồi dào xuất phát từ một ý nghĩa mơ hồ về con vờ, rồi phát triển ý nghĩa này thành một cái nhìn rõ nét hóa vờ ấy từ là một hình ảnh chung chung trừu tượng thành một hiện diện cụ thể có một bản sắc đặc thù. Cái bản sắc ấy được cách điệu hóa thành một bản sắc văn chương làm nên bởi một ngã ngữ, tức cái ngôn ngữ của người viết làm ra trong từng mỗi hoàn cảnh cá nhân cụ thể. Cách viết này được nhà cơ cấu học ngôn ngữ Noam Chomsky đặt cho cái tên “performance” mà Giáo Sư Trần Ngọc Ninh chuyển sang tiếng Việt thành “diễn năng ngôn ngữ”.
Viết cách sáng tạo là sử dụng ngôn ngữ như một chất xúc tác để khai triển đối tượng của sự viết thành một cái nó khác hoàn chỉnh hơn, cái mầm ý sơ khai thành một mãn khai tư tưởng, âm bản lờ mờ của con vờ trong đầu mình thành một dương bản sắc hình rõ nét - sự hóa thân của con vờ ngoài đời thành con vờ văn chương trên trang giấy.
Chúng tôi xin tạm rời bài thơ để chuyển sang một đề tài khác mà cũng là một bộ phận của bài tùy-luận này.
Vai trò của sinh - tâm lí học trong ngôn ngữ học hiện đại
Người là loài vật độc nhất có tiếng nói.
Một số những gì chúng tôi sắp trình bày sau đây dựa trên một số công trình nghiên cứu cổ điển và hiện đại về ngôn ngữ loài người trong đó có cuốn chuyên khảo cơ cấu Việt ngữ của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.
Theo chúng tôi, do cách vận dụng sáng tạo những thành tựu mới nhất của ngôn ngữ học hiện đại, đặc biệt sự đóng góp quan trọng của Chomsky với hai thuyết Ngữ Pháp Hoàn Vũ và Ngữ Pháp Biến Cải và Tạo Tác - Universal Grammar và Transformational and Generative Grammar - của ông, cuốn sách của họ Trần có hai ưu điểm: phạm vi của nó quy mô hơn và khảo hướng của nó có tính khoa học hoàn chỉnh hơn so với những cuốn cùng chung đề tài của các tác giả Việt Nam và tác giả nước ngoài khác mà chúng tôi đã có dịp đọc được từ mấy chục năm qua.
Sự con người thủ đắc một tiềm năng ngôn ngữ bẩm sinh xuất phát từ hai nguyên nhân: một là, theo các nhà tiến hóa học vi mô, một chuỗi những đột biến trong mã di truyền của loài người đã hóa nó thành một hiện hữu có tính sinh học đặc loại so với các loài vật khác; hai là, những kinh nghiệm thu gặt từ cuộc tiếp xúc với những đồng loại để học tập lẫn nhau và cuộc tiếp xúc với thế giới tự nhiên xuyên suốt chiều dài của lịch sử tiến hóa của nó đã tạo cho nó có một khả năng văn hóa khiến nó vượt thắng được định mệnh hầu nhân tổ tông của nó, rồi từ đó dần dần tự hình thành mình thành một con người văn hóa hoàn chỉnh được hiểu ở đây theo một nghĩa hẹp là một con người tự làm ra cho mình một ngôn ngữ. Đây quả là một sáng tạo kì diệu.
Theo các nhà tâm lí học ngôn ngữ hiện đại, tiềm năng ngôn ngữ in ủ trong não bộ con người dưới dạng những hình ảnh âm vị (image phonémique) chứ không phải dưới dạng những hình ảnh âm học (image phonétique) như trường phái saussurien trước kia đã nghĩ. Sự chuyển bậc từ quan điểm vật lí học sang quan điểm tâm lí học này có được là nhờ sự áp dụng cơ cấu pháp hiện đại vào việc khảo sát ngôn ngữ loài người.
Khác với Saussure coi ngữ tức tiếng (langue, language) là phần xã hội, nghĩa là ở ngoài các cá nhân, của ngôn tức lời (parole), Chomsky cho rằng ngữ ngụ trong tâm lí con người và đặt cho nó cái tên ngôn ngữ nội tàng - Internal I language. Quan điểm này xuất phát từ thuyết Ngữ Pháp Hoàn Vũ - Universal Grammar - của chính ông mà theo ông là “một ngữ pháp nội tàng chung cho tất cả mọi người và mỗi người, gồm những nguyên lí căn bản của ngôn ngữ nội tàng (I- language) với những bàng kế (parameters) đặc thù đã được cố định bởi kinh nghiệm của cộng đồng trong lịch sử” (Trần Ngọc Ninh, Cơ Cấu Việt Ngữ, quyển II trang 427).
Kể từ thời Saussure (đầu thế kỉ 20) cho đến nay, ngôn ngữ học đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ngôn ngữ học hiện đại là một khoa học tổng hợp gồm cơ cấu học, kí hiệu học, ngữ văn học, khảo cổ học, hiện tượng học, sinh lí học, tâm lí học, hành vi học, và vân vân. Sự tổng hợp này, do coi ngôn ngữ là một hiện tượng husserlien, tức là sự thể hiện hữu cơ của bản chất sự vật, không hóa ngôn ngữ thành một hợp thể mà thành một đồng nhất thể của các yếu tố cấu thành hòa tan vào nhau giống như một chất hóa hợp.
Tuy nhiên, ngôn ngữ học hiện đại vẫn còn có những hạn chế của nó. Chẳng hạn trong lãnh vực ngữ pháp học, nó vẫn chưa có được những bước khai phá đáng kể về ngữ nghĩa học như đã đạt được trong âm vị học và cú pháp học. Đối với nó, ngữ nghĩa học vẫn còn là một vấn đề để ngỏ.
Riêng về Việt ngữ, với sự xác định có độ thuyết phục cao nguồn gốc của tiếng mẹ đẻ của chúng ta với cách phân tích từ loại, định hình cấu trúc của từ, câu, đoạn đã nêu lên được cái logic khúc chiết ngoạn mục của ngữ pháp Việt, sự khảo sát của giáo sư họ Trần là một đóng góp quan trọng do tính quy mô và tính khoa học cao của nó. Nó tạo cho chúng ta một cơ sở để vững tin vào sự trường tồn của dân tộc chúng ta, bởi vì khi một nền văn hóa có một ngôn ngữ hoàn chỉnh như tiếng Việt - một viên ngọc trong kho tàng trên 4000 ngôn ngữ của loài người - văn hóa ấy không thể bị đồng hóa bởi bất cứ một âm mưu thôn tính nào của ngoại bang. Sự thần phục Trung Quốc hiện nay của chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ là một hiện tượng nhất thời thể nào cũng sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự trỗi dậy của niềm tự hào dân tộc mà nền văn hóa với cái ngôn ngữ tinh anh ấy của nó đã in sâu trong tâm thức mỗi chúng ta.
Sự vong thân ngôn ngữ, một căn bệnh thời đại
Nay, ta hãy mượn một số chuyên ngữ của Chomsky để miêu tả tấn bi kịch ngôn ngữ của giới viết văn phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị như chế độ hiện hữu ở Việt Nam.
Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh của tấn bi kịch ấy, đó là sự vong thân ngôn ngữ, một hiện tượng phổ biến trong văn giới ở Việt Nam. Do tính cách trầm trọng của nó, ca bệnh của người viết văn đảng viên cộng sản được mang ra phẫu xẻ để xem chức năng ngôn ngữ của họ thoái hóa như thế nào.
Vì sống trong một môi trường không có tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, khả năng ngôn ngữ văn chương của người viết văn cộng sản bị thui chột. Do đó, khi sáng tác họ phải vịn vào cái ngôn ngữ giáo điều và mẫu diễn năng đúc khuôn của Đảng tiền chế và lập trình sẵn cho họ: họ bị vong thân ngôn ngữ.
Trước khi xét những di luỵ của chứng bệnh này nơi con bệnh, chúng tôi xin nói qua về động thái của một người viết văn lành mạnh, một người có được những nhân quyền kể trên.
Người viết văn với tư cách một chủ thể tự do sáng tạo sử dụng ngôn ngữ để hình thành cho mình một bản sắc không những chỉ độc đáo về ý tưởng mà lại còn sở hữu một ngôn ngữ và một bút thuật đặc thù của mình làm ra. Viết cách sáng tạo là nghệ thuật phóng chiếu trên trang giấy cái I language, của cái chung của mọi người gửi gắm trong cá nhân mỗi người, thành một cái Chomsky gọi là “ngôn ngữ ngoại xuất” (External E language) văn vẻ ấm nồng cá tính và hơi thở sinh lí của người viết. Tức sự nống ra châu thân, dấu lăn tay trên thẻ căn cước, quả tim thứ hai của tôi phơi bày ra ngoài ánh sáng. Tôi viết do đó tôi nhân đôi sự hiện hữu của tôi.
Viết cách sáng tạo, nói cách khác, là sự thể hiện bằng những con chữ của tôi con người cá nhân cụ thể của tôi, tức sự tôi thoát li khỏi nền chuyên chế của cái ta chung trừu tượng, trong trường hợp của người viết văn ở Việt Nam là cái ta vô hồn, vô sắc, vô cảm của đảng đoàn, cơ chế, tổ chức, mặt trận và vân vân.
Do sống dưới một chế độ mà sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước xâm thực vào mọi ngành sinh hoạt của người dân, kể cả sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, văn học nhằm bóp chết mọi sáng kiến cá nhân tự do như chế độ độc tài toàn trị hiện hữu ở Việt Nam, khả năng sáng tạo một ngã ngữ cho mình của người viết văn, đặc biệt người viết văn cộng sản, bị thui chột. Do đó, như đã nói ở trên, khi sáng tác họ phải mượn ngôn ngữ của Đảng làm sẵn cho và nhét vào đầu mình. Ngôn ngữ này, một tha ngữ; tức ngôn ngữ của kẻ khác đối lập với với ngã ngữ của mình; nó cứng ngắc ước lệ và nồng nặc tính giáo điều và khẩu hiệu - một ngôn ngữ thoái hóa.
Ta hãy xét xem sự vong thân ngôn ngữ trên của người viết văn cộng sản tác hại đến họ như thế nào.
Cái tha ngữ mượn của Đảng dùng lâu ngày hóa quán ngữ. Khi được lặp đi lặp lại với một tần số cao, quán ngữ xâm thực vào vùng giao diện óc-trí tuệ (brain-mind interface) của não bộ và hóa bản chất thứ hai.
Nhưng sự vong thân ngôn ngữ không những chỉ đơn thuần là một hiện tượng ngôn ngữ mà lại còn làm tha hóa nhân cách người viết văn cộng sản. Hắn hóa một người thiếu tự trọng, vô liêm sỉ, tên tay sai ngu trung và là kẻ đồng lõa với Đảng, một tổ chức gian nhân đã phạm những tội ác tày trời với đồng bào của hắn. Tỉ dụ, thông qua những câu văn, lời thơ hắn làm theo chỉ thị của Đảng, hắn đã can dự vào những cuộc giết người hàng loạt, giết trên 200 ngàn nạn nhân vô tội trong cuộc cải cách ruộng đất của thập niên 1950 và giết bốn triệu người bị quẳng vào cỗ máy nghiền thịt sống của hai cuộc chiến ác liệt của thế kỉ 20, thế kỉ của một lừa đảo ngôn ngữ vĩ đại mà hắn là tác giả chủ chốt. Hòa bình trở lại, hắn vẫn chứng nào tật nấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng trao cho là làm tên công an văn hóa, chỉ điểm văn học, đàn hạch những người viết văn khác thông qua một ngôn ngữ đổi mới về hình thức nhưng vẫn giữ nguyên bản chất tha ngữ nồng nặc tính Đảng của nó.
Có thể đôi lúc người viết văn cộng sản có một cảm giác lợn gợn lăn tăn là không ở nhà - not at home - với cái tha ngữ ấy, nhưng ý thức kỷ luật thép Đảng cắm sâu vào đầu hắn, nỗi sợ hãi thâm căn cố đế và sự phụ thuộc của bao tử của hắn vào miếng cơm manh áo Đảng ban cho sẽ đồng bộ ra tay bóp chết tức thì bất cứ manh nha thoát li ngôn ngữ nào lóe trong tâm trí hắn. Bởi vì bi kịch ngôn ngữ của hắn cơ bản là một bi kịch tâm lí, sự hắn đánh mất nhân cách và lương tâm của mình.
Chúng tôi xin trích dẫn một số nhận xét của nhà phê bình văn học cộng sản phản tỉnh Vương Trí Nhàn (vuongtrinhan.blogspot.com) mà theo chúng tôi có ít nhiều liên quan đến hiện tượng vong thân ngôn ngữ nêu trên.
Điều cấn cái ở ông Nhàn là, do chưa rũ hẳn được bản chất cộng sản hằng hữu của mình, ông ta đã phải khéo dùng một cách viết gián tiếp, dè dặt, vòng vo, uốn éo, để không nói là nguỵ biện, nhưng theo chúng tôi đó cơ bản vẫn là một lời thú nhận căn bệnh của mình và đồng nghiệp. Ông kể hai trường hợp cộng sản phản tỉnh lúc cuối đời Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đã thổ lộ với ông sau khi họ đọc Cát Lầy của Thanh Tâm Tuyền và Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan. Ông Nhàn viết: “Cát Lầy theo Nguyễn Khải, ăn ở sự ma quái. Cũng như sau này Nguyễn Minh Châu nói rằng thích Thần Tháp Rùa vì ở đó có yếu tố tượng trưng. Cả hai nhà văn Hà Nội của tôi viết theo lối thực, nhưng ở chỗ riêng tư, các anh bao giờ cũng nhấn mạnh một thứ văn xuôi thăng hoa mới là điều đáng mơ ước, và chúng tôi cũng học theo các anh mà nói vậy. Ai mà chẳng muốn khác đi một chút so với những gì mình đang có!”
Ông Nhàn ghi lại nhận xét của Nguyễn Minh Châu về Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng: “Văn chương nó viết nhuyễn thật. Không phải là uốn éo đâu mà với nội dung ấy thì phải viết kiểu ấy, nó mới nói hết được cái phức tạp của con người bây giờ”.
Cuối cùng ông Nhàn buông xuôi với một câu: “Hoàn cảnh quyết định hết!” Chúng tôi xin hỏi ông ta: “Thế thì những Phùng Cung, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang có chịu buông xuôi trước hoàn cảnh như ông không?”
Tóm lại, chúng tôi thấy ông Nhàn chưa dứt khoát phản tỉnh vì chưa cảm thấy xấu hổ về cái thân phận vong nô và vong thân ngôn ngữ trước kia của mình.
Trên phương diện bản thể, sự vong thân ngôn ngữ nơi người viết văn cộng sản đào xới tới đáy cùng châu thân hắn, tức cái lẽ tồn tại của hắn như một người viết văn. Mà khi một người viết văn mất khả năng tạo cho mình một ngôn ngữ và một cách viết riêng của mình, hắn hóa một hiện hữu thừa và vô sinh như thứ cau không trổ buồng. Một hiện hữu tật nguyền, sự thoái hóa loài như con cánh cụt, một loài chim không có khả năng bay, tức sự rút nhỏ thành một nửa bản thể - demi-être. Sự chọn lựa lầm, sáng tạo uổng phí của Hóa công. Tấn bi hài kịch sinh học lố bịch làm cử tọa cười ra nước mắt.
Nói cách khác, sự vong thân ngôn ngữ cũa người viết văn cộng sản cũng là sự vong thân của chính bản thể hắn. Nó hóa hắn thành một vật dụng, một cái máy rập khuôn những con chữ gỗ và những kí hiệu vô hồn.
Văn hóa của một dân tộc là cái hồn của lịch sử của nó. Và, lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của một lệ thuộc từ gần hai ngàn năm nay vào hệ tư tưởng Trung Hoa, nói rõ hơn là hệ tư tưởng Hán. Cho đến thế kỉ 21 này, ta vẫn còn sống dưới sự đô hộ văn hóa của kẻ thù truyền kiếp của ta mà không biết.
Kí hiệu học về một ngôn ngữ vô thanh
Người là động vật duy nhất có tiếng nói. Mất tiếng nói hay bị cấm nói, nó sống một cuộc sống mất quân bình. Để bù đáp, nó phải sử dụng tiếng kêu, tiếng thở dài, tiếng khóc, tiếng cười và những phương cụ khác của ngôn ngữ thân thể như cặp mắt, đôi môi, hai bàn tay, dáng đi, cách ngồi và những điệu bộ khác để tự khẳng định sự hiện hữu của mình. Nó bắt buộc phải trở lại làm con người tiền sử, một con vật không có tiếng nói. Nhưng là một con vật có cái pour-soi biết mình là một con vật.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy đặc điêu ngoa và xảo trá. Môi trường ngôn ngữ bị lũng đoạn bởi những âm mưu u ám của lũ phù thủy, lang băm chính trị đức mỏng tài thô, say mê quyền lực và bạo lực. Trong môi trường bị nhiễm độc này, con chữ trở thành một công cụ của tuyên truyền: cái bẫy gài biến người dân thành một cái máy nghe thụ động, ngu trung và một chiếc loa lặp lại không sai một chữ những khẩu hiệu, sáo ngữ, thần chú, sấm truyền, chỉ thị của bọn phù thủy, lang băm. Chúng còn tẩm mị dược vào con chữ để làm bại liệt óc phán đoán của người dân rồi ném họ vào những vạc lửa chiến tranh, những lò thiêu thanh tẩy chủng tộc, những cỗ máy nghiền thanh trừng giai cấp, tất cả đã ngốn ngót 200 triệu sinh linh trong chưa đầy một thế kỉ. Thế kỉ 20 là một thế kỉ của ngôn ngữ đẫm máu.
Vì thế có những lúc ta đâm kinh tởm tiếng nói và tự đẩy mình vào một tình trạng á khẩu. Sự lưu vong tự nguyện vào cõi vô thanh này đến một lúc nào đó sẽ gây cho ta một cảm giác tắc nghẽn, khó ở. Đây chính là lúc ta cần gặp chàng diễn viên kịch câm Marcel Marceau để nhờ chàng giải tỏa hộ cơn bế ngữ ta đang mắc phải bằng những điệu bộ, cử chỉ của chàng. Điều tài tình là chàng đã khéo léo và linh hoạt sử dụng thân thể mình để “nói” lên một thứ ngôn ngữ tín hiệu giàu sức biểu cảm và tính ẩn dụ. Nhìn chàng diễn xuất, ta có cảm tưởng như cả thân chàng đang nhô ra khỏi cái khối en-soi u đặc của nó để phát biểu cảm nghĩ và bày tỏ thái độ bằng mắt, mũi, môi, tay, vai và bằng cả chân nữa. Nhưng vì đây là một ngôn ngữ trừu tượng, nên khả năng biểu đạt tâm tính, tình cảm của mỗi bộ phận phải được khai thác tối đa nhằm nâng cao hệ số chuyển tải thông điệp của nó. Chẳng hạn như trìu mến bằng mắt, khinh thị bằng môi, cao kiêu bằng mũi, hiếu kì bằng cổ, nhún/nhường bằng vai, bình chân nghe ngóng và phẫn nộ bằng tay. Kể cả sống lưng cũng được giao phó nhiệm vụ thông báo nhân cách.
Ở Marceau, ngôn ngữ cử chỉ là một ngôn ngữ tín hiệu có hồn. Một thứ thể dục nhằm khai dụng tối đa những hạt mầm ngữ nghĩa ủ trong cơ bắp. Một thứ kịch nghệ toàn năng sử dụng hết công xuất của một thân thể bén nhạy, mẫn cảm, tinh khôn, uyển chuyển, linh hoạt, vụng về một cách khéo léo, ngang phè một cách dễ thương, nhăn nhó một cách trào lộng, co ro một cách đáo để, hung hăng vô hại, vô ngôn một cách hùng hồn. Chiếc mặt nạ chân phương, logic của phi lí, người phát ngôn câm của một nghịch ngữ ngang tầm với cái nghịch lí trớ trêu của phận người. Tưởng cũng nên nêu lên một nét đặc thù khác của nghệ thuật Marceau: nó tránh sự cường điệu vì đạo đức tự thân của nghệ thuật diễn xuất muốn nó phải như vậy.
Một khán giả mẫn cảm thì đọc được cái thông điệp tư tưởng mà ngôn ngữ thân thể ấy muốn chuyển đạt: đó là sự mâu thuẫn đầy tính bi hài và chưa có lời giải của thân phận con người hiện đại, đặc biệt con người hiện đại phương Tây cùng thế hệ với Marceau vừa mới ngoi lên khỏi những đổ vỡ vật chất và tinh thần tan hoang do cuộc Thế Chiến Thứ Hai để lại. Một cuộc chiến tranh cực kì khốc liệt đã mang trong nó mầm mống một thế chiến mới dưới một dạng thức mới: cuộc Chiến Tranh Lạnh, trận xung đột ý thức hệ mà dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả thê lương và lâu dài nhất vì những sai lầm chiến lược chết người của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Tiếng gọi của một cõi im
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao hình ảnh con vờ lại ở lại với tôi. Nó ở lại vì tôi muốn giữ nó ở lại. Tôi muốn giữ nó ở lại là vì tôi thấy nó là một hình ảnh giàu tính ẩn dụ, làm liên tưởng đến một điều gì đó có ý nghĩa với thi ca. Tôi nghĩ, nếu có cơ duyên, nó có thể trở thành một thi ảnh hàm súc làm tiền đề cho một bài thơ có trọng lượng về tư tưởng, thứ poésie grave hiểu theo nghĩa heideggerienne.
Trong thời gian gần đây, nó bỗng trỗi dậy từ đáy tiềm thức tôi, chập chờn mà mãnh liệt. Chứng thất ngữ tái phát, làm tôi mất ngủ hai đêm liền. Chỉ vì những thây ma tiền ngôn ngữ ologon chưa chịu chết hẳn. Rồi như một phép lạ, một chuỗi tám con chữ tôi không hề chờ đợi bỗng lóe lên trong đầu tôi, làm tôi nhỏm dậy, lấy bút ghi vội xuống một tờ giấy trực sẵn ở đầu giường: Lênh chênh nhện nước con vờ lội ao. Tôi giật mình, rõ ràng vờ này và ao này chính là vờ ấy và ao ấy tôi đã bắt gặp trong cổ thành Sơn Tây năm xưa vào một buổi chiều thu, dưới chân một tháp cờ đá ong nâu sẫm và bên cạnh một đề lao tường đá xám xịt với chiếc cổng cao đen hắc sần sùi. Thì ra, tôi đã thai nghén câu thơ này hơn 70 năm nay mà không hay!
Thi sĩ Valéry cho biết có nhiều bài thơ của ông ra đời từ một câu thơ ông ngẫu hứng làm ra và thấy ưng ý. Tác giả của bài thơ này cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự. Nó ra đời từ một câu thơ bâng quơ, vô vụ lợi, tức là không nhằm phục vụ một dự án ngôn ngữ nào cả như câu thơ trên. Sau, tác giả nhận thấy câu thơ này có một nội dung tư tưởng làm nghĩ đến cảnh đời ao tù nước đọng của 70% dân tộc ta đang sống tập trung vào vùng nông thôn nghèo khổ và lạc hậu nhất của đất nước. Ngoài ra, nó còn làm tác giả nghĩ lây sang một hiện tượng phổ biến khác: đó là cái não trạng trì trệ, thụ động mà rất nhiều người Việt chúng ta cho đến thế kỉ 21 này vẫn còn mắc phải, bắt nguồn từ cái tâm lí an phận thủ thường, liều thuốc ngủ ảo tưởng làm cho họ không những chỉ bằng lòng với mà còn cảm thấy hãnh diện về cái thân phân ao tù nước đọng của mình: Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Theo thiển ý, ta chỉ cần thay chữ ao bằng chữ sông thôi thì xóa được cái nghịch lí trên và làm cho hai câu thơ trên trở nên khoáng đạt hẳn lên: Ta về ta tắm sông ta / Dù trong dù đục sông nhà vẫn hơn. Lợi thế của sông so với ao là nó gợi cho ta hình ảnh một nhân sinh quan sống động, mở, luôn luôn hướng về những chân trời khoáng đạt bao la; về biển, chốn hội tụ, mẫu số chung, sự tổng hòa của những dòng văn hóa dân tộc nhân bản. Một nhân sinh quan như vậy vừa lành mạnh vừa tiến bộ, có thể làm cho dân tộc ta hãnh diện về nó một cách chính đáng hơn.
Có chăng một phương thuốc cho cơn sầu vạn cổ?
Ta chỉ cần nghe âm nhạc của ta, đặc biệt cổ nhạc, thì thấy được âm chủ của quốc hồn ta. Đó là nỗi buồn vạn cổ, cái gien văn hóa vận vào ta từ ngàn trước đến bây giờ và cả ngàn sau nữa nếu ta vẫn nhận nó là định mệnh của ta. Nó là một dạng của bệnh tâm thần, một khuyết tật về bản thể, tạo cảm giác khó ở và là ngọn nguồn của những tình cảm tiêu cực. Như tình cảm yếm thế thấy đời là một bể khổ; hay tình cảm phẫn tồn trước sự bất công của con Tạo bắt ta phải sống lầm quê hương và lầm thế kỉ, nên ta đòi nó phải trả ta về thời ta chưa sinh ra; hay nỗi tủi phận mãn tính làm cho ta không chỉ xót xa cho ta mà còn trách cứ ta nữa: ta là một hiện hữu luôn luôn khuyết mãn, triền miên hẫng hụt, một hiện hữu không nên hiện hữu; sống cuối cùng chỉ còn vỏn vẹn là một tồn tại đơn chiều, một nội động từ, sự co cụm ta vào trong ta hóa thành một cõi ta âm u, bế tắc hoàn toàn.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng ý thức hệ trầm trọng hiện nay đang diễn ra ở Việt Nam, một câu hỏi cơ bản được đặt ra cho những ai chưa chịu buông xuôi trước định mệnh: biện pháp nào phải được sử dụng để giải quyết một lần cho xong khuyết tật về bản thể trên?
Theo chúng tôi để có hiệu quả, trị liệu pháp phải là một giải pháp tổng trạng (holistic) hai bước.
Trước hết, phải thanh toán chế độ cộng sản, đứa con đẻ của chủ nghĩa hư vô, vật cản chặn đường sống của dân tộc ta. Thay thế nó bằng một chế độ cộng hòa nhân bản lấy tự do chính trị và dân chủ làm hai phương tiện chủ yếu để phục vụ cứu cánh tối hậu là một con người tự do tổng hợp: tự do ngoài xã hội và tự do trong tư tưởng. Để bảo đảm sự liên tục và tính chính thống của tân chế độ, những định chế dân chủ vững bền phải được thiết lập và một văn hóa chính trị phải được hình thành bằng những tập quán dân chủ ăn sâu trong tâm thức người dân, hóa thành bản chất thứ hai của họ. Đồng thời nếp sinh hoạt dân chủ ngoài xã hội phải được bổ sung liên tục bởi những thế hệ cán bộ có kiến thức và ý thức dân chủ cao, có nhiệt tình và đức độ, được đào tạo chính quy trong nhà trường với một chương trình giáo dục đề cao vai trò của chính trị học ngoài là một khoa học quản trị quốc gia thuần túy, còn là triết học chính trị và đạo đức học chính trị nữa.
Trên phương diện cá nhân, mục đích của nền cộng hòa nhân bản là tạo cơ sở cho việc hình thành một mẫu công dân với tư cách một chủ thể tự do. Điều này cần nhưng chưa đủ để giải quyết tận căn cái vấn nạn văn hóa, nguồn gốc của nông nỗi lao đao lận đận dân tộc ta phải gánh chịu ngàn đời. Do đó, biện pháp kế tiếp phải là một thứ phân tâm học nhắm vào nguyên nhân của khuyết tật về bản thể trên. Đó là não trạng con vờ, nỗi buồn truyền kiếp; cuống nhau úa trong bụng mẹ, tế bào héo trong đầu cha; sự phối giống mù quáng chết người, đẻ ra một ethos èo uột, kìm hãm sự phát triển hoàn mãn của cái tâm lí tập thể gọi là quốc hồn. Thiếu cái nguyên lí thống nhất tối thượng này, một cộng đồng dù là đồng chủng, đồng văn cũng không thể trở thành một chỉnh thể quốc gia. Chúng tôi sẽ khai triển thêm đề tài này trong phần cuối của bài tùy-luận.
Văn hóa của một dân tộc là cái hồn của lịch sử của nó. Và, lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của một lệ thuộc từ gần hai ngàn năm nay vào hệ tư tưởng Trung Hoa, nói rõ hơn là hệ tư tưởng Hán. Cho đến thế kỉ 21 này, ta vẫn còn sống dưới sự đô hộ văn hóa của kẻ thù truyền kiếp của ta mà không biết. Điều nghịch lí là ta chống nó nhưng lại thờ thần thánh của nó trong nhà ta; ta thù nó nhưng lại thuộc lòng lịch sử của nó hơn là thuộc lòng lịch sử của dân tộc ta; ngôn ngữ hàn lâm của ta thiếu chữ của nó thì trở nên què quặt; mà ngôn ngữ nào thì tư tưởng ấy: tư tưởng của ta, sự sao chép với dăm ba hiệu đính tiểu xảo của tư tưởng của nó; thiếu Lão, Khổng, Mạnh, hồn ta hẫng, mất điểm tựa; lịch của nó với những cát thần, hung thần, giờ tốt, giờ xấu và linh tinh được dùng làm lịch của ta; tử vi của nó, thuật bói dựa trên 15 ngôi sao giả tưởng và có lối suy diễn tùy tiện, coi thường logic, mê hoặc ta và được ta coi như một tương lai học chính xác; cũng thế, một sản phẩm khác của óc mê tín Tàu là khoa phong thủy từ nguyên thủy là một thứ duy linh học địa lí lấy hai yếu tố gió và nước làm phương hướng quyết định vị trí thổ phần của người chết, nó được coi trọng như một khoa học nghiêm túc chi phối kĩ thuật kiến trúc nhà cửa, trụ sở kinh doanh, hoàng cung, phủ chúa, miếu mạo, đền đài, mộ phần của ta.
Sự Hán hóa ngoài tác động lên cấu trúc những vật thể hữu hình, còn ăn sâu vào cấu trúc tinh thần của người bị đồng hóa nhằm làm thui chột khả năng suy nghĩ độc lập của họ và qua đó làm họ bị vong thân. Sự vong thân do Tàu này hiện lên rõ nét nơi những người có ăn học, đặc biệt giới nho phiệt - confuciocrate - bản địa: họ không những chỉ bằng lòng với mà lại còn tỏ ra hãnh diện về sự lệ thuộc vô điều kiện của mình vào hệ tư tưởng của người đô hộ mình. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần cuối của bài tùy-luận.
Một hiện tượng vong thân khác quy mô hơn liên quan đến lãnh vực văn chương. Đó là sự phát rộ của một phong trào người người đua nhau đọc tiểu thuyết, truyện dã sử, truyện kiếm hiệp Tàu. Ngoài thành phần bình dân có trình độ học vấn không cao, quần chúng người đọc còn gồm giới trung lưu và thượng lưu như bác sĩ, kĩ sư, luật sư, giáo sư, kinh tế gia, kí giả, chính trị gia, kể cả thành phần lãnh đạo quốc gia nữa. Tất cả nhảy bổ vào, ôm chầm lấy và nằm lòng từng chi tiết một những sáng tác của La Quán Trung, Quỳnh Giao và nhất là Kim Dung hơn là thuộc lòng gia phả của mình. Với một giọng điệu kênh kiệu, người ta tỏ vẻ tâm đắc với những mưu mẹo, thủ thuật, tài xoay xở của Khổng Minh và những nhân vật của Kim Dung, cho đó là mẫu mực của cách đối nhân xử thế và điều hành quốc gia.
Sự vong thân do Tàu ấy của lớp người trên đã bịt mắt họ làm cho họ không thấy rằng tất cả những thứ họ đọc ở sách Tàu chỉ là sản phẩm của cái chinoiserie, một tập hợp bát nháo, lỉnh kỉnh của những hư chiêu lăng ba vi bộ, những ý tưởng hoang đường và những cuồng vọng miên du cho đến thế kỉ này mà vẫn còn nghĩ rằng mình là trung tâm thiên hạ, cái rốn của vũ trụ. Giấc mơ vĩ cuồng của cóc muốn làm bò này - giấc mơ lưỡi bò muốn liếm hết Biển Đông - sẽ chôn cóc xuống đáy biển.
Một nước muốn độc lập thì phải có nền kinh tế phát triển. Nhưng nó vẫn chưa phải là một chỉnh thể quốc gia nếu không có một nền văn hóa riêng làm cho dân tộc của nó khác với các dân tộc khác. Khác với quan điểm của Lenin theo đó văn hóa được tạo ra bằng hoạt động của đông đảo quần chúng lao động, văn hóa ở đây được hiểu theo một nghĩa rộng hơn: nó là sự nghiệp của toàn dân, mẫu số chung của mọi thành phần xã hội, người giàu cũng như người nghèo, nông dân cũng như công nhân, người lao động chân tay cũng như người lao động trí óc. Nó là nguyên lí thống nhất trăm thu về một mối, hồn khí tạo bản sắc và niềm tự hào của dân tộc. Nó là một sự kiện lịch sử, tập đại thành của những giá trị tinh thần tích tụ trong quá trình phát triển của một dân tộc.
Cả ba điều trên mà một nước cần phải có để trở thành một chỉnh thể quốc gia, ĐCSVN với tư cách đảng cầm quyền duy nhất trong suốt mấy chục năm nay đã không thực hiện được cho dân tộc của nó. Trái lại, cung cách hành xử khúm núm, quỵ luỵ trước bắc triều của nó có tất cả những nét đặc thù của cái tâm lí tập thể thuở nào: tâm lí phiên quốc, tiểu nhược quốc; tâm lí chư hầu, cái phức cảm tự ti dân tộc; tâm lí triều cống: nó dâng hiến cho Bắc triều nào là biển và hải đảo, nào là đất liền và tài nguyên rừng đầu nguồn, nào là khoáng sản miền cao nguyên trung phần, nơi mà đế quốc bành trướng phương bắc đã dòm ngó từ lâu vì giá trị chiến lược của nó.
Về mặt tinh thần, lịch sử cho thấy ĐCSVN luôn luôn phải dựa vào ngoại bang để tồn tại. Nó là đứa con ngu trung của hệ tư tưởng marxist - leninist - maoist. Trên thực tế, nó chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa Mao, sự trá hình của chủ nghĩa Đại Hán truyền thống coi tộc Hán là trung tâm của loài người. Đây là dạng cực đoan của chủ nghĩa chủng tộc có dáng dấp của chủ nghĩa chủng tộc thượng đẳng Đức Quốc Xã. Để có một ý niệm về điều này, ta hãy nhìn vào thái độ đối xử hiện nay của người Hán với người Tây Tạng và người Hồi - cái tâm thái có từ thời tộc Hán chinh phục được và đặt ách thống trị cực kì dã man của nó lên các tộc khác mà nó gọi là di, man, mạch, cửu di bát man, mười bảy sắc dân mọi rợ.
Ở kỉ nguyên toàn cầu hoá này, quan hệ liên lập giữa các quốc gia trở nên chặt chẽ hơn và điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một trật tự thế giới mới hài hòa hơn, bình đẳng hơn và văn minh hơn. Do đó, khó mà xảy ra trường hợp một nước nhỏ bị thôn tính bởi một nước lớn, trừ phi nước lớn này cài được người của nó vào những cơ quan đầu não của nước nhỏ. Điều bất hạnh cho chúng ta là trường hợp hãn hữu này lại xảy ra ngay trên đất nước chúng ta. Chỉ vì những người cầm đầu ĐCSVN như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Chí Vịnh đã cam tâm nối giáo cho giặc phương bắc. Họ là sự lại giống trên cấp số nhân của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Sự phản bội dân tộc ngày càng gia tăng của tập đoàn cầm quyền CSVN đang đặt đất nước chúng ta trước nguy cơ mất cả lãnh thổ lẫn quốc hồn. Họa Bắc thuộc lần thứ ba đang ló dạng ở cuối chân trời. Ta có thể mường tượng được hậu quả gây ra cho dân tộc ta của họa này qua kịch bản sau. Hoa ngữ sẽ trở thành quốc ngữ, đẩy Việt ngữ xuống thành một thổ ngữ như tiếng Mán, tiếng Chàm, tiếng Thượng, tiếng Ra Đê; quốc sử sẽ được viết lại theo quan điểm Đại Hán coi tộc Việt là một tộc thiểu số và lãnh thổ Việt Nam là phần đất tạm mất, nay được thu hồi lại; Việt Nam trở thành vệ tinh thứ năm trên lá quốc kì của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, v.v.
Những mất mát cơ bản trên là gì nếu không là những hậu quả gây ra bởi hoạ diệt chủng? Theo định nghĩa của công pháp quốc tế, một dân tộc bị mất lịch sử, mất văn hóa, tức là mất cội nguồn, bản sắc và quốc hồn của nó, là một dân tộc bị diệt chủng. Trên thực tế ĐCSVN đang đặt dân tộc Việt Nam trước một nguy cơ chưa từng thấy trong lịch sử: nguy cơ diệt chủng.
Đường cứu rỗi phải bắt đầu với việc xét lại cái quan điểm cổ điển theo đó Việt Nam chỉ là một cậu bé tí hon sống cạnh tên khổng lồ Trung Hoa lúc nào cũng lăm le muốn nuốt chửng cậu bé để thoả mãn cơn mộng bá vương muôn đời của nó; và, chính cái tương quan lực lượng lớn-bé này đã là nhân tố quyết định đường hướng hành động của cậu bé: cậu không thể không nhún nhường, không thể không cư xử cho phải đạo - đạo Hán, - không thể không chấp nhận cái thân phận vệ tinh của mình.
Quan điểm trên đúng nhưng chỉ đúng một phần. Bởi vì trung tâm của vấn đề không là địa lí chính trị mà là văn hóa. Ý người viết muốn nói đến sự lệ thuộc quá đáng, để không nói là mù quáng của cậu bé vào hệ tư tưởng của tên khổng lồ đã làm nhụt tinh thần tự chủ của cậu. Và, tên khổng lồ biết rõ nhược điểm này của cậu nên bèn sử dụng ưu thế văn hóa hầu như tuyệt đối của nó làm một thứ vũ khí mềm nhằm khuất phục và đồng hóa cậu bé.
Nhận thấy dân tộc ta tuy ghét chúng nhưng vẫn còn mê ông Khổng của chúng, bọn bành trướng chủ nghĩa phương bắc bèn nhanh tay sử dụng thuyết của ông ta để thôn tính ta bằng văn hóa.
Với sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền tay sai bản địa, cuộc xâm lăng văn hoá diễn ra dưới nhiều hình thức. Những cuộc hội thảo chuyên đề về Khổng giáo và những khoá xêmina học tập Khổng Tử được tổ chức tại những trung tâm văn hóa và những trường đại học quốc gia nổi tiếng. Những đền thờ “Đức Khổng” được dựng lên hoặc được trùng tu ở nhiều nơi và một Viện Khổng Học sẽ được xây cất ở Hà Nội, chắc chắn sẽ quy mô và bề thế hơn nhiều so với những Viện Goethe, trụ sở Alliance Francaise và thư viện Abraham Lincoln trước kia.
Cuộc xâm thực của tư tưởng Khổng còn ăn sâu vào tâm thức người bản địa thông qua sự phát rộ của một phong trào dịch sách Khổng sang tiếng Việt nhờ vào đồng tiền của tòa đại sứ Trung Quốc vung ra không tiếc tay để thuê mướn những người dịch bản địa giỏi Hoa ngữ, coi nó như tiếng mẹ đẻ thứ hai của mình. Một trong những cuốn sách ăn khách nhất ở Việt Nam là cuốn Luận ngữ, cột trụ của bộ tứ thư và là nòng cốt của tư tưởng Khổng. Trong sách này, những lời di huấn của Khổng được các môn đồ hậu bối của ông soạn thành những châm ngôn, ngạn ngữ rao giảng một thứ đạo đức thông thường, luân lí thực dụng nảy sinh từ những hoàn cảnh sống cụ thể, nhờ đó mà dễ được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian.
Những mặt tiêu cực của Khổng giáo
Do tác giả của nó không có một khả năng phân tích và suy luận cao, nghĩa là hạn chế về phương pháp luận, học thuyết Khổng Tử là một tập hợp lộn xộn của những quan điểm võ đoán, thiên lệch, nhiều khi đơn tưởng của ông về sự việc nhân loại. Để hiểu cặn kẽ thuyết này, ta phải đặt nó vào trong bối cảnh của thời Khổng sống, một thời nhiễu nhương đầy những chính biến dữ dội, những tạo phản và những cuộc thanh trừng đẫm máu. Do đó, ở cương vị một người hợp tác ăn lương hoặc tự nguyện của triều đình, ông phải đặt chữ tín lên hàng đầu và phóng tác nó thành một quan niệm trung quân tuyệt đối nhằm khôi phục lại kỉ cương và trật tự xã hội. Đây là một hình thức tôn quân thái quá đặt chủ của ông lên ngôi vị một chánh thẩm tối cao nắm trong tay quyền sinh sát theo ý mình thông qua một thứ pháp luật tùy tiện mình tự biên tự chế, với những bản án man rợ dành cho tên phản chủ: hoặc hắn bị trượng hình, hoặc hắn bị hoạn, hoặc hắn bị tru di tam tộc. Tất cả những thứ này đều xuất phát từ cái quan điểm “vua bảo phải chết mà không chịu chết là bất trung” (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung) của vị bồi thẩm Khổng Tử mớm lời cho thiên tử. Ngay chính ông ở cương vị tướng sự, nghĩa là chuyên lo việc chính trị trong nước cho vua Lỗ, đã giết đại phu Thiếu Chính Mão mà ông cho là một bề tôi xảo quyệt, gian hiểm lấn quyền vua.
Một mặt tiêu cực khác của Khổng giáo là nó làm băng hoại đạo đức của những người theo nó một cách mù quáng. Một trường hợp điển hình, trường hợp một người trí thức thấm nhuần tinh thần nho sĩ của Khổng Tử, tức một người có học vấn và tham gia chính quyền, được mang ra phẫu xẻ để xem nhân cách của họ bị hủ hóa như thế nào.
Khác với một người trí thức tự do, độc lập và tự trọng, họ với tư cách một nho sĩ truyền thống phải sống nhờ vào và là người đầy tớ khấu đầu tận tuỵ của ông chủ trả lương và ban ơn cơm nặng áo dầy cho mình. Họ sẵn sàng phó thác số mệnh mình cho bất cứ ông chủ nào, không phân biệt ông ấy là ông vua, ông tổng thống hay viên tổng bí thư đảng cầm quyền: họ là một người không có lập trường chính trị, cái mà nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba, giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 gọi là “hôm qua con chó nhà tang, hôm nay con chó gác cửa” (tạc nhật táng gia cẩu, kim nhật khán môn cẩu) - một khuyển nho, chien de garde. Cách gọi mạnh mẽ này có thể chạm tự ái một số người nhưng theo chúng tôi phản ảnh đúng bản chất của đối tượng được gọi.
Câu của Lưu Hiểu Ba là cách nói tượng hình cho tư cách của người nho sĩ do Khổng Tử nặn lên. Đó là một con chó hoang ngoài đường sau khi đã đưa tang ông chủ cũ; nay ngơ ngác ngóng chờ một ông chủ mới với hi vọng ông ta sẽ mang nó về nhà để giữ cửa; và ông chủ này có thể là kẻ thù hay đã giết ông chủ cũ của nó, nhưng đối với nó chuyện này không quan trọng. Nói cách khác, sự phản chủ ở trong máu nó, là DNA của nó.
Chính bản thân Khổng Tử lúc sinh thời đã phải bôn ba tứ xứ, bỏ Lỗ sang Chu rồi đi Tề, đến Vệ, Khuông, Tống, Trần, Sở, nhưng ông không thấy ở nhà - at home - với những nơi chốn ông đã đi qua. Ông như con sói ngụ ngôn ấy đã phải lang bạt kì hồ liên tục mà không thấy có chỗ nào ở đó nó có thể ổn định được tinh thần. Nói cách khác, như một người của muôn phương nên không là của một phương nào cả, ông cơ bản là một người vô tổ quốc. Cái gien văn hóa này được truyền lại đến ngàn sau nơi người nho sĩ hậu bối thuần thành của ông, tức một người trí thức tham gia chính quyền như người cha tinh thần của họ. Họ, một người Việt Nam có học chẳng hạn, tuy sinh sống ở Việt Nam, làm việc cho chính quyền Việt Nam và có một đời sống vật chất ổn định, nhưng họ không yêu tổ quốc Việt Nam; hoặc nếu có, thì đó cũng chỉ là một thứ cảm thức mơ hồ về tổ quốc, một ý niệm mông lung về thế nào là tình yêu quê hương. Do đó, họ dễ chao đảo, dễ bị mua chuộc, dễ bán nước, bán hồn cho ngoại bang. Như Khổng Tử trước kia, người của hầu quốc Lỗ, đã bán hồn cho đế quốc Chu. Là như thế sự băng hoại nhân cách của một kẻ bị hủ hóa bởi Khổng giáo.
Học thuyết Khổng còn có những khuyết tật khác mà chúng tôi chỉ nêu ra dưới đây một số thí dụ điển hình.
Chẳng hạn thói giản lược hóa võ đoán cái phức tạp của sự việc nhân loại thành một tiêu chí có tính khẩu hiệu, như vậy là xuyên tạc sự thật. Rồi sự bẻ lái thuyết chính danh từ là một ngôn ngữ học sang hướng đạo đức học với một suy diễn tượng hình khiên cưỡng, buồn cười, thiếu sâu sắc nhằm minh phận vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con; mỉa mai chê trách ai không làm tròn bổn phận của mình và ví họ như “cái bình rượu không khía, không góc mà cũng gọi là cô ư!” (cô bất cô, bất tai, bất tai!), nghĩa là một người hữu danh vô thực - một hiện hữu thừa. Rồi cái nhân sinh quan an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý, kính nhi viễn chi, “thấy nước lâm nguy thì không vào, nước có loạn thì không ở, lúc thiên hạ có đạo lí thì ta xuất hiện, lúc không có thì ta ở ẩn” (nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, vô đạo tắc ẩn); nghĩa là quan niệm sống của một người bạc nhược, thấp hèn, ba phải, hoài nghi, khôn ranh, láu vặt. Rồi cái mẹo trị dân dạy cho giới cầm quyền là “đừng giảng giải cho dân nghĩa lí sâu xa của việc mình bảo họ làm” (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi) đã tạo nên một giai cấp lãnh đạo dựa vào chính sách ngu dân do mình làm ra để dễ bề thao túng, lộng hành, thực hiện những ý đồ bất lương của mình. Rồi cái tác phong “chép lại chứ không sáng tác” (thuật nhi bất tác) những lời dạy của các bậc hiền giả tiền bối đã chặn đứng sự phát triển trí tuệ của người Tàu kể từ thời Xuân Thu cho đến nay, hiện đang hóa họ thành một người gia công rẻ mạt cho thiên hạ, giỏi bắt chước và làm ra những hàng nhái, hàng đểu, “phát minh” bằng sự đánh cắp sở hữu trí tuệ của người ta. Rồi cái thiên kiến ỷ vào cái được gọi là trực giác mẫn tiệp của người thượng trí có nhân đức, tức người quân tử, và đặt nhẹ vai trò của lí trí và óc phân tích đã khiến cho nước Tàu giẫm chân tại chỗ về khoa học hơn hai ngàn năm nay. Rồi cái quan điểm đặt sự tôn quân, trọng lễ trên pháp luật đã tạo ra cái cớ cho nạn sứ quân hoành hành và bọn lâm tặc, thảo khấu nổi dậy liên tục chống chính quyền trung ương khiến cho nước Tàu không bao giờ là một chỉnh thể quốc gia nation-state, nghĩa là có nhà nước nhưng không có quốc gia. Rồi cái quan niệm “bình thiên hạ” của một học trình bốn bước nhằm đào tạo mẫu người quân tử đã mồi kích cho những cuồng vọng bành trướng của Hán tộc, khiến họ đã phạm phải không biết cơ man nào mà kể những tội ác chống dân tộc của các nước bị họ thôn tính và đang đẩy nước Tàu vào những cuộc phiêu lưu không có ngày mai. Rồi còn gì nữa.
Giới trọng nho, trong đó có không ít những người trí thức Tây học, cho rằng thiên hạ vì học chưa đến nên hiểu sai Khổng giáo. Chúng tôi thì nghĩ ngược lại: chính họ mới là những người hiểu sai Khổng giáo, bởi vì họ bị Khổng tẩy não mà không biết, nên không nhận chân được bản chất thực sự của Khổng giáo.
Dựa vào những phân tích trên, chúng tôi thấy rằng Khổng giáo tự nó có những khuyết tật thâm trọng của nó. Lí do là vì người xướng lập ra nó có những hạn chế về học thuật. Khổng Tử chỉ có một sự hiểu biết sơ sài về tri thức luận và phương pháp luận. Điều này làm cho ông không có một khả năng suy luận và phân tích cần có để làm công tác học thuật của mình một cách đúng đắn. Ngoài ra, sự thiếu một khả năng quy nạp cao, tức khả năng đi từ những sự kiện riêng đến một kết luận chung, đã khiến ông nhiều lúc đưa ra những nhận định không có cơ sở.
Ông dạy học trò của ông là phải dùng trực giác mà xem cả toàn thể thì mới thấy được cái tinh thần của nó, chứ đừng ỷ vào lí trí mà theo ông chỉ cho thấy chân hình bề ngoài thôi. Với quan niệm coi vũ trụ là động thể của cái nguyên lí tối cao, nguyên lí thiên địa vạn vật nhất thể, ông gọi cái tinh thần cả toàn thể trên là thiên lí. Cái này được ông phát huy thành cái ông gọi là thiên mệnh hay đế mệnh, tức ý chí của Trời là chủ tể cả muôn vật không sao cưỡng lại được (xin xem Nho Giáo của Trần Trọng Kim trang xvi và chương Hình Nhi Thượng Học).
Đến đây thì chúng tôi còn có thể chấp nhận trong một mức độ nào đó quan điểm siêu hình trên của Khổng Tử. Vấn đề chỉ bắt đầu khi ông làm một bước cóc nhảy vô cớ cho rằng muốn thấy mệnh trời thì phải có cái trực giác mẫn tiệp của bậc thượng trí có nhân đức, tức người quân tử. Chúng tôi thấy sự ông mang đạo đức học vào nhận thức luận này là một nguỵ biện thuần túy. Bởi vì hai cái này là hai phạm trù tách biệt không có liên hệ gì với nhau. Sự lẫn lộn này chung quy cũng chỉ vì cái khuynh hướng thực dụng thái quá của con người luân lí học nơi ông đã làm cho ông nhiều khi có những tư tưởng thiển cận, thiên lệch, võ đoán.
Ngoài ra, do không được hỗ trợ bởi một tình cảm siêu hình thuần thành (chúng tôi sẽ nói rõ về điểm này trong đoạn kế tiếp của bài viết), trực giác của Khổng Tử cho dù có sắc bén đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ thấy cái chân hình bề ngoài mà không thấy cái tinh thần cả toàn thể, tức bản căn của đấng chủ tể cả muôn vật của ông. Ông tự mâu thuẫn với chính mình mà không biết. Ông có một quan điểm nước đôi - ambiguous - về Trời. Ông tin có Trời, nhưng đối với cái khí linh thiêng của Trời bàng bạc khắp muôn nơi mà ông gọi là quỷ thần, ông giữ một thái độ “kính mà xa ra” (kính nhi viễn chi), nghĩa là ông không có cái tình cảm siêu hình thuần thành nói trên. Cảm thức của ông về bản căn vũ trụ thua xa Lão Tử, người sáng lập của Đạo, về sự mẫn đạt và thấu suốt.
Về đạo lí học, Khổng Tử không có tài biện luận sắc bén như Mặc Tử, người làm ra thuyết Kiêm Ái. Do thiếu một khả năng triết luận cao, ông là một nhà luân lí học hơn là một nhà đạo lí học. Ngay trên mảnh đất dụng võ này của mình, ông cũng có những thiếu sót như sau.
Khuynh hướng thực dụng thái quá - lắm lúc tầm thường - và dụng tâm dùng đạo của mình để phục vụ chế độ, một chế độ chuyên chế phong kiến, đã làm cho quan niệm đối nhân xử thế của ông bị lệch lạc, bất công và có tính kì thị giai cấp. Nó thắt buộc người dân vào những khuôn phép khắt khe được đặt ra để nô lệ hóa họ, trong khi lại nới lỏng kỉ cương cho giới cầm quyền, đặc biệt ưu đãi thành phần lãnh đạo với cái quan điểm tội phạm học quái dị là “hình phạt không được dùng cho quan lớn” (hình bất thượng đại phu). Bọn chóp bu của các chế độ độc tài toàn trị đời nay đã tỏ ra tâm đắc với quan điểm này của Khổng Tử và đã áp dụng nó một cách tối ư nhiệt tình.
Con người thật của Khổng Tử có không ít những mặt tiêu cực. Chẳng hạn cái tính câu nệ hình thức đến bệnh hoạn; tính sĩ diện hão (từ quan chỉ vì vua Lỗ trong lễ tế Giao không chia phần thịt cho mình và đồng liêu); tính ngoan cố “biết rằng không làm được mà cứ làm” (tri kỉ bất khả nhi vi chi); tính thiếu ngay thẳng (nói với thiên hạ là mình muốn dùng đạo của mình để biến đổi thời đại trong khi thừa biết rằng nó được làm ra để duy trì và củng cố nền trật tự xã hội của thời đại mình); tính háo sắc ham dục đến mức bỏ cả Đạo và Nhạc của mình để chạy theo nhan sắc của hoàng hậu Nam Tử xứ Vệ và tiếng đàn hát của đám ca nhi vũ nữ đất Tề; và cái thói nguỵ biện mãn tính tìm cách bào chữa cho những việc làm sai trái không thể bào chữa được của mình, v.v.
Bản liệt kê trên cho thấy Khổng Tử chỉ là một mẫu vật - specimen - của một chủng loại nhiều tài thì hay lắm tật chứ không hề là thánh, Thánh Khổng, Thánh Trọng Ni, Thánh Hạnh Đàn, Vạn Thế Sư Biểu như thiên hạ từng tôn ông lên. Nói cách văn chương, ta có thể bảo rằng trong một mức độ nào đó Khổng Tử ngoài đời là phản diện của Khổng Tử trong sách - he doesn’t practice what he preaches. Để câu chuyện được đầy đủ, thiết tưởng nên thêm vào đó một chương nữa, đó là chương “Đạo đức giả học về Khổng Tử”.
Phác thảo một dự án cho tương lai
Bởi vì nó là hòn đá tảng của ý thức hệ Hán, việc vô hiệu hóa Khổng giáo cũng đồng thời là sự giải phóng ta khỏi ách đô hộ của nền văn hóa Hán đã kéo dài ngót hai ngàn năm nay.
Cái lợi tức thời của việc giải Hán hóa là tránh cho ta bị mắc phải “cơn sốt Khổng Tử” đang được xuất cảng từ Trung Quốc sang Việt Nam với ý đồ thôn tính ta bằng những vũ khí mềm ếm trong lòng chữ của Khổng.
Công việc lâu dài có tầm vóc một chiến lược quốc gia nhằm xây dựng một nhân sinh quan mới lấp vào chỗ trống do sự vô hiệu hóa Khổng giáo để lại.
Chúng tôi thiển nghĩ một trong những việc đầu tiên nên làm là thay đổi nhãn quan của ta về nguyên tố trước. Ta hãy rũ bỏ cái tập tính quá chú tâm về ao mà không nghĩ nhiều đến sông và biển. Ta đã bất công với sông vì ta sống nhờ vào dưỡng chất phù sa của sông nhưng lại không có một văn hóa sông phì nhiêu làm nên bởi những bài trường thi, bản trường ca, và xaga phản ánh cái khí chất dấy lên từ Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Đà, Sông Đáy, Sông Mã, Sông Đồng Nai và Cửu Long Giang.
Một nghịch lí khác về văn hoá địa lí là ta hầu như mù chữ về biển trong khi đất nước chúng ta ngó ra Biển Đông và có một bờ biển dài 3,500 kilômét. Ngoại trừ một chút dư âm vọng về từ biển Lạc Long Quân, tâm thức ta chưa nghe ra tiếng gọi dạt dào của biển lớn. Sự quay lưng với biển của tâm thức ta làm ra một thứ văn hóa hướng địa mà tầm nhìn bị cản trở bởi dãy Trường Sơn như một bức tường định mệnh khó xuyên thủng. Nhãn quan hạn chế này một phần đã tạo nên một mẫu người không tưởng, thứ cóc ngồi đáy giếng mà cứ cho ta là rốn vũ trụ, cha thiên hạ, ta thông minh hơn Mĩ và ta là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”. Thái độ huyênh hoang, hợm hĩnh này thật ra chỉ là sự lại giống khuếch đại của cái quan niệm về nguồn chủ quan đời xưa là “Ta về ta tắm ao ta; dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Do đó việc xây dựng một văn hóa biển phóng khoáng là cần thiết để đối trọng với những biến thái bệnh hoạn của cái văn hóa hướng địa trên. Với sự vượt biển tìm tự do bi dũng của mình - sự tái diễn trên cấp số nhân của chuyến quá hải xa xưa của người Do Thái - hơn một triệu đồng bào ta đã đặt những viên đá đầu tiên cho việc xây dựng một nền văn hóa biển cho dân tộc ta. Động cơ của sự vượt biển ấy rõ ràng là một động cơ chính trị thúc giục đồng bào ta bỏ nước ra đi tìm tự do. Nhưng theo chúng tôi đó cũng còn có thể trong một ý nghĩa nào đó là sự đáp lại một tiếng gọi mông lung trong vô thức tập thể của chúng ta là hãy về với biển cha Lạc Long Quân, người tình người chồng của núi mẹ Âu Cơ. Thiết tưởng cũng nên khai triển ý niệm về nguồn qua nẻo tâm linh huyền sử này - bởi huyền sử là cái hồn u uẩn của một dân tộc - và nếu có thể thì xây dựng nó thành một phạm trù khiến cho văn hóa biển tương lai của dân tộc ta có một nét đặc thù khác với văn hóa biển của các dân tộc khác.
Mục đích của những nhận định trên đây là tạo bối cảnh lịch sử cho một dự án xây dựng một mẫu người Việt Nam mới. Một mẫu người xuất phát từ lịch sử và là phản đề của mẫu người Khổng giáo du nhập từ Trung Hoa. Đó là một mẫu người hiện hữu như một chủ thể tự do tự tạo cho mình một cá tính đặc thù rõ nét, phóng khoáng, cởi mở, tiến bộ, hướng chú tới tha nhân và muốn đóng góp. Một mẫu người trọng sự khác biệt đa nguyên, đa dạng trong sáng và muốn xây dựng một cộng đồng thuận trong tinh thần tương kính và tương nhượng.
Mẫu người Việt Nam mới, một mẫu người tổng hợp. Bộ ba làm nên bởi sự cộng sinh hài hòa nơi mỗi chúng ta của con người cá nhân thân ái với tha nhân, con người xã hội tự nguyện vì công ích và con người thiết tha với tổ quốc. Một mẫu người hình thành từ sự kết hợp nhuần nhuyễn của cái gốc minh triết quần chúng thực dụng trong sáng hằng có của ta với tri thức logic mạch lạc và phương pháp suy luận có hệ thống của người phương Tây nhằm xua tan những đám sương mù của hệ tư tưởng Hán đang bủa kín hồn ta.
Mẫu người Việt Nam mới, một mẫu người năng động trí tuệ, giàu óc sáng tạo và không ngừng trau giồi tri thức của mình với những kiến thức hương xa gió lạ, những kiến thức tích cực, những kiến thức vui - le gai savoir - nhằm xây dựng cho mình một nhân sinh quan yêu đời, ham sống, hướng thiện và yêu cái đẹp.
Một nền cộng hòa được coi là nhân bản khi nó lấy mẫu người tổng hợp trên làm cứu cánh của nó.
Nguồn cơn một nỗi buồn
Mỗi dân tộc có một nỗi buồn riêng làm nên bởi những điều kiện thổ ngơi (đất đai và khí hậu) và những kinh nghiệm lịch sử đặc thù của mình. Trong khi người Tây Tạng buồn thắt ruột vì mất nước, mất đạo, thì người Nhật chưa nguôi nỗi buồn tủi hổ của một kẻ bại trận. Người Anh buồn u ám vì bị vây phủ bởi những đám sương mù đặc quánh như súp đậu, còn người Bédouin cảm thấy một nỗi buồn hiu quạnh trước cảnh tượng mênh mông vời vợi của sa mạc Sahara. Chúng ta ví von về nỗi buồn Chàm (do chúng ta gây ra) nhưng không biết nhiều về nỗi buồn của chính mình.
Vậy nỗi buồn Việt Nam là gì?
Trước hết chúng tôi nói đến một đặc tính của dân tộc ta: người Việt Nam là một người giàu tình cảm, dễ buồn hơn là dễ vui và hay mau nước mắt. Kẻ thù truyền kiếp của ta đã tìm cách khai thác sơ hở này của ta để thực hiện những ý đồ xâm lược hiểm độc của chúng không chỉ nhằm thôn tính lãnh thổ của ta mà còn nhằm tha hóa hồn ta.
Sự ta bị đế quốc Hán đồng hóa diễn ra trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, tư tưởng, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, kể cả tình cảm nữa. Chẳng hạn về chữ viết, ta phải mượn cách viết chữ Hán để viết chữ của ta khiến ngôn ngữ ta từ nguyên thủy là một ngôn ngữ đa âm tiết trở thành một ngôn ngữ đơn âm tiết. Sự vong thân ngôn ngữ này còn được đẩy tới mức cực đoan bởi giới trí thức nho phiệt của ta coi tiếng Hán là khuôn vàng thước ngọc, trong khi khinh bỉ chữ nôm của ta là “nôm na là cha mách qué”. Phải đợi đến thập niên 1940 thì cái tâm trạng sùng Hán ấy mới bớt đi nhờ vào sự phát triển đáng kể của Việt ngữ về ngữ pháp, văn phạm, từ vựng và văn phong. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với sự lên nắm chính quyền của cộng sản dựa vào Trung Quốc trên mọi mặt, sự đô hộ ngôn ngữ của đế quốc Hán lại xuất hiện trở lại công khai hơn với sự ra đời của một thứ tiếng Việt lai căng nặng mùi húng lìu Tàu.
Về tình cảm cũng vậy, ta phải mượn cái buồn của Tàu để buồn. Vấn đề là, cái buồn này có nhiều mặt tiêu cực đã làm khốn đốn chính nước Tàu trong suốt chiều dài mấy ngàn năm của lịch sử của nó. Sự đô hộ của Tàu, như vậy, cũng là sự Tàu đổ cho ta căn bệnh buồn truyền kiếp của họ. Chẳng hạn nỗi buồn vạn cổ, buồn quan tái, buồn cố quận, buồn lữ thứ, buồn lưu vong, buồn chinh phụ, buồn cung nữ, buồn thanh lâu, buồn bị sinh ra và nhất là nỗi buồn phế phủ làm rầu gan thối ruột người buồn.
Một nỗi buồn chết người. Thứ thuốc phiện mà muốn cai nó thì người nghiện phải tự nội soi mình để phát hiện những ngầm phá của nó gây ra trong ngõ nghách tâm hồn mình. Để biết rằng nó là ngọn nguồn của một nhân sinh quan xanh xao, ốm yếu, bào mòn sinh lực và làm nhụt nhuệ khí mình, khiến cho mình không còn sức đề kháng trước sự xâm lược đất nước mình của kẻ thù.
Bước kế tiếp là phải làm một cuộc phản tỉnh bằng tự thực hiện ngay trên mình một thứ tâm lí trị liệu triệt để, mạnh tay nhằm gột rửa hồn mình đang nhiễm phải những chất độc của nỗi buồn và những thứ khác người Tàu truyền sang mình. Nghĩa là mình phải tự phủ nhận mình, phải biết xấu hổ về thân phận làm nô lệ tinh thần cho người Tàu của mình.
Ta nói ta ghét Tàu, gọi họ là Tàu khựa, nhưng ta vẫn mê Tàu mà không biết. Nguyên nhân của sự mâu thuẫn này là vì văn hóa Tàu đã ăn sâu vào não tủy ta từ gần 2000 năm nay và hóa thành bản chất thứ hai của ta, lẽ sống của ta, văn hóa của ta. Muốn tẩy sạch dấu hằn này, một cuộc cách mạng tư tưởng triệt để, một thứ lột xác tinh thần, phải được thực hiện. Với nhiệm vụ hàng đầu là phủ nhận truyền thống vọng bắc của giới nho phiệt tiền bối của ta để lại, do sự phụ thuộc mù quáng của họ vào hệ tư tưởng Trung Hoa, đã bán nước và bán hồn cho người thày tinh thần của họ. Truyền thống ấy kéo dài đến đời nay: họ đang hiện diện giữa chúng ta qua những bản sao hậu bối của họ tạo ra.
Một bài thơ về con vờ
Bài tùy-luận này bắt đầu với hình ảnh của một con vờ và nay kết thúc với một bài thơ về con vờ ấy.
Như một hình ảnh tâm lí, vờ của trên bảy mươi năm trước vẫn còn vương lại trong kí ức chúng tôi đến tận bây giờ. Về mặt sáng tác, đây là một kinh nghiệm hữu ích, thứ cau trổ buồng, tức một nguồn cảm hứng tích cực khiến chúng tôi làm nên bài thơ “Ta về không tắm ao ta”. Có những tác phẩm hình thành từ một ngẫu nhiên tình cờ, một ý nghĩ bâng quơ. Làm ra bài thơ là đơm hoa kết trái cho cái mầm tư tưởng mới nhú lên trong đầu thi nhân.
Hình ảnh của con vờ vật vờ, lênh chênh, mỏng mảnh, phù phiếm làm chúng tôi chạnh nghĩ sang thân phận hàng chục triệu đồng bào xấu số của mình. Tình cảm này được dùng làm bối cảnh cho một nội dung tư tưởng của bài thơ. Một bài thơ nói về nỗi buồn nòi của ta, một phiên bản của nỗi buồn vạn cổ của Tàu. Đề tài thuộc phạm trù bản thể học, một phạm trù trừu tượng, trùng phức, khó định hình; do đó bài thơ - một tập hợp của hai mươi tám câu thơ lục bát - không thể không có những hạn chế nhất định của nó.
Tác giả hi vọng với lượng thông tin cung cấp bởi thố lộ trên, bạn đọc như một du tử rong chơi trong cõi chữ sẽ cảm thấy bớt bỡ ngỡ trước cái phẫn khí quyết liệt của bài thơ ưu uất ta tự trách ta và ta tự phủ nhận ta này.
Cách trị liệu tốt nhất là tìm ra mầm bệnh rồi mới chữa bệnh. Đó là dụng ý của tác giả khi làm bài thơ rất buồn này.
Ta Về Không Tắm Ao Ta
hay
Cấu Trúc Sáu Tám Một Cội Buồn
Buồn nòi bủa lưới giăng tơ
Lênh chênh nhện nước con vờ lội ao.
Sòng đời chẵn lẻ thế nào?
Thưa con số hẩm gieo vào cửa tôi.
Nhau con úa dạ mẹ rồi!
Chôn lầm mảnh đất mồ côi nhân tình.
Tà quyền phù thủy âm binh,
Nhà cò nhà vạc lục bình trôi sông.
Tiên thiên thù oán chất chồng,
Sống cùm kinh cụ, chết còng tân toan.
Phẫn tồn một cái búng tăn
Ao tù diếc quẫy vết nhăn mặt người.
Cái lì của tĩnh trêu ngươi,
Cái u của tịch mốc đời héo hon.
Mười đi chín mất một còn,
Máu trào cửa tử cờ son đẫy đùa.
Quê cha trái đắng được mùa,
Quả lừa thu ấy còn chua đến giờ.
Vung tay đòi xóa ván cờ:
Vẫn lờ đờ kiếp con vờ lội ao.
Cái buồn huyền sử xanh xao
Ủ mầm trong máu ngấm vào cung thương.
Ao tanh nước đọng chán chường
Ngủ liền thiên kỉ chưa bừng cơn mê.
Mười đi may có một về,
Đường mòn con vác não nề trên lưng.
Ba đời đời vẫn kín bưng!
Mẹ ơi kiếp tới Mẹ đừng sinh con.
Minnesota tháng 3 năm 2014
CUNG TRẦM TƯỞNG