Quang Đức Vĩnh sinh ngày 20 tháng 10 năm 1945 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thân phụ là Quang Quế Đôn lúc thiếu thời là một cầu thủ có tiếng, chẳng những ở Việt Nam mà ngay cả trên đất Cao Miên, ngày còn nhỏ ông đá cho đội college Cần Thơ rồi Cercle Can Tho. Sau này về làm đồn điền cao su S.I.P.H (Société Indochinoise De Plantation D’éveas) với chức Tổng Thư Ký. Ông giữ vai trung ứng cho đội Thủ Dầu Một và Đại Tướng Dương Văn Minh giữ vai thủ môn cùng với Chín Viễn, Tô Toàn vào năm 1933. Ông sang Cao Miên đá cho đội Sud Indofer và Hội Union Việt Kiều vào năm 1935 và 1936.
Gia đình Quang Đức Vĩnh có 12 anh chị em nhưng chỉ có 3 người theo đuổi bộ môn túc cầu, trong đó có 2 người anh lớn nhất của Vĩnh là Quang Hồng Thúy (sinh năm 1940) và Quang Kim Phụng (1942). Cả ba anh em đều từng là cầu thủ của đội Ngôi Sao Gia Định, một đội bóng có bề dày thành tích đã sản sinh ra nhiều thế hệ nổi tiếng.
Sau những năm khoác áo cho trường Văn Hiến dự giải Bóng Tròn Học Sinh toàn quốc, đến năm 1961, Quang Đức Vĩnh gia nhập vào đội Ngôi Sao Gia Định. Năm 1962, Quang Đức Vĩnh được tuyển vào Hội Tuyển Thiếu Niên xuất ngoại lần đầu tiên đi đá giao hữu tại Thái Lan để giảng hòa vụ xung đột giữa 2 cầu thủ Yanyong (Thái Lan) và Pierre (hữu biên Nguyễn Văn Nhung) của Việt Nam tại vận động trường Cộng Hòa. Năm 1963, Vĩnh khoác áo Hội Tuyển Thiếu Niên đi Penang (Malaysia) dự giải Thiếu Niên Á Châu cùng Ngôn 1, Ngôn 2, Trần Ta, Sang Hoàng Đế... Năm 1964, khoác áo Hội Tuyển Thiếu Niên dự giải Thiếu Niên Á Châu tổ chức tại Saigon. Năm 1965, Quang Đức Vĩnh gia nhập vào đội bóng Không Quân. Chính nơi đây mà sau này đã hình thành cặp bài trùng xuất sắc nhất VNCH thời đó, chính là Quang Đức Vĩnh và Trần Tiết Anh. Năm 1966, anh được tuyển vào Hội Tuyển Thanh Niên Việt Nam. Hai năm sau (1968) Quang Đức Vĩnh được tuyển vào Hội Tuyển Quốc Gia và liên tục khoác áo trong thành phần này từ đó cho đến năm 1975 với vai trò trung phong thi đấu khắp các vận động trường Châu Á từ Vọng Các (Thái) sang Mã Lai, Tân Gia Ba, đến Hongkong, Đài Loan, Lào, Miến Điện và sau hết là Nhật Bản và Đại Hàn.
Tháng 3 năm 1975, Quang Đức Vĩnh theo chân đội tuyển VNCH lên đường tham dự giải Vô Địch Á Châu (Group 4) tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Đây là chuyến xuất ngoại cuối cùng của anh em cầu thủ dưới màu áo cờ vàng ba sọc đỏ. Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, khi đang thi đấu tại Bangkok thì nghe những tin tức dồn dập từ quê nhà, tinh thần anh em phần nào có giao động. Tuy nhiên trong trận đấu sau cùng, toàn đội VNCH đã để lại cho khán giả Thái Lan một ấn tượng sâu sắc về nền bóng tròn VNCH khi gặp Đại Hàn trong nửa hiệp đấu, VNCH tung hết sức lực gác trước 2/0, nửa hiệp sau, sức khỏe cạn dần mới để Đại Hàn gỡ hòa 2/2. Đó là trận đấu cuối cùng của Hội Tuyển VNCH.
Ba chiến thắng vinh quang khó quên trong cuộc đời cầu thủ của Quang Đức Vĩnh, đó là lần Việt Nam đoạt Huy Chương Bạc Seap Game 1971, đoạt Huy Chương Vàng Vô địch Quân Đội Thế Giới khu Viễn Đông 1973 (Đại Hàn, Việt Nam, Khmer, Thái Lan) và đoạt Huy Chương Vàng Vô Địch Quốc Khánh 1974.
Riêng với Giải Quốc Khánh 74, Trần Quốc Bảo nhớ mãi trận bán kết giữa Việt Nam và Thái Lan ngày Thứ Bẩy 9 tháng 11/1974, sau khi đội nhà lúng túng trong những phút giây mở đầu để thua 0-1, các cầu thủ VNCH bắt đầu tổ chức những cuộc phản công mạnh mẽ. Phút 20, lợi dụng sơ hở của hàng hậu vệ Thái Lan, hữu biên Nguyễn Văn Thắng dẫn banh xuống rất nhanh, Thắng tạt vào trung lộ cho Quang Đức Vĩnh đang lao đến. Vĩnh đón banh, dùng kỹ thuật động tác giả tài tình, hai hậu vệ của đối phương thay nhau chùi banh nhưng bị hố đà, không bỏ lỡ cơ hội, Quang Đức Vĩnh thoát sâu vào vùng cấm địa, sửa nhẹ trái banh vào góc trái của khuôn thành, thủ môn Thái Lan cố nhoài người đẩy bóng ra khỏi cột dọc nhưng trái banh đã nằm gọn trong lưới giữa tiếng reo hò vang dội của hơn 20 ngàn khán giả Việt Nam tham dự tại cầu trường Cộng Hòa. Khí thế càng lúc càng lên cao như thủy triều, phút 38 hiệp 1, hữu biên Nguyễn Văn Thắng một lần nữa thoát sâu xuống góc phải, anh rót banh cao lơ lửng trước khuôn thành đội Thái Lan. Hai hậu vệ đối phương bay lên thật cao đội đầu phá bóng ra ngoài, nhưng cái đầu của Quang Đức Vĩnh đã nhanh hơn, cao hơn hất trái banh vào góc phải của khuôn thành địch. Tiếng la hò mừng rỡ của hàng chục ngàn người Việt Nam mộ điệu túc cầu vang lên như muốn vỡ cả sân cỏ, trong lúc tất cả cầu thủ VNCH đang chạy đến ôm chặt Vĩnh khen ngợi, thì không ai thấy được, môi dưới của Vĩnh đã bị tét sau một pha đội đầu tuyệt đẹp. Máu của Vĩnh và nhiều đồng đội đã chẩy giữa chiến thắng mang về cho hai chữ Việt Nam ngày hôm đó.
Năm 1975 những ngày còn ở lại Việt Nam, Quang Đức Vĩnh và Võ Thành Sơn và một số cầu thủ cũ trở lại sân cỏ. Đội đầu tiên là Tổng Cục Vật Tư, rồi sau đó là Xi Măng Hà Tiên và sau cùng là Xây Lắp Công Nghiệp do anh Charles B. Nguyễn Văn Đức (người chồng sau của nghệ sĩ Bạch Tuyết) làm giám đốc. Thời gian này, Sơn và Vĩnh được coi như là cặp bài trùng ăn ý và tạo sóng gió nhiều nhất trong các đội bóng của Việt Nam.
Năm 1977 và 1978, Sở Thể Dục Thể Thao Thành Phố gọi Quang Đức Vĩnh đá cho Đội Tuyển Thành Phố. Năm 1979 vượt biên không thành công và bị Sở Thể Thao cấm trở lại sân cỏ. Vượt biên lần thứ nhì vào năm tháng 7 năm 1980 và được tầu Mỹ vớt. Trên tầu Quang Đức Vĩnh đã viết thư cho người bạn thân là ca sĩ Duy Quang tìm giùm Richard A Kubiak để nhờ anh bảo lãnh, và cuối cùng người bạn Mỹ này đã bảo lãnh gia đình Quang Đức Vĩnh về miền Bắc New York. Tầu đến Singapore, ở đó 2 tháng rồi tháng 9 đi Galang (Nam Dương). Ở Galang 4, 5 tháng mới đến Mỹ. Tháng 1 năm 1981 Quang Đức Vĩnh đến Mỹ định cư ở New York nhưng ở đó chỉ một thời gian ngắn, cả nhà anh dời về Virginia. Cũng trong năm này, Quang Đức Vĩnh cùng anh Trần Vinh Quang chăm sóc đội banh Virginia do Vĩnh huấn luyện tham dự các kỳ Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ tổ chức hàng năm với đủ các bộ môn tranh tài. Đây là một Đại Hội rất có ý nghĩa cho giới trẻ ở Hải Ngoại do các anh sinh viên Việt Nam ở Canada và Mỹ du học trước 75 thành lập. Tiếc thay đến năm 1987-1988 đã không còn nữa. Vợ chồng Quang Đức Vĩnh có 2 người con: con trai lớn tên Quang Thanh Phong (sanh năm 1974) hiện làm Postmaster (Trưởng Bưu Cục) và một cô con gái tên Quang Thanh Thảo (sanh năm 1978) hiện làm kỹ sư nhu liệu điện toán (Software Engineer).
Năm 1989, anh bảo lãnh cho gia đình anh Quang Kim Thúy cùng vợ và 3 con sang Mỹ, hiện ở Virginia cách nhà anh Vĩnh khoảng 2 miles. Năm 2003, đến phiên vợ chồng anh Quang Kim Phụng định cư tại Mỹ. Vợ anh Phụng, chị Phạm Thị Như Mai, là con gái của thủ môn Phạm Văn Rạng. Anh chị Phụng có 2 cháu: con gái hiện ở Úc và một con trai hiện giờ ở Việt Nam.
Trước khi dứt bài này, tôi muốn trả lời một thắc mắc của những tình thân hay hỏi: “Tại sao tôi lại quý mến Quang Đức Vĩnh nhiều hơn những thân quen khác?”. Giờ đây xin được trả lời, tôi quý anh bởi Quang Đức Vĩnh đã cho tôi những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, thời tuổi trẻ “Mơ Thành Người Quang Trung”, thời tuổi trẻ “Bồn Lừa”, thời mơ ước tên Việt Nam luôn nổi trội, thành công giữa vòm trời Châu Á. Và quan trọng hơn cả, Quang Đức Vĩnh dậy tôi cách sống tử tế với những gì thuộc về những câu “tình yêu”, “chung thủy”...
Quang Đức Vĩnh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Xuân Hương ngày 9 tháng 1 năm 1973. Đám cưới anh chị rộn ràng niềm vui không thiếu vắng một người nào. Nhiều thân hữu và ngay cả những ngôi sao, đại gia thời đó đều có mặt... bởi chính Vĩnh luôn luôn có mặt với mọi người trong phút vui lẫn cả giờ buồn. Ngay cả những người bận rộn như dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều, ông Trần Minh Mẫn, Mai Lĩnh... cũng đến với đám cưới anh từ rất sớm. Tình yêu đó đến hôm nay kéo dài qua con số 40 năm, cho dẫu anh chị đã trải qua rất nhiều những giông tố của cuộc đời. Năm 1997, vợ anh gặp một tai nạn xe khá nặng, Quang Đức Vĩnh phải bỏ hết mọi chuyện để túc trực lo cho vợ mình trên giường bệnh. Vài năm sau, chị Hương cảm thấy rất đau nhức không thể tự mình đi đứng được, bác sĩ cho biết, chị vướng phải căn bệnh Multiple Sclerosis (đa xơ cứng), một cơn bệnh khá nguy hiểm như tình trạng ca sĩ Ngọc Lan, nhưng nhờ phát hiện kịp thời gian đầu, nên tình trạng của chị Nguyễn Thị Xuân Hương không nguy hiểm tánh mạng, tuy nhiên từ nay phải bị ngồi xe lăn và cần có người luôn luôn chăm sóc bên cạnh.
Ngày 21 tháng 9 năm 2013, Trần Quốc Bảo bay sang Philadelphia tham dự Đêm Vinh Danh Cựu Tuyển Thủ Túc Cầu VNCH theo lời mời của anh Nguyễn Thanh Hà. Đêm đó, quả là một đêm hạnh phúc, khi người viết gặp lại những khuôn mặt thần tượng thuở nào như Lâm Hồng Châu, Võ Thành Sơn, Ngôn 1, Cù Sinh, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn Cư... và đặc biệt có cả Quang Đức Vĩnh. Tuy gặp gỡ lần đầu nhưng hai anh em mừng rỡ như đã là tình thân từ bao năm trước. Người viết cảm động trước thái độ anh rất cởi mở, giọng nói nhẹ nhàng, bàn tay xiết chặt, nhưng lòng tôi thoáng buồn khi thấy khuôn mặt Quang Đức Vĩnh quá xanh xao, gầy gò và ánh mắt có vẻ gì lo lắng bâng khuâng quá. Mãi sau này tôi mới biết, Quang Đức Vĩnh chẳng hề thích đi đâu, anh chỉ muốn ở nhà để được săn sóc vợ. Suốt 16 năm nghiệt ngã đó, Quang Đức Vĩnh đã phải từ chối trăm cuộc vui, ngàn cuộc hẹn, bởi lòng luôn lo lắng khi để vợ hiu quạnh ở nhà một mình. Những hình ảnh đẹp đó, người ta dễ dàng bắt gặp trên phim, trong tiểu thuyết, nhưng ngoài đời, có đốt đuốc đi tìm, cũng khó mà có những trái tim chung thủy như Quang Đức Vĩnh.
TẶNG
~ Đỗ Trung Quân ~
Hãy thử yêu nàng khi nàng bốn mươi
Áo lụa đôi mươi xếp vào quá khứ
Hãy thử yêu nàng một chiều lam lũ
Một chiều ngồi gần khóe mắt chân chim
Hãy thử yêu nàng khi nàng bóng xế
Tóc xanh ngày nào tóc sương ngày nay
Hãy thử yêu nàng khi nàng cỏ úa
Một bữa cơm chiều củi lửa bàn tay
Hãy thử yêu nàng, chiếu chăn xô lệch
Hơi thở hai mươi gửi trả lại Trời
Hãy tựa vai nàng một chiều mỏi mệt
Thấy trên tóc mình một hạt sương rơi
Ngày xưa, chỉ cần vướng một sợi tóc bay là đã trói đời nhau một kiếp. Còn bây giờ, cần chi ngàn lời nói tạ tình, khi hạt sương nào vừa rơi xuống đêm nay.
Yêu quý Quang Đức Vĩnh, những thân hữu ngày xưa có thể gọi đến anh tại số (703) 395-8254 hoặc email về quangdvinh@hotmail.com.