Tôi nghĩ nếu xử sự như súc vật, bạ ai cũng cắn không phân biệt màu da còn cao hơn xử sự như người, chỉ nhằm màu da đen mà cắn bậy. Lòng kỳ thị làm người ta mù lý lẽ, mù trước công bằng, không phân biệt được giữa sự thật đen, và sự dối trá trắng bóng. Phần sự thật kia mà tôi đang đào tới là nếu tôi ở trong hoàn cảnh bất công thì tôi không thể trông vào những người này đem lại công lý cho tôi.
~ Phạm Thị Ngọc ~
Tôi không phải người yêu thích gia súc, chó mèo gì tôi cũng rất thờ ơ, đến nỗi con chó tôi nuôi thay cho kẻ khác chưa bao giờ chạy ra mừng khi tôi đi làm về. Những con chó mà con tôi đã để lại khi nó vắng nhà tôi phải cho ăn đã là quá lắm, đừng đòi hỏi tôi phải chăm sóc hơn. Mỗi lần nghe ai đó nói chó của họ bị chứng separation anxiety, bồn chồn khi xa chủ, tôi nghĩ chó nhà tôi bị bồn chồn anxiety khi tôi về, xuất hiện từ một xó xỉnh nào đó và, không chờ tôi đuổi, tự động chạy tọt vào chuồng. Con chó đen thui được con tôi đem về từ lúc 6 tuần, ai ngờ trước được nó lớn xù, nặng cả trăm cân. Mỗi lần tôi mắng con vì nó không hỏi ý tôi trước, nó nói, “tội nghiệp con chó mà Muva, không ai muốn đem nó về vì nó đen.” Và tôi sẽ nói lại như mọi người mẹ sẽ nói lại, lúc nào nó cũng chỉ tội nghiệp chó mà không biết tội nghiệp mẹ. Vậy mà chỉ một lần duy nhất trong đời, mười mấy năm trước, tôi đi tìm mua một con chó nhỏ xíu, giống rat terrier, làm quà cho đứa con gái của một cặp vợ chồng tôi quen, chi vì cô bé khi đến nhà tôi chơi đã nựng nịu hoài lúc đó là một con chó đen khác nữa, cũng bị người khác phế thải, mà tôi cũng rất ghét. Tôi mua cho cô bé con chó con mới chỉ biết uống sữa, lông vàng để lấy hên, được cô chủ đặt tên ngay là Sky. Tên đặc biệt rõ ràng đâu ra đó, Sky chứ không phải lúc nào cũng ky ky như kiểu tôi. Chó vàng thì hên, người ta tin vậy. Chó đen thì xui, cái gì đen là xui, chẳng ai muốn.
Trải qua nhiều năm, mỗi khi tôi đến thăm vợ chồng này, lần nào tôi cũng ra sân sau xem thằng Sky lớn khôn tới đâu. Sky không được ở trong nhà, dù nó chỉ bằng một phần mười mối nợ của tôi. Thế mới biết nựng chó người thì thích. Làm chủ một con chó là cả một trách nhiệm, vì không ai muốn đi dọn bài tiết của chó trong nhà, đặc biệt là một căn nhà sang trọng. Rất có thể Sky, vì màu vàng, đã đem lại tài lộc cho chủ, vì càng lúc càng thấy họ phát đạt hơn. Nhưng lợi cho người mà hại cho chó, vì Sky dường như không hề được đặt chân vào trong căn nhà sang trọng ấy một ngày nào, nắng mưa nóng lạnh gì cũng ở xó sân sau. Rat terrier chỉ to bằng mèo nhưng dữ như… chó. Sky sủa không dứt khi thấy người lạ, gầm gừ hở hai hàm răng nanh tí hon. Có lúc tôi thấy hối vì đã đem Sky vào nhà này. Tôi định lúc nào tiện tôi sẽ xin lại con chó, đem về cho nó ở trong nhà, tránh được cho nó những ngày hè Texas, khi mặt sân xi-măng nóng đến phỏng chân những con chó hoang.
Tội nghiệp con chó nên tôi nghĩ thế thôi, biết rằng loài chó trung thành với chủ, về với tôi dù có được ở trong nhà, mở mang con đường sinh nhai, chưa chắc nó sẽ cho đó là một tiến bộ. Vì dù thân phận chó không được ở chung nhà với người, và dù cái đĩa đồ ăn chó góc sân vẫn nhắc nhở thân phận chó, Sky vẫn được chủ đem đi mỹ viện chó để cắt móng chân, hớt lông, và trị bọ. Lâu lâu, Sky được ông chủ dẫn đi bộ trong khu xóm, khu ngoại ô mới xây, gần thượng lưu hơn trung lưu, dân cư dù đa chủng nhưng nghiêng hơn về màu nhạt nhạt. Chính X cũng là một người Việt lai da trắng, sang đây theo diện con lai theo chương trình nhân đạo của Mỹ vào mấy thập niên trước. X nói với tôi, “em dọn về đây cho an toàn chị à, ít Mễ và đen.” Tôi nghe thì gật đầu ừ hử. An toàn mà hình như cũng không bớt được cường độ đề phòng. X dẫn chó đi bộ ngoài đường hay để ý những phần tử cho là đáng nghi, đứng khựng lại khi nhận ra một kẻ khả nghi. Tôi không rõ chó có khả năng phân biệt màu da bằng thị giác không, hay bằng khướu giác. Mỗi khi X đứng khựng lại, theo thói quen, và bằng khướu giác, con sky sky dần dần sẽ phân biệt được ai là kẻ khả nghi. Vì theo X nhận xét, người da đen tiết ra một mùi rất dị biệt.
Tôi nhắc về X là một người Việt lai trắng, để hy vọng thông cảm lý do tại sao X rất bén nhạy phần tử đáng nghi, vì chính X đã phải tiếp nhận sự ngược đãi khắc nghiệt của xã hội Việt Nam đối với những đứa con lai, một sự kỳ thị bây giờ vẫn như ghẻ đóng vẩy. Qua Mỹ, X bắt đầu từ chỗ khiêm tốn, làm công bán hàng cho tiệm tạp hóa nhỏ trong khu nghèo. Bán thuốc lá lẻ, bia lẻ, rượu lẻ cho người ít tiền. Bán lẻ và bán chịu thì mau khá, nhưng lúc nào cũng phải đề phòng bọn Mỹ đen quỵt nợ và ăn cắp vặt. X than với tôi, ngày nào X cũng phải rượt đuổi bọn con nít da đen mỗi khi tan trường kéo vào tiệm ăn cắp kẹo. X than với tôi, bọn đen ăn hại, nhỏ bất lương nhỏ, lớn bất lương lớn. Để bù lại mất mát, X tính đắt gấp đôi những điếu thuốc bán lẻ, những ngụm rượu lẻ. Vậy mà cũng khá. X đã làm chủ tiệm.
Làm chủ tiệm, X đến tôi nhờ khai thuế.
“Chị làm thế nào khai dùm em lợi tức mười ngàn thôi nha, chị.”
Mối quan hệ giữa tôi và vợ chồng X bắt đầu từ đây. Vợ X là Th, người Việt chính cống. X luôn thấy may mắn lấy được người Việt chính cống, ngoan hiền. Không như đám con lai bị hất hủi ngày xưa X đã cùng lang bạt.
“Từ con số sáu nút xuống còn năm nút tối thiểu thôi?” Tôi hỏi.
“Dạ, lợi tức thấp thì mấy đứa nhỏ nhà em đi học được ăn trưa miễn phí, chị ơi. Tội gì nuôi tụi da đen mà con mình lại không được quyền lợi gì hết.”
À thì trắng bất lương trắng, đen bất lương đen, vàng bất lương vàng. Những bất lương không ai biết thì đâu có gì là bất lương. Những bất lương nhân danh trẻ em lại càng phải được thông cảm. Nhưng nếu X không bất lương mà khai lợi tức thành thật, phần ăn trưa miễn phí cho con của X sẽ được dành lại cho một đứa trẻ nghèo hơn, để nó không bị đói mà đi ăn cắp kẹo. Lẩn quẩn mãi mà vẫn không cắt xén con số cho vừa ý thân chủ nên tôi từ chối hồ sơ khai thuế của X. Bù lại tôi tặng con chó vàng cầu hên cho họ, để con ky thành con Sky.
Một ngày nọ, trong thời Covid, tôi thấy trên Facebook lời nhắn của K, cô con gái của X. “Sky, you are finally home where you belong.”
Home? Cuối cùng thì Sky đã được chủ nhân cho vô nhà? K dán vô số hình của Sky trên trang cá nhân làm tôi muốn lạc quan, nhưng tôi biết hình ảnh chỉ được chia xẻ nhiều như thế khi có sự mất mát.
Tôi điện thoại cho Th, vợ X, hỏi thăm giữa dịch Covid và tình hình xã hội bất ổn họ có bình yên chăng. Th nói gia đình họ thì bình yên, duy có K thì khổ tâm lắm, vì con chó cưng đã chết.
“Con gái em đang dẫn chó đi dạo ngoài đường thì có thằng Mỹ đen trong xóm chạy tới đá con chó rồi bỏ chạy. Đem đi bác sĩ nhưng không cứu nổi. Con chó có dây cột đàng hoàng!” Giọng Th cao, chát chúa phẫn nộ.
“Trời ơi, chị chưa bao giờ nghe một chuyện dã man như vậy. Em có báo cảnh sát không?” Tôi cũng bị lây giận dữ. “Gọi cảnh sát bắt nó đi, về tội dã man đả thương súc vật.”
“Không, không báo gì hết chị ơi. Thằng Mỹ đen đá rồi chạy mất. Con gái em thì hoảng và buồn quá nên em chỉ muốn cho nó dịu đi thôi.”
Tôi nghe câu chuyện không ổn. Một người ghét chó mèo như tôi cũng không nỡ nào mà đá chết một con chó, đừng nói gì phần đông người ta ai cũng quý chó. Tại sao lại không gọi cảnh sát trình một tội ác ôn như vậy? Tại sao chịu để người khác hại mình như vậy? “Thằng Mỹ đen trong xóm” chạy mất là chạy đi đâu? Th lập đi lập lại cụm từ “thằng Mỹ đen” hiển nhiên là điều đó đã có tác động mạnh như chính cái chết của con chó. Chắc chắn rằng phong trào biểu tình chống kỳ thị vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến quan điểm của tất cả mọi người. Tôi không hỏi dai, vì thấy Th quá xúc động.
Cùng lúc thì họ cũng hiếm hoi tổ chức gặp gỡ bạn bè nhân dịp không ai đi làm trong kỳ Covid. Họ gọi mời tôi và tôi nhận lời, nghĩ rằng con cái họ đã lớn, đã vào đại học, không còn ăn trưa miễn phí ở nhà trường nữa. Trong đám khách độ mười người đó ngoài X và Th ra tôi không quen ai, nhưng tất cả bọn họ đều quen nhau. Họ nói cười sống động, đàn bà hát karaoke, đàn ông nhâm nhi cốc rượu, hỏi nhau mấy vợ rồi. Tại bàn ăn, tay bếp khéo léo là X đã dọn ra ê hề. Rượu nào ly nấy, món nào đĩa nấy. Họ thân nhau vì đồng nghiệp, đồng khẩu vị, đồng chính trị. “Ê, ông bà có đọc tin cho biết số tử vong do Covid thật ra chỉ có 6% thôi không. 94% kia chết vì bịnh lý chính, Covid chỉ là phụ.”
Vợ chồng X bề ngoài xem như hưởng thụ hơn xưa. Chồng phệ bụng hơn, vợ ngăm ngăm màu da phơi nắng. Nhà đông khách, nhưng không thấy bóng dáng mấy đứa con. Một lúc, tôi thoáng thấy K, lẻn ra từ phòng của nó nãy giờ vẫn đóng kín cửa. Hình Sky treo trên tường làm tôi nhớ lại vấn đề. Tôi rời bàn ăn, gọi K lại, hỏi han. Trước sau gì tôi là người đã đem Sky đến cho nó mà.
“Sky bị gì vậy?”
“Ồ, nó chết rồi.”
“Biết rồi. Nhưng vì sao mà chết?”
“Cancer. Bác sĩ nói cancer. Hình như ovarian.”
Nói xong, K lại vội lủi vào một cái phòng khác.
Tôi hiểu cô bé không muốn thuật lại chuyện buồn. Ít nhất câu chuyện của K không đả động gì đến “thằng Mỹ đen”. Nhưng sự khác biệt quá xa giữa hai lời thuật về một câu chuyện làm tôi càng thêm thắc mắc. Ai nói thật? Và tại sao nói dối?
Ở phía bàn ăn, những người đàn bà vẫn đanh thép nói về chính trị và phản chính trị Donald Trump. Rượu vào thì càng thêm hăng hái. Tạ ơn Trump vì những tấm check thất nghiệp còn nhiều hơn lương đi làm. Duy có Th, đằng nào cũng quay về đề tài con chó đã chết, sợ rằng tài lộc của họ cũng vì đó mà suy. Thế là cả bàn ăn lại xúm nhau hỏi.
“Con chó đẹp quá, khôn quá, mà cũng chưa già. Sao chết lạ vậy?”
“Nó bị thằng Mỹ đen đá nó chết.”
“Trời ơi. Đồ súc vật! Tự nhiên mà đá chó người ta chết?”
“Ờ. Con gái tôi dẫn chó đi dạo ngoài đường, tự nhiên có thằng Mỹ đen chạy tới đá cho chết rồi chạy mất.”
Tôi phải hỏi một câu mà không ai chịu hỏi. “Sao không báo cảnh sát?”
“Nó chạy mất rồi chị ơi.” Th hất mặt nói, rồi gạt tay như trình báo là điều không thể.
Cho đến bây giờ thì tôi biết điều đã chạy mất trong câu chuyện không phải là thằng Mỹ đen mà là sự trung thực. Tôi nói thẳng với X, “đúng ra là phải trình cảnh sát.”
Nét mặt đang hào hứng của X vì khí thái chính trị đột nhiên xìu bớt. Mãi X mới nói, “trình gì được, chị biết Sky mà…”
“Không, chị không biết Sky…”
“Nó thấy người lạ là chạy tới chồm lên người ta…”
“À…” Tôi buông tiếng à. Đây là sự thật, hay chỉ là một phần của sự thật mà tôi đang đào tới. “Có nghĩa là Sky cắn người ta trước?”
X xác định nhận xét của tôi bằng sự thinh lặng. Nhưng rồi cố phân bua, “Nó thấy người lạ là xông tới. Nó là chó làm sao phân biệt người là trắng hay đen…”
Tôi nghĩ nếu xử sự như súc vật, bạ ai cũng cắn không phân biệt màu da còn cao hơn xử sự như người, chỉ nhằm màu da đen mà cắn bậy. Lòng kỳ thị làm người ta mù lý lẽ, mù trước công bằng, không phân biệt được giữa sự thật đen, và sự dối trá trắng bóng. Phần sự thật kia mà tôi đang đào tới là nếu tôi ở trong hoàn cảnh bất công thì tôi không thể trông vào những người này đem lại công lý cho tôi.
Tôi không hiểu vì sao họ ghét “thằng Mỹ đen” đến thế? Người ta làm tổn thương gì đến họ?
Tôi không còn muốn theo dõi câu chuyện dù vẫn loáng thoáng những lời phê phán bừa bãi, như bài tiết.
“Con chó nhỏ xíu nó có cắn thì cũng không ai nỡ mà đá nó chết như vậy.”
“Mọi rợ quá, thằng Mỹ đen mà.”
Tôi kiếu về trước mọi người, nhưng không quên quay lại dặn X, “coi chừng thằng Mỹ đen nó báo cảnh sát thưa đền mình, X ạ.”
10/2020
Tôi không phải người yêu thích gia súc, chó mèo gì tôi cũng rất thờ ơ, đến nỗi con chó tôi nuôi thay cho kẻ khác chưa bao giờ chạy ra mừng khi tôi đi làm về. Những con chó mà con tôi đã để lại khi nó vắng nhà tôi phải cho ăn đã là quá lắm, đừng đòi hỏi tôi phải chăm sóc hơn. Mỗi lần nghe ai đó nói chó của họ bị chứng separation anxiety, bồn chồn khi xa chủ, tôi nghĩ chó nhà tôi bị bồn chồn anxiety khi tôi về, xuất hiện từ một xó xỉnh nào đó và, không chờ tôi đuổi, tự động chạy tọt vào chuồng. Con chó đen thui được con tôi đem về từ lúc 6 tuần, ai ngờ trước được nó lớn xù, nặng cả trăm cân. Mỗi lần tôi mắng con vì nó không hỏi ý tôi trước, nó nói, “tội nghiệp con chó mà Muva, không ai muốn đem nó về vì nó đen.” Và tôi sẽ nói lại như mọi người mẹ sẽ nói lại, lúc nào nó cũng chỉ tội nghiệp chó mà không biết tội nghiệp mẹ. Vậy mà chỉ một lần duy nhất trong đời, mười mấy năm trước, tôi đi tìm mua một con chó nhỏ xíu, giống rat terrier, làm quà cho đứa con gái của một cặp vợ chồng tôi quen, chi vì cô bé khi đến nhà tôi chơi đã nựng nịu hoài lúc đó là một con chó đen khác nữa, cũng bị người khác phế thải, mà tôi cũng rất ghét. Tôi mua cho cô bé con chó con mới chỉ biết uống sữa, lông vàng để lấy hên, được cô chủ đặt tên ngay là Sky. Tên đặc biệt rõ ràng đâu ra đó, Sky chứ không phải lúc nào cũng ky ky như kiểu tôi. Chó vàng thì hên, người ta tin vậy. Chó đen thì xui, cái gì đen là xui, chẳng ai muốn.
Trải qua nhiều năm, mỗi khi tôi đến thăm vợ chồng này, lần nào tôi cũng ra sân sau xem thằng Sky lớn khôn tới đâu. Sky không được ở trong nhà, dù nó chỉ bằng một phần mười mối nợ của tôi. Thế mới biết nựng chó người thì thích. Làm chủ một con chó là cả một trách nhiệm, vì không ai muốn đi dọn bài tiết của chó trong nhà, đặc biệt là một căn nhà sang trọng. Rất có thể Sky, vì màu vàng, đã đem lại tài lộc cho chủ, vì càng lúc càng thấy họ phát đạt hơn. Nhưng lợi cho người mà hại cho chó, vì Sky dường như không hề được đặt chân vào trong căn nhà sang trọng ấy một ngày nào, nắng mưa nóng lạnh gì cũng ở xó sân sau. Rat terrier chỉ to bằng mèo nhưng dữ như… chó. Sky sủa không dứt khi thấy người lạ, gầm gừ hở hai hàm răng nanh tí hon. Có lúc tôi thấy hối vì đã đem Sky vào nhà này. Tôi định lúc nào tiện tôi sẽ xin lại con chó, đem về cho nó ở trong nhà, tránh được cho nó những ngày hè Texas, khi mặt sân xi-măng nóng đến phỏng chân những con chó hoang.
Tội nghiệp con chó nên tôi nghĩ thế thôi, biết rằng loài chó trung thành với chủ, về với tôi dù có được ở trong nhà, mở mang con đường sinh nhai, chưa chắc nó sẽ cho đó là một tiến bộ. Vì dù thân phận chó không được ở chung nhà với người, và dù cái đĩa đồ ăn chó góc sân vẫn nhắc nhở thân phận chó, Sky vẫn được chủ đem đi mỹ viện chó để cắt móng chân, hớt lông, và trị bọ. Lâu lâu, Sky được ông chủ dẫn đi bộ trong khu xóm, khu ngoại ô mới xây, gần thượng lưu hơn trung lưu, dân cư dù đa chủng nhưng nghiêng hơn về màu nhạt nhạt. Chính X cũng là một người Việt lai da trắng, sang đây theo diện con lai theo chương trình nhân đạo của Mỹ vào mấy thập niên trước. X nói với tôi, “em dọn về đây cho an toàn chị à, ít Mễ và đen.” Tôi nghe thì gật đầu ừ hử. An toàn mà hình như cũng không bớt được cường độ đề phòng. X dẫn chó đi bộ ngoài đường hay để ý những phần tử cho là đáng nghi, đứng khựng lại khi nhận ra một kẻ khả nghi. Tôi không rõ chó có khả năng phân biệt màu da bằng thị giác không, hay bằng khướu giác. Mỗi khi X đứng khựng lại, theo thói quen, và bằng khướu giác, con sky sky dần dần sẽ phân biệt được ai là kẻ khả nghi. Vì theo X nhận xét, người da đen tiết ra một mùi rất dị biệt.
Tôi nhắc về X là một người Việt lai trắng, để hy vọng thông cảm lý do tại sao X rất bén nhạy phần tử đáng nghi, vì chính X đã phải tiếp nhận sự ngược đãi khắc nghiệt của xã hội Việt Nam đối với những đứa con lai, một sự kỳ thị bây giờ vẫn như ghẻ đóng vẩy. Qua Mỹ, X bắt đầu từ chỗ khiêm tốn, làm công bán hàng cho tiệm tạp hóa nhỏ trong khu nghèo. Bán thuốc lá lẻ, bia lẻ, rượu lẻ cho người ít tiền. Bán lẻ và bán chịu thì mau khá, nhưng lúc nào cũng phải đề phòng bọn Mỹ đen quỵt nợ và ăn cắp vặt. X than với tôi, ngày nào X cũng phải rượt đuổi bọn con nít da đen mỗi khi tan trường kéo vào tiệm ăn cắp kẹo. X than với tôi, bọn đen ăn hại, nhỏ bất lương nhỏ, lớn bất lương lớn. Để bù lại mất mát, X tính đắt gấp đôi những điếu thuốc bán lẻ, những ngụm rượu lẻ. Vậy mà cũng khá. X đã làm chủ tiệm.
Làm chủ tiệm, X đến tôi nhờ khai thuế.
“Chị làm thế nào khai dùm em lợi tức mười ngàn thôi nha, chị.”
Mối quan hệ giữa tôi và vợ chồng X bắt đầu từ đây. Vợ X là Th, người Việt chính cống. X luôn thấy may mắn lấy được người Việt chính cống, ngoan hiền. Không như đám con lai bị hất hủi ngày xưa X đã cùng lang bạt.
“Từ con số sáu nút xuống còn năm nút tối thiểu thôi?” Tôi hỏi.
“Dạ, lợi tức thấp thì mấy đứa nhỏ nhà em đi học được ăn trưa miễn phí, chị ơi. Tội gì nuôi tụi da đen mà con mình lại không được quyền lợi gì hết.”
À thì trắng bất lương trắng, đen bất lương đen, vàng bất lương vàng. Những bất lương không ai biết thì đâu có gì là bất lương. Những bất lương nhân danh trẻ em lại càng phải được thông cảm. Nhưng nếu X không bất lương mà khai lợi tức thành thật, phần ăn trưa miễn phí cho con của X sẽ được dành lại cho một đứa trẻ nghèo hơn, để nó không bị đói mà đi ăn cắp kẹo. Lẩn quẩn mãi mà vẫn không cắt xén con số cho vừa ý thân chủ nên tôi từ chối hồ sơ khai thuế của X. Bù lại tôi tặng con chó vàng cầu hên cho họ, để con ky thành con Sky.
Một ngày nọ, trong thời Covid, tôi thấy trên Facebook lời nhắn của K, cô con gái của X. “Sky, you are finally home where you belong.”
Home? Cuối cùng thì Sky đã được chủ nhân cho vô nhà? K dán vô số hình của Sky trên trang cá nhân làm tôi muốn lạc quan, nhưng tôi biết hình ảnh chỉ được chia xẻ nhiều như thế khi có sự mất mát.
Tôi điện thoại cho Th, vợ X, hỏi thăm giữa dịch Covid và tình hình xã hội bất ổn họ có bình yên chăng. Th nói gia đình họ thì bình yên, duy có K thì khổ tâm lắm, vì con chó cưng đã chết.
“Con gái em đang dẫn chó đi dạo ngoài đường thì có thằng Mỹ đen trong xóm chạy tới đá con chó rồi bỏ chạy. Đem đi bác sĩ nhưng không cứu nổi. Con chó có dây cột đàng hoàng!” Giọng Th cao, chát chúa phẫn nộ.
“Trời ơi, chị chưa bao giờ nghe một chuyện dã man như vậy. Em có báo cảnh sát không?” Tôi cũng bị lây giận dữ. “Gọi cảnh sát bắt nó đi, về tội dã man đả thương súc vật.”
“Không, không báo gì hết chị ơi. Thằng Mỹ đen đá rồi chạy mất. Con gái em thì hoảng và buồn quá nên em chỉ muốn cho nó dịu đi thôi.”
Tôi nghe câu chuyện không ổn. Một người ghét chó mèo như tôi cũng không nỡ nào mà đá chết một con chó, đừng nói gì phần đông người ta ai cũng quý chó. Tại sao lại không gọi cảnh sát trình một tội ác ôn như vậy? Tại sao chịu để người khác hại mình như vậy? “Thằng Mỹ đen trong xóm” chạy mất là chạy đi đâu? Th lập đi lập lại cụm từ “thằng Mỹ đen” hiển nhiên là điều đó đã có tác động mạnh như chính cái chết của con chó. Chắc chắn rằng phong trào biểu tình chống kỳ thị vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến quan điểm của tất cả mọi người. Tôi không hỏi dai, vì thấy Th quá xúc động.
Cùng lúc thì họ cũng hiếm hoi tổ chức gặp gỡ bạn bè nhân dịp không ai đi làm trong kỳ Covid. Họ gọi mời tôi và tôi nhận lời, nghĩ rằng con cái họ đã lớn, đã vào đại học, không còn ăn trưa miễn phí ở nhà trường nữa. Trong đám khách độ mười người đó ngoài X và Th ra tôi không quen ai, nhưng tất cả bọn họ đều quen nhau. Họ nói cười sống động, đàn bà hát karaoke, đàn ông nhâm nhi cốc rượu, hỏi nhau mấy vợ rồi. Tại bàn ăn, tay bếp khéo léo là X đã dọn ra ê hề. Rượu nào ly nấy, món nào đĩa nấy. Họ thân nhau vì đồng nghiệp, đồng khẩu vị, đồng chính trị. “Ê, ông bà có đọc tin cho biết số tử vong do Covid thật ra chỉ có 6% thôi không. 94% kia chết vì bịnh lý chính, Covid chỉ là phụ.”
Vợ chồng X bề ngoài xem như hưởng thụ hơn xưa. Chồng phệ bụng hơn, vợ ngăm ngăm màu da phơi nắng. Nhà đông khách, nhưng không thấy bóng dáng mấy đứa con. Một lúc, tôi thoáng thấy K, lẻn ra từ phòng của nó nãy giờ vẫn đóng kín cửa. Hình Sky treo trên tường làm tôi nhớ lại vấn đề. Tôi rời bàn ăn, gọi K lại, hỏi han. Trước sau gì tôi là người đã đem Sky đến cho nó mà.
“Sky bị gì vậy?”
“Ồ, nó chết rồi.”
“Biết rồi. Nhưng vì sao mà chết?”
“Cancer. Bác sĩ nói cancer. Hình như ovarian.”
Nói xong, K lại vội lủi vào một cái phòng khác.
Tôi hiểu cô bé không muốn thuật lại chuyện buồn. Ít nhất câu chuyện của K không đả động gì đến “thằng Mỹ đen”. Nhưng sự khác biệt quá xa giữa hai lời thuật về một câu chuyện làm tôi càng thêm thắc mắc. Ai nói thật? Và tại sao nói dối?
Ở phía bàn ăn, những người đàn bà vẫn đanh thép nói về chính trị và phản chính trị Donald Trump. Rượu vào thì càng thêm hăng hái. Tạ ơn Trump vì những tấm check thất nghiệp còn nhiều hơn lương đi làm. Duy có Th, đằng nào cũng quay về đề tài con chó đã chết, sợ rằng tài lộc của họ cũng vì đó mà suy. Thế là cả bàn ăn lại xúm nhau hỏi.
“Con chó đẹp quá, khôn quá, mà cũng chưa già. Sao chết lạ vậy?”
“Nó bị thằng Mỹ đen đá nó chết.”
“Trời ơi. Đồ súc vật! Tự nhiên mà đá chó người ta chết?”
“Ờ. Con gái tôi dẫn chó đi dạo ngoài đường, tự nhiên có thằng Mỹ đen chạy tới đá cho chết rồi chạy mất.”
Tôi phải hỏi một câu mà không ai chịu hỏi. “Sao không báo cảnh sát?”
“Nó chạy mất rồi chị ơi.” Th hất mặt nói, rồi gạt tay như trình báo là điều không thể.
Cho đến bây giờ thì tôi biết điều đã chạy mất trong câu chuyện không phải là thằng Mỹ đen mà là sự trung thực. Tôi nói thẳng với X, “đúng ra là phải trình cảnh sát.”
Nét mặt đang hào hứng của X vì khí thái chính trị đột nhiên xìu bớt. Mãi X mới nói, “trình gì được, chị biết Sky mà…”
“Không, chị không biết Sky…”
“Nó thấy người lạ là chạy tới chồm lên người ta…”
“À…” Tôi buông tiếng à. Đây là sự thật, hay chỉ là một phần của sự thật mà tôi đang đào tới. “Có nghĩa là Sky cắn người ta trước?”
X xác định nhận xét của tôi bằng sự thinh lặng. Nhưng rồi cố phân bua, “Nó thấy người lạ là xông tới. Nó là chó làm sao phân biệt người là trắng hay đen…”
Tôi nghĩ nếu xử sự như súc vật, bạ ai cũng cắn không phân biệt màu da còn cao hơn xử sự như người, chỉ nhằm màu da đen mà cắn bậy. Lòng kỳ thị làm người ta mù lý lẽ, mù trước công bằng, không phân biệt được giữa sự thật đen, và sự dối trá trắng bóng. Phần sự thật kia mà tôi đang đào tới là nếu tôi ở trong hoàn cảnh bất công thì tôi không thể trông vào những người này đem lại công lý cho tôi.
Tôi không hiểu vì sao họ ghét “thằng Mỹ đen” đến thế? Người ta làm tổn thương gì đến họ?
Tôi không còn muốn theo dõi câu chuyện dù vẫn loáng thoáng những lời phê phán bừa bãi, như bài tiết.
“Con chó nhỏ xíu nó có cắn thì cũng không ai nỡ mà đá nó chết như vậy.”
“Mọi rợ quá, thằng Mỹ đen mà.”
Tôi kiếu về trước mọi người, nhưng không quên quay lại dặn X, “coi chừng thằng Mỹ đen nó báo cảnh sát thưa đền mình, X ạ.”
10/2020