~ NGUYỄN HỮU PHƯỚC ~
Sự đa dạng của chữ ĂN sẽ bắt đầu bằng “Ăn Tết”. Có dân tộc nào dùng chữ “ăn tết” cho việc đón mừng năm mới?
Sự đa dạng của chữ ĂN sẽ bắt đầu bằng “Ăn Tết”. Có dân tộc nào dùng chữ “ăn tết” cho việc đón mừng năm mới?
Tôi tò mò hỏi thăm bạn Mỹ, Pháp, Tàu, Thái Lan, Khmer, cùng sở, không có dân nào dùng chữ “ăn tết”, để chỉ việc mừng năm mới cả. Anh quốc, Mỹ dùng chữ celebration, Pháp, célébration = mừng, mừng năm mới. Người Trung quốc, có nhiều giọng nói khác nhau, mặc dù tiếng Quan Thoại, giọng Bắc Kinh được coi là giọng chánh. Họ dùng chữ “qua niên” để chỉ việc mừng năm mới; họ dùng “Chxín niễn khoái lớ”, Hán Việt (HV) = tân niên khoái thích, có nghĩa năm mới khỏe mạnh sảng khoái. Chữ nầy bao gồm nhiều nghĩa: tiễn năm cũ, mừng năm mới với hy vọng tốt đẹp hơn. Chúng ta thường nghe giọng dân Quảng Đông trong câu “côống hỉ phát xồi”; giọng Hán Việt của dân ta đọc “cung hỉ phát tài”. Dân Việt dùng câu gốc HV “cung chúc tân xuân” = chúc mừng năm mới. Nói khác đi, chỉ có dân ta mừng năm mới bằng hai chữ “ăn tết”.
Ai dùng chữ “Eat Tết”? Thưa quí vị đó là cháu nội tôi.
Câu chuyện như sau: Cách đây 5 năm, khi đang chuẩn bị cho “ba ngày tết” tôi nghe tiếng đóng cửa xe, cháu nội 9 tuổi chạy vào nhà tung tăng, vui vẻ: “Ông nội, we are here to eat tết with you, are you happy? Ông nội mừng không?”. Tôi hơi ngỡ ngàng không do câu nói ba rọi “nhiều Anh ít Việt”, vì mẹ nó là dân Mỹ gốc Ireland, mắt xanh tóc óng ánh, dân di cư, đời thứ tư ở Hoa kỳ. Cháu bé luôn dùng hai chữ “ông nội” hay “bà nội” với 100 phần trăm giọng Việt. Tôi sang Hoa Kỳ du học từ đầu tháng Giêng, 1972. Đó là năm đầu tiên tôi trải qua những ngày tết ở Mỹ, mặc dù trong đại học còn có một số công chức “du sinh viên” như tôi. Chúng tôi có phân công lo việc ăn tết chung, nhưng vì không được đem gia đình theo, nên vẫn có cảm giác cô đơn. Từ đó đến nay, trừ tết 1975, trên 45 năm rồi, tôi đều hưởng tết ở xứ Cờ Hoa.
Chữ “eat tết”, lần đầu tiên tôi nghe cháu nội dùng, làm tôi bối rối nhưng không ngạc nhiên. Ở xứ nầy đầu đường, hay xó chợ nào cũng có food to go. Dân Mỹ ăn ngoài đường nhiều lắm, khỏi nói. Dân ta cũng ăn ngoài. Ở vùng Bolsa trên một diện tích nhỏ, có hằng nhiều trăm tiệm, quán ăn, và food to go. Có lần tôi nghe một cháu nhỏ Việt Nam, sanh tại Mỹ, sống ở Chicago, về thăm Bolsa một tuần, sống tạm ở nhà tôi. Sau buổi trưa đầu tiên dạo phố Bolsa với cha mẹ nó, trở về khoe với tôi: “Ông ơi, con và ba mẹ vừa eat through Bolsa, tiệm nào cũng ghé ăn thử. So good. Kiểu nầy chắc chắn sẽ gain weight at least là 6 hay 7 pounds trước khi trở lại Chicago”.
Nhìn lại dĩ vãng
Tiếng Tàu Chữ Tàu Việt Hóa. Trong suốt 10 thế kỷ (từ năm 111 BC đến năm 939 AD), Việt Nam sống dưới sự đô hộ của người Tàu. Tất cả văn kiện trong hành chánh, luật pháp, văn chương, tôn giáo, v.v., Việt Nam dùng chữ Tàu làm chữ chánh thức trong việc giao dịch với Trung Hoa, và dùng giọng HánViệt (HV) để đọc chữ Tàu. Việt Nam giành lại được nền độc lập vào thế kỷ thứ 10. Từ đó cho đến đầu thế kỷ 20, giới có học của dân ta vẫn tiếp tục dùng chữ Hán (chữ Tàu) và giọng đọc HV đã học được của thời xưa. Giọng HV là một giọng mà các nhà nho, người có học chữ Tàu đọc chữ Tàu theo giọng riêng. Thí dụ “vô tuyến truyền hình”, “phụ mẫu” (tiếng Việt là cha mẹ). Ngoài giọng và chữ HV, chúng ta còn dùng khoảng 300 tiếng theo giọng địa phương của Tàu như giọng Quảng Đông và Triều Châu. Đa số người Việt gốc Tàu ở Việt Nam thuộc 2 nhóm Quảng Đông và Triều Châu.
Lì Xì. Liên quan đến “ăn tết” một chữ rất phổ thông hầu hết chúng ta đều biết là “lì xì”. “Lì xì” là 2 chữ Tàu利市 đọc theo giọng Quảng Đông (trong lúc giọng HV của 2 chữ nầy là “lợi thị” hay “lợi tức”). Hiểu theo nghĩa bình thường “lì xì” là “tiền lời” hay thu nhập, nhưng lì xì trong ý nghĩa quà tặng đầu năm được hiểu là “điềm có lợi” hay “dấu hiệu có lợi”, chữ tức ở đây là tin tức hoặc điềm. “Tiền lì xì” là tiền cho người khác, thường để trong giấy đỏ, tiền cho trẻ em ngày tết. Trong chữ Việt chúng ta có vài trăm chữ rất bình dân xài thẳng từ giọng Quảng Đông như: Lè phè, lạp xưởng, há cảo, xíu mại, hoành thánh (HV: vân thôn), dầu chá quảy. Thêm vào còn có những chữ giọng Triều Châu như: Giá, bò bía, hủ tíu, phá lấu, chệt (có nghĩa là chú, chứ không có có nghĩa xấu gì cả, nhưng chúng ta lầm, tưởng rằng chệt chỉ tất cả người Tàu). Khi chúng ta nói những chữ nầy, người Quảng Đông hay Triều Châu – dù không biết tiếng Việt – vẫn hiểu ngay, trong lúc đó khi phát âm giọng HV (lợi thị, hay lợi tức, vân thôn) thì người Tàu không biết tiếng Việt, sẽ không hiểu gì cả.
Pháp Việt Ba Rọi. Pháp đã đô hộ Việt Nam gần 100 năm. Pháp chính thức chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam vào năm 1862 và năm 1867. Năm 1884, mặc dầu Pháp chia Việt Nam ra làm ba phần với ba thể chế chính trị khác nhau, Pháp đã đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Mãi đến năm 1954, sau hiệp định Genève, Pháp rút quân khỏi phần đất phía Bắc của vĩ tuyến 17, và năm 1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam vĩ tuyến nầy và hoàn toàn rời khỏi Việt Nam.
Tôi ghi ra đây một bài lục bát hỗn hợp (ba rọi) tôi biết từ thời 1955-56. Tác giả của bài thơ nầy là ai chúng tôi không biết. Ông diễn tả cách học tiếng Tây như tôi vừa nói bên trên:
Phrăng xe pra tic thực hành,
Pháp văn mỏa học không rành không thông
Mỏa xin chú bác ton ton
Làm ơn chỉ dạy lơ xông một bài.
*Chú thích: Phrăng xe = Français = Pháp văn, pratic = thực hành; mỏa = moi = tôi; ton ton = tonton = chú, bác; lơ xông = leçon = bài, bài học.
Và đây một bài ca dao do ông Nguyễn Trúc Phương ghi lại trong chương ca dao:
Tàu xúp lê một, còn than còn thở,
Tàu xúp lê hai, than vắn thở dài,
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển bắc
(còi tàu thứ ba là còi tàu cuối cùng báo hiệu tàu rời bến, chú thích của tôi).
Tay vịn song sắt, nước mắt nhỏ đôi giòng.
Thò tay túi áo hoàng đông,
Lấy khăn “bu sa” anh chậm...
Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên.
*Chú thích: xúp lê hay xíp lê = siffler, sifflet = tiếng còi xe lửa (tàu hỏa); bu sa = mouchoir = khăn tay.
Mỹ Việt Ba Rọi. Lúc quân đội Hoa Kỳ còn ở Việt Nam 1965-75, Anh văn đã đi sâu vào dân chúng, không chỉ qua ngõ giáo dục chánh thức ở học đường, mà còn qua ngõ tiếp xúc trong đời sống hằng ngày giữa các quân nhân Mỹ và dân chúng Việt Nam qua nhiều dịch vụ cần thiết trong đời sống hằng ngày, từ nghiệp vụ giải trí, buôn bán, tiếp liệu, công sức lao động, cho đến hôn nhân qua học đường và những giấy tờ giao dịch giữa các cơ quan công hay tư gọi chung là công văn, v.v.
Thêm vào, chúng ta còn có một loại Anh văn “bình dân”, sử dụng nhiều trong dân chúng ở các vùng có quân nhân Mỹ đồn trú. Loại Anh văn nầy một số lớn không chỉnh, hoặc không theo văn phạm qui ước. Họ dùng Anh văn theo sự hiểu biết của người sử dụng, nói sao cũng được miễn hiểu nhau mà kết quả là dịch vụ được trao đổi ổn thỏa, là xong chuyện.
Trong văn viết tiếng Việt, có nhiều chữ Anh chúng ta dùng nguyên ngữ vì không có chữ tương đương trong dịch thuật, có chữ chúng ta dịch âm để viết, và cũng có nhiều câu ba rọi, một số chữ Anh xen vào văn nói hoặc văn viết, và cũng có những chữ dùng sai cách dịch gọi là tiếng bồi hoặc vì không biết nên dùng sai, hoặc vì cố ý dùng sai để nói đùa (ví dụ: nó hành hạ tôi = he oinion(s) me (oinion = hành, một loại rau = hành củ hoặc hành lá); hoặc “không sao đâu” được dịch một cách khôi hài là “no star where”.
Ở Hoa Kỳ, cách đây hơn chục năm, những quảng cáo hay những bài văn, thơ đã vẫn có dấu ấn của ngôn ngữ ba rọi:
Tuần báo Sài Gòn Nhỏ ngày 30 November, 2007, trong quảng cáo liên quan về lông mi có các đoạn sau đây:
Eyelash extensions đang hot, kiếm tiền dễ dàng từ 150 đến 300 đồng một bộ…
Giá wholesale cho beauty supply stores. Chúng tôi có đầy đủ lông mi nhất. Có 2 loại: J Curl cà C Curl… Và nhiều màu như black, brown, red, purple, pink, blue, gold và green…
Có 4 loại keo: Premium extra strong glue, Premium strong glue, Premium translucent glue,(keo clear), Premium sensitive glue (cho khách da nhạy dị ứng.
Trong quảng cáo liên quan về địa ốc có các đoạn sau (trên nguyên văn quảng cáo, chữ “equity” đánh máy sai thành “eqquity”, nhưng vì là câu trích dẫn nên chúng tôi giữ y chữ sai):
Home Loans: Có đủ tất cả programs 15, 30, 40, 50 Years... với payments options và pick & pay (4 cách thức trả tiền tùy ý chọn hàng tháng).
Refinace cash out: lấy tiền mặt ra từ eqquity từ căn nhà. Đặc biệt với chương trình NO COST, quý vị không phải trả phí tổn nào.
Hiện tại, 2019, ở Hoa Kỳ, nghe radio hay xem các shows trên truyền hình tiếng Việt, chúng ta vẫn thường nghe những câu ba rọi Anh Việt của một số bác sĩ, luật sư trẻ người Việt gốc Cờ Hoa, nói kiểu ba rọi dễ thương nầy vì họ không có đủ chữ chuyên môn trong tiếng Việt để dùng cho những danh từ chuyên ngành. Trong các bài báo cũng có những câu pha trộn nầy. Cũng như vào thời Việt Nam còn dưới quyền đô hộ của người Pháp, đã có rất nhiều người Việt dùng tiếng pha trộn Việt Pháp.
Trở lại với chữ ĂN
Tôi tò mò lật quyển Việt-Nam Tự-Điển ra, ngạc nhiên nhiên nhiều, vì chữ “ăn” và những tiếng đi kèm, kể cả thành ngữ điển tích, chiếm khoảng 13 trang. Vô địch trong quyển tự điển. Chữ ăn liên quan đến thực phẩm đứng hàng đầu về số lượng, vì ngoài việc nhai, ngon, nuốt còn nhiều chữ nói đến cách ăn: ăn bốc, ăn bằng đủa, ăn hàng ăn lót lòng…
Kế đến, còn có chữ ăn liên quan đến “hoan, hôn, tang tế” như: ăn tết, ăn sinh nhật, cũng khá nhiều. Chữ ăn còn dùng trong những việc có lợi lộc cho người ăn, dù nguồn lợi có thể là chánh đáng hay không: ăn công, ăn lương, ăn gian, ăn chơi, ăn hối lộ... Rồi có chữ ăn dùng theo nghĩa bóng, hay tiếng lóng: ăn hại, ăn khách (bán chạy, best seller); ăn chè, nghĩa bóng: trai gái hẹn hò nơi vắng để tình tự; ăn chơi: (a) = ăn uống, giải trí; (b) sống bừa bãi, không điều độ. Ăn còn có nghĩa lan rộng ra: ăn da; ăn nắng; Ăn luồn, ăn sâu, ăn thong, ăn lan…
Ngoài ra còn có vài chữ gốc ngoại quốc, Việt hóa, mượn âm “ăn” để viết: “ăn ten” dụng cụ thâu sóng điện, do chữ gốc antene (Pháp), hay antenna (Anh); và chữ “ăn ban”, gốc Pháp, en panne = bị hư hỏng bất ngờ trong một bộ phận của xe: Xe tôi bị “ăn ban” trên xa lộ.
Ở Việt Nam có một loại đi đôi với chữ ăn, nhưng học trò hay con cháu trong nhà đều không thích, đó là ăn đòn = bị phạt vạ bằng roi. Ở Mỹ, bà con nên thân trọng. phụ huynh nào cho con cháu dưới 18 tuổi “ăn đòn”, nếu có dấu bầm, hay lằn roi đỏ, có thể bị cảnh sát đưa ra tòa về tội hành hạ trẻ em (tội hình). Ngoài ra cha mẹ hay phụ huynh, còn có thể bị sở bảo vệ trẻ em đưa ra tòa án tiếu nhi, xin án tòa đem trẻ em nầy đến ở tạm nhà một giám hộ khác trong một thời gian 6 tháng rồi mới trả về, sau khi cha mẹ thi hành án lệnh, như đi học xong một lớp về cách trừng phạt con.
Trở lại với chữ “ăn tết” hay “eat tết”
Kể từ nay tôi sẽ dùng chữ “eat tết” với cháu nội. Đây là một hình thức mới của sự giao thoa văn hoá, Việt Mỹ đề huề. Ông bà và cháu thông cảm, cha mẹ chồng Việt thuận hòa với nàng dâu Mỹ, nhờ những chữ thuộc loại “ba chỉ” nầy như “celebrate sinh nhật”, “đi shoping”, “eat tết”.
Mồng một eat tết với cha,
Mồng hai tết bạn, mồng ba tết thầy.
Mồng một tháng Giêng chúc các bạn một ngày an bình, an lạc, và an khang. Năm Kỷ Hợi 2019 chúc các bạn một chữ thôi: chữ PHÚC.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Trúc Phương (1970). Việt Nam Văn Học Bình Dân. Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
- Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (1970). Tự-Điển Việt-Nam. Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước, tác giả hai bộ sách Tiếng Việt Đa Dạng (2004) và Tiếng Việt Gốc Ngoại Quốc (2008, tái bản 2014), từng giữ chức vụ Giám Đốc Nha Sư Phạm, Bộ Giáo Dục VNCH trước 1975. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông giảng dạy tại một số đại học ở Nam California và công tác trong vai trò Giám Đốc Chương Trình Bảo Vệ Trẻ Con Á Châu Thái Bình Dương cho chính quyền Quận Los Angeles trước khi nghỉ hưu năm 2000.
Ai dùng chữ “Eat Tết”? Thưa quí vị đó là cháu nội tôi.
Câu chuyện như sau: Cách đây 5 năm, khi đang chuẩn bị cho “ba ngày tết” tôi nghe tiếng đóng cửa xe, cháu nội 9 tuổi chạy vào nhà tung tăng, vui vẻ: “Ông nội, we are here to eat tết with you, are you happy? Ông nội mừng không?”. Tôi hơi ngỡ ngàng không do câu nói ba rọi “nhiều Anh ít Việt”, vì mẹ nó là dân Mỹ gốc Ireland, mắt xanh tóc óng ánh, dân di cư, đời thứ tư ở Hoa kỳ. Cháu bé luôn dùng hai chữ “ông nội” hay “bà nội” với 100 phần trăm giọng Việt. Tôi sang Hoa Kỳ du học từ đầu tháng Giêng, 1972. Đó là năm đầu tiên tôi trải qua những ngày tết ở Mỹ, mặc dù trong đại học còn có một số công chức “du sinh viên” như tôi. Chúng tôi có phân công lo việc ăn tết chung, nhưng vì không được đem gia đình theo, nên vẫn có cảm giác cô đơn. Từ đó đến nay, trừ tết 1975, trên 45 năm rồi, tôi đều hưởng tết ở xứ Cờ Hoa.
Chữ “eat tết”, lần đầu tiên tôi nghe cháu nội dùng, làm tôi bối rối nhưng không ngạc nhiên. Ở xứ nầy đầu đường, hay xó chợ nào cũng có food to go. Dân Mỹ ăn ngoài đường nhiều lắm, khỏi nói. Dân ta cũng ăn ngoài. Ở vùng Bolsa trên một diện tích nhỏ, có hằng nhiều trăm tiệm, quán ăn, và food to go. Có lần tôi nghe một cháu nhỏ Việt Nam, sanh tại Mỹ, sống ở Chicago, về thăm Bolsa một tuần, sống tạm ở nhà tôi. Sau buổi trưa đầu tiên dạo phố Bolsa với cha mẹ nó, trở về khoe với tôi: “Ông ơi, con và ba mẹ vừa eat through Bolsa, tiệm nào cũng ghé ăn thử. So good. Kiểu nầy chắc chắn sẽ gain weight at least là 6 hay 7 pounds trước khi trở lại Chicago”.
Nhìn lại dĩ vãng
Tiếng Tàu Chữ Tàu Việt Hóa. Trong suốt 10 thế kỷ (từ năm 111 BC đến năm 939 AD), Việt Nam sống dưới sự đô hộ của người Tàu. Tất cả văn kiện trong hành chánh, luật pháp, văn chương, tôn giáo, v.v., Việt Nam dùng chữ Tàu làm chữ chánh thức trong việc giao dịch với Trung Hoa, và dùng giọng HánViệt (HV) để đọc chữ Tàu. Việt Nam giành lại được nền độc lập vào thế kỷ thứ 10. Từ đó cho đến đầu thế kỷ 20, giới có học của dân ta vẫn tiếp tục dùng chữ Hán (chữ Tàu) và giọng đọc HV đã học được của thời xưa. Giọng HV là một giọng mà các nhà nho, người có học chữ Tàu đọc chữ Tàu theo giọng riêng. Thí dụ “vô tuyến truyền hình”, “phụ mẫu” (tiếng Việt là cha mẹ). Ngoài giọng và chữ HV, chúng ta còn dùng khoảng 300 tiếng theo giọng địa phương của Tàu như giọng Quảng Đông và Triều Châu. Đa số người Việt gốc Tàu ở Việt Nam thuộc 2 nhóm Quảng Đông và Triều Châu.
Lì Xì. Liên quan đến “ăn tết” một chữ rất phổ thông hầu hết chúng ta đều biết là “lì xì”. “Lì xì” là 2 chữ Tàu利市 đọc theo giọng Quảng Đông (trong lúc giọng HV của 2 chữ nầy là “lợi thị” hay “lợi tức”). Hiểu theo nghĩa bình thường “lì xì” là “tiền lời” hay thu nhập, nhưng lì xì trong ý nghĩa quà tặng đầu năm được hiểu là “điềm có lợi” hay “dấu hiệu có lợi”, chữ tức ở đây là tin tức hoặc điềm. “Tiền lì xì” là tiền cho người khác, thường để trong giấy đỏ, tiền cho trẻ em ngày tết. Trong chữ Việt chúng ta có vài trăm chữ rất bình dân xài thẳng từ giọng Quảng Đông như: Lè phè, lạp xưởng, há cảo, xíu mại, hoành thánh (HV: vân thôn), dầu chá quảy. Thêm vào còn có những chữ giọng Triều Châu như: Giá, bò bía, hủ tíu, phá lấu, chệt (có nghĩa là chú, chứ không có có nghĩa xấu gì cả, nhưng chúng ta lầm, tưởng rằng chệt chỉ tất cả người Tàu). Khi chúng ta nói những chữ nầy, người Quảng Đông hay Triều Châu – dù không biết tiếng Việt – vẫn hiểu ngay, trong lúc đó khi phát âm giọng HV (lợi thị, hay lợi tức, vân thôn) thì người Tàu không biết tiếng Việt, sẽ không hiểu gì cả.
Pháp Việt Ba Rọi. Pháp đã đô hộ Việt Nam gần 100 năm. Pháp chính thức chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam vào năm 1862 và năm 1867. Năm 1884, mặc dầu Pháp chia Việt Nam ra làm ba phần với ba thể chế chính trị khác nhau, Pháp đã đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Mãi đến năm 1954, sau hiệp định Genève, Pháp rút quân khỏi phần đất phía Bắc của vĩ tuyến 17, và năm 1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam vĩ tuyến nầy và hoàn toàn rời khỏi Việt Nam.
Tôi ghi ra đây một bài lục bát hỗn hợp (ba rọi) tôi biết từ thời 1955-56. Tác giả của bài thơ nầy là ai chúng tôi không biết. Ông diễn tả cách học tiếng Tây như tôi vừa nói bên trên:
Phrăng xe pra tic thực hành,
Pháp văn mỏa học không rành không thông
Mỏa xin chú bác ton ton
Làm ơn chỉ dạy lơ xông một bài.
*Chú thích: Phrăng xe = Français = Pháp văn, pratic = thực hành; mỏa = moi = tôi; ton ton = tonton = chú, bác; lơ xông = leçon = bài, bài học.
Và đây một bài ca dao do ông Nguyễn Trúc Phương ghi lại trong chương ca dao:
Tàu xúp lê một, còn than còn thở,
Tàu xúp lê hai, than vắn thở dài,
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển bắc
(còi tàu thứ ba là còi tàu cuối cùng báo hiệu tàu rời bến, chú thích của tôi).
Tay vịn song sắt, nước mắt nhỏ đôi giòng.
Thò tay túi áo hoàng đông,
Lấy khăn “bu sa” anh chậm...
Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên.
*Chú thích: xúp lê hay xíp lê = siffler, sifflet = tiếng còi xe lửa (tàu hỏa); bu sa = mouchoir = khăn tay.
Mỹ Việt Ba Rọi. Lúc quân đội Hoa Kỳ còn ở Việt Nam 1965-75, Anh văn đã đi sâu vào dân chúng, không chỉ qua ngõ giáo dục chánh thức ở học đường, mà còn qua ngõ tiếp xúc trong đời sống hằng ngày giữa các quân nhân Mỹ và dân chúng Việt Nam qua nhiều dịch vụ cần thiết trong đời sống hằng ngày, từ nghiệp vụ giải trí, buôn bán, tiếp liệu, công sức lao động, cho đến hôn nhân qua học đường và những giấy tờ giao dịch giữa các cơ quan công hay tư gọi chung là công văn, v.v.
Thêm vào, chúng ta còn có một loại Anh văn “bình dân”, sử dụng nhiều trong dân chúng ở các vùng có quân nhân Mỹ đồn trú. Loại Anh văn nầy một số lớn không chỉnh, hoặc không theo văn phạm qui ước. Họ dùng Anh văn theo sự hiểu biết của người sử dụng, nói sao cũng được miễn hiểu nhau mà kết quả là dịch vụ được trao đổi ổn thỏa, là xong chuyện.
Trong văn viết tiếng Việt, có nhiều chữ Anh chúng ta dùng nguyên ngữ vì không có chữ tương đương trong dịch thuật, có chữ chúng ta dịch âm để viết, và cũng có nhiều câu ba rọi, một số chữ Anh xen vào văn nói hoặc văn viết, và cũng có những chữ dùng sai cách dịch gọi là tiếng bồi hoặc vì không biết nên dùng sai, hoặc vì cố ý dùng sai để nói đùa (ví dụ: nó hành hạ tôi = he oinion(s) me (oinion = hành, một loại rau = hành củ hoặc hành lá); hoặc “không sao đâu” được dịch một cách khôi hài là “no star where”.
Ở Hoa Kỳ, cách đây hơn chục năm, những quảng cáo hay những bài văn, thơ đã vẫn có dấu ấn của ngôn ngữ ba rọi:
Tuần báo Sài Gòn Nhỏ ngày 30 November, 2007, trong quảng cáo liên quan về lông mi có các đoạn sau đây:
Eyelash extensions đang hot, kiếm tiền dễ dàng từ 150 đến 300 đồng một bộ…
Giá wholesale cho beauty supply stores. Chúng tôi có đầy đủ lông mi nhất. Có 2 loại: J Curl cà C Curl… Và nhiều màu như black, brown, red, purple, pink, blue, gold và green…
Có 4 loại keo: Premium extra strong glue, Premium strong glue, Premium translucent glue,(keo clear), Premium sensitive glue (cho khách da nhạy dị ứng.
Trong quảng cáo liên quan về địa ốc có các đoạn sau (trên nguyên văn quảng cáo, chữ “equity” đánh máy sai thành “eqquity”, nhưng vì là câu trích dẫn nên chúng tôi giữ y chữ sai):
Home Loans: Có đủ tất cả programs 15, 30, 40, 50 Years... với payments options và pick & pay (4 cách thức trả tiền tùy ý chọn hàng tháng).
Refinace cash out: lấy tiền mặt ra từ eqquity từ căn nhà. Đặc biệt với chương trình NO COST, quý vị không phải trả phí tổn nào.
Hiện tại, 2019, ở Hoa Kỳ, nghe radio hay xem các shows trên truyền hình tiếng Việt, chúng ta vẫn thường nghe những câu ba rọi Anh Việt của một số bác sĩ, luật sư trẻ người Việt gốc Cờ Hoa, nói kiểu ba rọi dễ thương nầy vì họ không có đủ chữ chuyên môn trong tiếng Việt để dùng cho những danh từ chuyên ngành. Trong các bài báo cũng có những câu pha trộn nầy. Cũng như vào thời Việt Nam còn dưới quyền đô hộ của người Pháp, đã có rất nhiều người Việt dùng tiếng pha trộn Việt Pháp.
Trở lại với chữ ĂN
Tôi tò mò lật quyển Việt-Nam Tự-Điển ra, ngạc nhiên nhiên nhiều, vì chữ “ăn” và những tiếng đi kèm, kể cả thành ngữ điển tích, chiếm khoảng 13 trang. Vô địch trong quyển tự điển. Chữ ăn liên quan đến thực phẩm đứng hàng đầu về số lượng, vì ngoài việc nhai, ngon, nuốt còn nhiều chữ nói đến cách ăn: ăn bốc, ăn bằng đủa, ăn hàng ăn lót lòng…
Kế đến, còn có chữ ăn liên quan đến “hoan, hôn, tang tế” như: ăn tết, ăn sinh nhật, cũng khá nhiều. Chữ ăn còn dùng trong những việc có lợi lộc cho người ăn, dù nguồn lợi có thể là chánh đáng hay không: ăn công, ăn lương, ăn gian, ăn chơi, ăn hối lộ... Rồi có chữ ăn dùng theo nghĩa bóng, hay tiếng lóng: ăn hại, ăn khách (bán chạy, best seller); ăn chè, nghĩa bóng: trai gái hẹn hò nơi vắng để tình tự; ăn chơi: (a) = ăn uống, giải trí; (b) sống bừa bãi, không điều độ. Ăn còn có nghĩa lan rộng ra: ăn da; ăn nắng; Ăn luồn, ăn sâu, ăn thong, ăn lan…
Ngoài ra còn có vài chữ gốc ngoại quốc, Việt hóa, mượn âm “ăn” để viết: “ăn ten” dụng cụ thâu sóng điện, do chữ gốc antene (Pháp), hay antenna (Anh); và chữ “ăn ban”, gốc Pháp, en panne = bị hư hỏng bất ngờ trong một bộ phận của xe: Xe tôi bị “ăn ban” trên xa lộ.
Ở Việt Nam có một loại đi đôi với chữ ăn, nhưng học trò hay con cháu trong nhà đều không thích, đó là ăn đòn = bị phạt vạ bằng roi. Ở Mỹ, bà con nên thân trọng. phụ huynh nào cho con cháu dưới 18 tuổi “ăn đòn”, nếu có dấu bầm, hay lằn roi đỏ, có thể bị cảnh sát đưa ra tòa về tội hành hạ trẻ em (tội hình). Ngoài ra cha mẹ hay phụ huynh, còn có thể bị sở bảo vệ trẻ em đưa ra tòa án tiếu nhi, xin án tòa đem trẻ em nầy đến ở tạm nhà một giám hộ khác trong một thời gian 6 tháng rồi mới trả về, sau khi cha mẹ thi hành án lệnh, như đi học xong một lớp về cách trừng phạt con.
Trở lại với chữ “ăn tết” hay “eat tết”
Kể từ nay tôi sẽ dùng chữ “eat tết” với cháu nội. Đây là một hình thức mới của sự giao thoa văn hoá, Việt Mỹ đề huề. Ông bà và cháu thông cảm, cha mẹ chồng Việt thuận hòa với nàng dâu Mỹ, nhờ những chữ thuộc loại “ba chỉ” nầy như “celebrate sinh nhật”, “đi shoping”, “eat tết”.
Mồng một eat tết với cha,
Mồng hai tết bạn, mồng ba tết thầy.
Mồng một tháng Giêng chúc các bạn một ngày an bình, an lạc, và an khang. Năm Kỷ Hợi 2019 chúc các bạn một chữ thôi: chữ PHÚC.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Trúc Phương (1970). Việt Nam Văn Học Bình Dân. Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
- Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (1970). Tự-Điển Việt-Nam. Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước, tác giả hai bộ sách Tiếng Việt Đa Dạng (2004) và Tiếng Việt Gốc Ngoại Quốc (2008, tái bản 2014), từng giữ chức vụ Giám Đốc Nha Sư Phạm, Bộ Giáo Dục VNCH trước 1975. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông giảng dạy tại một số đại học ở Nam California và công tác trong vai trò Giám Đốc Chương Trình Bảo Vệ Trẻ Con Á Châu Thái Bình Dương cho chính quyền Quận Los Angeles trước khi nghỉ hưu năm 2000.