~ THẬN NHIÊN ~
trích đoạn tiểu thuyết Những Ghi Chép Ở Tầng Thứ 14
Tôi xin được chân dạy Anh văn cho một trung tâm sinh ngữ trong thành phố. Mỗi ngày ba lớp, mỗi lớp hai giờ. Tôi không có nhiều nhu cầu nên chỉ với số tiền lương thì cũng tạm đủ sống mà không tiêu lậm vào số tiền mang theo từ Mỹ về. Ngoài hai lớp ban ngày, còn một lớp phải dạy vào buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ. Dạy xong, có khi tôi chạy thẳng về nhà, có khi ghé lại ăn tối hay la cà ở một quán nào đó, thường là ở khu Tây ba-lô, uống chai bia và tán nhảm với bọn khách du lịch bụi đến khuya mới về.
trích đoạn tiểu thuyết Những Ghi Chép Ở Tầng Thứ 14
Tôi xin được chân dạy Anh văn cho một trung tâm sinh ngữ trong thành phố. Mỗi ngày ba lớp, mỗi lớp hai giờ. Tôi không có nhiều nhu cầu nên chỉ với số tiền lương thì cũng tạm đủ sống mà không tiêu lậm vào số tiền mang theo từ Mỹ về. Ngoài hai lớp ban ngày, còn một lớp phải dạy vào buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ. Dạy xong, có khi tôi chạy thẳng về nhà, có khi ghé lại ăn tối hay la cà ở một quán nào đó, thường là ở khu Tây ba-lô, uống chai bia và tán nhảm với bọn khách du lịch bụi đến khuya mới về.
Những đêm mưa, ngà ngà say, dưới vòm cây, cành lá trĩu nước hạ xuống thật thấp, tôi trùm kín áo mưa, người và chiếc xe từ từ lún vào con đường sâu hun hút không đèn. Thỉnh thoảng những chiếc xe tải lớn chạy sát rạt kề bên vượt qua mặt, nước ngập từ dưới mặt đường bắn xối lên nhòa tròng kính, tôi loạng choạng. Khi đó, thời gian chờ cho chiếc xe tải chạy vượt qua hẳn dài vô tận, như cú rơi dài vô tận trong cơn mơ. Cái chết thật gần và dễ dàng quá, tôi lẩm nhẩm trong đầu bài kinh Lạy Cha.
Một đêm nọ, sau khi dạy xong, ghé lại quán quen ăn tối và uống ly rượu, trên đường về nhà, tôi gặp người phụ nữ ấy.
Cây cầu sơn đỏ, cao và dài, bắc qua con rạch lớn, bên dưới dập dềnh bèo rác, nước đêm cường triều dâng cao.
Tôi thấy cô từ xa dưới ánh đèn đường. Có lẽ là một cô gái trẻ. Khác với những cô gái điếm đứng lấp ló dưới tán cây trong vệ đường vẫy tay mời khách, cô ngồi chênh vênh trên thành cầu, mái tóc thả ngang lưng xoay về hướng lòng đường, mặt quay ra khoảng không tối đen dưới cầu. Giờ này đã khuya, đường vắng ngắt, sao có người còn ngồi đây, tôi ngạc nhiên.
Tôi giảm tay ga, khi còn cách cô chừng 50 mét, và cẩn thận chạy xe lấn ra giữa lòng đường. Tôi được dạy rằng vào ban đêm đừng dừng xe lại khi đường vắng dù có thấy điều khác thường, vì có thể trở thành nạn nhân của một màn kịch của bọn cướp. Khi còn cách nhau chừng 20 mét, tôi thấy người phụ nữ quay lại nhìn tôi, rồi đột nhiên cô chống tay chồm dậy rồi đứng thẳng người lên thành cầu, hai tay dang ra chệnh choạng trong tư thế lấy thăng bằng. Có vẻ như cô đang nói to một điều gì đó, với tôi, nhưng gió thổi bạt đi. Cô muốn đi nhờ xe chăng? Không phải, người xin đi nhờ xe sẽ không làm như vậy.
Cô muốn tôi chứng kiến điều sắp làm? Đúng vậy, người phụ nữ này đang muốn tôi chứng kiến điều cô sắp làm.
Tôi thắng xe lại. Chỉ còn cách nhau chừng bảy mét. Tôi chưa kịp hiểu ra.
Điều này không có thật, không thể có thật. Người phụ nữ đứng trên thành cầu kia không thể có thật. Tôi đã say rồi. Trước mắt tôi là một ảo ảnh, phi lý và hoang đường, dứt khoát là vậy.
Tôi nhắm mắt lại, định thần. Tin rằng mình nhầm. Tin rằng đây không phải là sự thật. Tin rằng mình chỉ hoa mắt. Tin rằng khi mở mắt ra thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, cơn hoa mắt chấm dứt, ảo ảnh trước mắt sẽ biến mất.
Tôi mở mắt ra thật nhanh.
Biến mất!
Sau thành cầu là một khoảng trống, tối đen, gió lùa hun hút. Không còn ai ở đó, không một bóng dáng con người nào trước mắt tôi.
Không còn gì cả ngoài một đôi dép bị để lại ngay dưới vệ đường.
Tôi rùng mình. Một cơn ớn lạnh làm tôi tê liệt. Không thể quyết định nên làm gì, xuống xe hay chạy luôn. Tôi gạt chân chống. Cả hai đầu cầu vẫn chưa có ai chạy lên. Tôi xuống xe, bước lại, nhìn xuống, ánh sáng quá yếu không đủ soi xuống dòng nước sâu bên dưới. Tối đen, tôi không thể thấy gì cả. Tôi gào lớn, “Cô ơiiiiiiiii…! Cô ơiiiiiii….” Tôi nghe tiếng gọi của mình chìm mất vô tăm tích.
Người rơi từ đây xuống thì còn sống không? Cô ấy còn sống không?
Tôi không nghĩ rằng cô có thể còn sống. Từ thành cầu xuống đến mặt nước là một khoảng cách lớn. Tôi nhớ bên dưới có những mố cầu bằng bê-tông và khung thép. Tôi không nghe một tiếng động nào của sự sống từ bên dưới vọng lên ngoài tiếng nước chảy róc rách.
Vẫn chưa có ai lên cầu. Vắng ngắt. Chỉ mình tôi đứng đây. Và đôi dép.
Tôi cúi nhìn. Hai chiếc dép nằm song song bên nhau, mũi hướng ra đường. Có lẽ cô gái đã ngồi nhìn vào lòng đường trước khi đổi thế ngồi nhìn ra khoảng tối. Chúng là loại dép nhựa, loại quai kẹp thông thường, màu xanh dương, có in những ô nhỏ bằng những màu vàng sáng, và còn mới. Nếu không có đôi dép thì hẳn là tôi không tin rằng chuyện này có thật.
Một người vừa tự tử ngay trước mắt tôi. Mà có phải cô ấy tự tử hay không? Hay đây là một tai nạn. Hay đây là một tai nạn? Cô chỉ đứng lên thành cầu vì một lý do gì đó và tôi chính là nguyên nhân làm cho cô hoảng sợ mà té ngã.
Mình phải làm gì đây? Dường như có một thứ linh khí kỳ dị, một thứ hơi lạnh, tỏa ra từ hai chiếc dép làm tôi không dám nhìn lâu. Chúng là di vật. Là dấu vết còn lại của một con người. Cái con người mà cách đây dăm phút còn sống, còn thở, còn vui buồn, còn đau khổ, ở ngay tại đây, ngay trước mắt tôi, rồi biến mất.
Tôi mong sao có một ai đó chạy lên cầu. Tôi sẽ chặn họ lại, thông báo mọi chuyện, và xin một lời khuyên tôi phải làm gì. Rồi tôi hiểu ra rằng mình không cần lời khuyên đó. Cái tôi cần là sự chia sẻ, sự làm chứng, cho lương tâm tôi bớt day dứt vì ý nghĩ mình vừa tham gia vào việc kết thúc sinh mệnh của một con người.
Tôi bần thần lúc lâu. Vẫn chưa có ai chạy lên cầu. Sẽ có người chạy lên cầu vào giờ này hay không? Sao lâu vậy? Tôi ngoái nhìn cả hai chiều. Hai bên, dưới dốc cầu, vẫn hun hút sâu, không một ánh đèn xe.
Cô gái có tự tử hay không? Hay là một tai nạn mà tôi là nguyên nhân? Những câu hỏi bật ra trong đầu tôi. Tôi chỉ dừng xe lại thôi mà. Tôi hoàn toàn không có một chủ ý gì cả. Tại sao tôi không vặn tay ga, tăng tốc, chạy thẳng luôn, mặc mọi chuyện? Tại sao cô không “biến mất” trước một người nào khác thay vì trước tôi? Tôi chỉ nhắm mắt rồi mở mắt thôi mà. Tại sao cô không mang luôn đôi dép theo mà để chúng lại dưới thành cầu làm chi? Nếu không có sự hiện hữu của đôi dép thì dễ dàng cho tôi quá, tôi sẽ tin ngay rằng cô chỉ là một ảo ảnh, là tôi bị chứng ảo giác dưới tác động của men rượu, và tôi sẽ quên mọi chuyện ngay. Như quên một con ma. Như mọi sinh linh trên đất nước này. Mọi sinh linh trên đất nước này đều là những vong linh dật dờ chưa siêu thoát.
Cây cầu vẫn vắng ngắt. Tôi phải chờ bao lâu nữa đây? Liệu sẽ có ai lên cầu hay không? Liệu họ có dừng lại nghe tôi nói hay không? Tôi sẽ nói với họ như thế nào? Họ có tin lời tôi không? Nếu họ nghĩ rằng đây là án mạng, cô gái là một cô điếm, tôi là khách tìm hoa, và vì không thỏa mãn với nhau về giá cả hay thỏa thuận gì đó mà tôi ra tay giết cô ấy rồi đặt chuyện thì sao? Liệu sẽ có ai biết được sự hiện diện của tôi, sự chứng kiến của tôi, trước cái chết của cô không?
Và sau cùng, nếu bây giờ tôi giả vờ như không có điều gì xảy ra cả, và chạy về nhà, và quên đi mọi chuyện thì sao?
Tôi có nên làm như vậy hay không?
Bất giác, tôi cúi xuống lần nữa. Tôi nhặt đôi dép lên. Thật ra, tôi nhón hai quai dép lên bằng đầu ngón tay.
Tôi có cảm giác như đang nhặt lên hai sinh vật chứ không chỉ là hai vật thể bằng nhựa. Chúng trơn, nhơn nhớt. Chúng đang phập phồng thở, thở nhè nhẹ. Chúng là hai sinh vật còn sống, và có linh hồn.
Tôi trở lại xe, bỏ đôi dép vào ba-lô, khoác lên vai, nổ máy, phóng xuống dốc cầu. Tôi cố chạy với một tốc độ bình thường. Con đường vẫn vắng ngắt. Cách cầu một cây số là đồn công an xã còn để sáng đèn. Tôi giảm tốc độ lại khi chạy ngang, nhưng không dừng lại. Tôi chạy thẳng về chung cư. (TN)
Một đêm nọ, sau khi dạy xong, ghé lại quán quen ăn tối và uống ly rượu, trên đường về nhà, tôi gặp người phụ nữ ấy.
Cây cầu sơn đỏ, cao và dài, bắc qua con rạch lớn, bên dưới dập dềnh bèo rác, nước đêm cường triều dâng cao.
Tôi thấy cô từ xa dưới ánh đèn đường. Có lẽ là một cô gái trẻ. Khác với những cô gái điếm đứng lấp ló dưới tán cây trong vệ đường vẫy tay mời khách, cô ngồi chênh vênh trên thành cầu, mái tóc thả ngang lưng xoay về hướng lòng đường, mặt quay ra khoảng không tối đen dưới cầu. Giờ này đã khuya, đường vắng ngắt, sao có người còn ngồi đây, tôi ngạc nhiên.
Tôi giảm tay ga, khi còn cách cô chừng 50 mét, và cẩn thận chạy xe lấn ra giữa lòng đường. Tôi được dạy rằng vào ban đêm đừng dừng xe lại khi đường vắng dù có thấy điều khác thường, vì có thể trở thành nạn nhân của một màn kịch của bọn cướp. Khi còn cách nhau chừng 20 mét, tôi thấy người phụ nữ quay lại nhìn tôi, rồi đột nhiên cô chống tay chồm dậy rồi đứng thẳng người lên thành cầu, hai tay dang ra chệnh choạng trong tư thế lấy thăng bằng. Có vẻ như cô đang nói to một điều gì đó, với tôi, nhưng gió thổi bạt đi. Cô muốn đi nhờ xe chăng? Không phải, người xin đi nhờ xe sẽ không làm như vậy.
Cô muốn tôi chứng kiến điều sắp làm? Đúng vậy, người phụ nữ này đang muốn tôi chứng kiến điều cô sắp làm.
Tôi thắng xe lại. Chỉ còn cách nhau chừng bảy mét. Tôi chưa kịp hiểu ra.
Điều này không có thật, không thể có thật. Người phụ nữ đứng trên thành cầu kia không thể có thật. Tôi đã say rồi. Trước mắt tôi là một ảo ảnh, phi lý và hoang đường, dứt khoát là vậy.
Tôi nhắm mắt lại, định thần. Tin rằng mình nhầm. Tin rằng đây không phải là sự thật. Tin rằng mình chỉ hoa mắt. Tin rằng khi mở mắt ra thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, cơn hoa mắt chấm dứt, ảo ảnh trước mắt sẽ biến mất.
Tôi mở mắt ra thật nhanh.
Biến mất!
Sau thành cầu là một khoảng trống, tối đen, gió lùa hun hút. Không còn ai ở đó, không một bóng dáng con người nào trước mắt tôi.
Không còn gì cả ngoài một đôi dép bị để lại ngay dưới vệ đường.
Tôi rùng mình. Một cơn ớn lạnh làm tôi tê liệt. Không thể quyết định nên làm gì, xuống xe hay chạy luôn. Tôi gạt chân chống. Cả hai đầu cầu vẫn chưa có ai chạy lên. Tôi xuống xe, bước lại, nhìn xuống, ánh sáng quá yếu không đủ soi xuống dòng nước sâu bên dưới. Tối đen, tôi không thể thấy gì cả. Tôi gào lớn, “Cô ơiiiiiiiii…! Cô ơiiiiiii….” Tôi nghe tiếng gọi của mình chìm mất vô tăm tích.
Người rơi từ đây xuống thì còn sống không? Cô ấy còn sống không?
Tôi không nghĩ rằng cô có thể còn sống. Từ thành cầu xuống đến mặt nước là một khoảng cách lớn. Tôi nhớ bên dưới có những mố cầu bằng bê-tông và khung thép. Tôi không nghe một tiếng động nào của sự sống từ bên dưới vọng lên ngoài tiếng nước chảy róc rách.
Vẫn chưa có ai lên cầu. Vắng ngắt. Chỉ mình tôi đứng đây. Và đôi dép.
Tôi cúi nhìn. Hai chiếc dép nằm song song bên nhau, mũi hướng ra đường. Có lẽ cô gái đã ngồi nhìn vào lòng đường trước khi đổi thế ngồi nhìn ra khoảng tối. Chúng là loại dép nhựa, loại quai kẹp thông thường, màu xanh dương, có in những ô nhỏ bằng những màu vàng sáng, và còn mới. Nếu không có đôi dép thì hẳn là tôi không tin rằng chuyện này có thật.
Một người vừa tự tử ngay trước mắt tôi. Mà có phải cô ấy tự tử hay không? Hay đây là một tai nạn. Hay đây là một tai nạn? Cô chỉ đứng lên thành cầu vì một lý do gì đó và tôi chính là nguyên nhân làm cho cô hoảng sợ mà té ngã.
Mình phải làm gì đây? Dường như có một thứ linh khí kỳ dị, một thứ hơi lạnh, tỏa ra từ hai chiếc dép làm tôi không dám nhìn lâu. Chúng là di vật. Là dấu vết còn lại của một con người. Cái con người mà cách đây dăm phút còn sống, còn thở, còn vui buồn, còn đau khổ, ở ngay tại đây, ngay trước mắt tôi, rồi biến mất.
Tôi mong sao có một ai đó chạy lên cầu. Tôi sẽ chặn họ lại, thông báo mọi chuyện, và xin một lời khuyên tôi phải làm gì. Rồi tôi hiểu ra rằng mình không cần lời khuyên đó. Cái tôi cần là sự chia sẻ, sự làm chứng, cho lương tâm tôi bớt day dứt vì ý nghĩ mình vừa tham gia vào việc kết thúc sinh mệnh của một con người.
Tôi bần thần lúc lâu. Vẫn chưa có ai chạy lên cầu. Sẽ có người chạy lên cầu vào giờ này hay không? Sao lâu vậy? Tôi ngoái nhìn cả hai chiều. Hai bên, dưới dốc cầu, vẫn hun hút sâu, không một ánh đèn xe.
Cô gái có tự tử hay không? Hay là một tai nạn mà tôi là nguyên nhân? Những câu hỏi bật ra trong đầu tôi. Tôi chỉ dừng xe lại thôi mà. Tôi hoàn toàn không có một chủ ý gì cả. Tại sao tôi không vặn tay ga, tăng tốc, chạy thẳng luôn, mặc mọi chuyện? Tại sao cô không “biến mất” trước một người nào khác thay vì trước tôi? Tôi chỉ nhắm mắt rồi mở mắt thôi mà. Tại sao cô không mang luôn đôi dép theo mà để chúng lại dưới thành cầu làm chi? Nếu không có sự hiện hữu của đôi dép thì dễ dàng cho tôi quá, tôi sẽ tin ngay rằng cô chỉ là một ảo ảnh, là tôi bị chứng ảo giác dưới tác động của men rượu, và tôi sẽ quên mọi chuyện ngay. Như quên một con ma. Như mọi sinh linh trên đất nước này. Mọi sinh linh trên đất nước này đều là những vong linh dật dờ chưa siêu thoát.
Cây cầu vẫn vắng ngắt. Tôi phải chờ bao lâu nữa đây? Liệu sẽ có ai lên cầu hay không? Liệu họ có dừng lại nghe tôi nói hay không? Tôi sẽ nói với họ như thế nào? Họ có tin lời tôi không? Nếu họ nghĩ rằng đây là án mạng, cô gái là một cô điếm, tôi là khách tìm hoa, và vì không thỏa mãn với nhau về giá cả hay thỏa thuận gì đó mà tôi ra tay giết cô ấy rồi đặt chuyện thì sao? Liệu sẽ có ai biết được sự hiện diện của tôi, sự chứng kiến của tôi, trước cái chết của cô không?
Và sau cùng, nếu bây giờ tôi giả vờ như không có điều gì xảy ra cả, và chạy về nhà, và quên đi mọi chuyện thì sao?
Tôi có nên làm như vậy hay không?
Bất giác, tôi cúi xuống lần nữa. Tôi nhặt đôi dép lên. Thật ra, tôi nhón hai quai dép lên bằng đầu ngón tay.
Tôi có cảm giác như đang nhặt lên hai sinh vật chứ không chỉ là hai vật thể bằng nhựa. Chúng trơn, nhơn nhớt. Chúng đang phập phồng thở, thở nhè nhẹ. Chúng là hai sinh vật còn sống, và có linh hồn.
Tôi trở lại xe, bỏ đôi dép vào ba-lô, khoác lên vai, nổ máy, phóng xuống dốc cầu. Tôi cố chạy với một tốc độ bình thường. Con đường vẫn vắng ngắt. Cách cầu một cây số là đồn công an xã còn để sáng đèn. Tôi giảm tốc độ lại khi chạy ngang, nhưng không dừng lại. Tôi chạy thẳng về chung cư. (TN)