*Tặng Trần Quốc Bảo, người vác sân khấu đi khắp nơi…
Bốn mươi bốn năm đã trôi qua kể từ ngày “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời”, Sài Gòn dường như bỗng trở về quá thênh thang qua đêm nhạc hội “Sài Gòn Màu Kỷ Niệm” vào hôm Chủ Nhật, 1 tháng Chín 2019 tại nhà hàng Golden Sea ở Anaheim, California, quy tụ hơn 50 ca, nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh và giới showbiz Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 trên sân khấu và gần 600 khán giả ái mộ ngồi kín cả nhà hàng.
Mở đầu phần ca nhạc, sau lời giới thiệu của MC Như Hảo, người cùng với Trần Quốc Bảo điều hợp chương trình đêm nhạc hội, nữ ca sĩ Phượng Khanh đã đưa khán giả về với bao kỷ niệm xa xưa trong ca khúc “Ru Con Tình Cũ” của Đynh Trầm Ca, kể lể nỗi niềm của một người tình lỡ mà như muốn khơi gợi lại tâm tình thương nhớ Sài Gòn bao năm qua rồi. “Người yêu của lính” Ngọc Minh tiếp nối chương trình với một nhạc phẩm của Phạm Thế Mỹ, “Tóc Mây”. Người nữ ca sĩ dễ mến đó còn ngỏ ý muốn được thấy những cuộc hội ngộ của giới văn nghệ sĩ trước năm 1975 như thế này được tổ chức thường xuyên hơn trên các sân sân khấu hải ngoại. Khán giả cũng được dịp thưởng thức giọng hát tuyệt vời của Connie Kim trong ca khúc nổi tiếng của cô từ trước năm 1975, đó là “Túp Lều Lý Tưởng”, sáng tác của Hoàng Thi Thơ.
Nữ ca sĩ “mắt nai” kiêm nữ diễn viên Thanh Mai của cặp song ca Thanh Mai-Quốc Dũng, dù qua bao tháng năm vật đổi sao dời, vẫn trẻ trung hoài qua ca khúc “Khi Ta Hai Mươi” (“Pendant Les Vacances, lời Pháp của Sheila, lời Việt của Trường Kỳ). Và khán giả không thể nào quên được Lan Ngọc, người nữ ca sĩ có đôi mắt to đen lay láy của các phòng trà ca nhạc Sài Gòn năm xưa, khi cô bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Nửa Hồn Thương Đau”, sáng tác của Phạm Đình Chương. Sau phần chiếu phim Hội Chợ Expo Quốc Tế Osaka (1970) tại Nhật với sự tham dự của Đoàn Văn Nghệ Việt Nam, 7 nữ vũ công duyên dáng của vũ trường Maxim (Xuân Trang, Cát Phương, Thùy Linh, Kim Xuân, Kim Thu, Thanh Dung, và Hạnh Nguyễn) được mời lên sân khấu, để rồi cùng với hàng chục nữ ca sĩ khác (như Mỹ Lệ, Phượng Khanh, Linh Phương, Hải Lan, Đan Thanh, Ngọc Hiếu, Kiều Mỹ Loan, Thanh Mỹ, Thanh Châu, Lệ Uyên, Kim Oanh…), tất cả đồng ca bài “Cô Gái Việt” của Hùng Lân, một nhạc phầm ngợi ca người phụ nữ thời Việt Nam Cộng Hòa, vừa dịu hiền, đảm đang việc nhà vừa xông xáo bước ra phụng sự xã hội, một ca khúc được coi là không thể thiếu trong mọi buổi sinh hoạt phụ nữ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà tại Miền Nam Việt Nam.
Đặc biệt, trong đêm nhạc hội có sự xuất hiện và trình diễn của nữ ca sĩ Mary Linh, tiếng hát sống động của ban Khánh Băng-Phùng Trọng hồi thập niên 1960 đến từ Houston, Texas, qua ca khúc “I Cannot Stop Loving You” của Don Gibson. Kế đó, “Ba Con Mèo” Uyên Ly, Kim Anh và Minh Xuân bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Đêm Đô Thị” của Y Vân sau khi slideshow “Đêm Đô Thị” được chiếu lên cho khán giả xem cảnh “màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng” tại thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa. Nữ ca sĩ Minh Xuân của cặp song ca Minh Xuân-Minh Phúc, trình bày ca khúc “Một Thời Để Yêu”, tức “Les Amoureux Qui Passent” của Christophe với lời Việt của Nam Lộc, như để tưởng nhớ người bạn đời Minh Phúc, một ca nhạc sĩ đáng mến vừa mới ra đi về phương trời miên viễn chiêm bao.
Rồi khán giả được dịp thưởng thức “giọng ca liêu trai” ngày nào của Thanh Thúy cất lên qua nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” của Trúc Phương sau khi một đoạn trong cuốn phim nhan đề “Tơ Lòng” có giọng ca Thanh Thúy được giới thiệu. Người ca sĩ nết na miền Sông Hương-Núi Ngự này tâm sự rằng mình rất nhớ Sài Gòn từ ngày bỏ nước ra đi hồi tháng Tư năm 1975 đến nay nhưng chưa một lần về thăm lại quê hương, làm người ta nghĩ tới câu hát “nhưng tình đất nước ôi lớn lao, không đành lòng dệt mối thắm riêng tư” trong “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp” của Nguyễn Văn Đông. Như thường lệ, sau khi trình diễn và ngay cả khi đang trình diễn trên sân khấu, người nữ ca sĩ đáng yêu này lúc nào cũng được khán giả ái mộ thương tặng thật nhiều bó hoa tươi thắm. Tiếp đó, ban Tam Thanh, gồm Thanh Thúy, Thanh Mỹ và Thanh Châu, nối tiếp chương trình với ca khúc “Lạnh Trọn Đêm Mưa” của Huỳnh Anh.
Ca sĩ Jo Marcel, người có biệt danh “phù thủy âm thanh” và cũng là quản đốc phòng trà Ritz kiêm luôn đạo diễn phim “Thế Giới Nhạc Trẻ” của Sài Gòn trước năm 1975, được ban tổ chức mời lên nhận quà lưu niệm nhưng, tiếc thay, vì bị bệnh bất ngờ nên anh đã nhờ vợ chồng nghệ sĩ Linda Agogo và Nghĩa “Crazy Doggs” lên sân khấu nhận trophy thay mình. Nữ danh ca Lệ Thu, cũng từ Ritz, lên trình bày nhạc phẩm “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn và “Bài Không Tên Số 2”, nằm trong số “các bài không tên” của Vũ Thành An mà người nữ ca sĩ này hầu như “chuyên trị”. Giọng ca chủ lực của phòng trà Ritz, sau hơn nửa thế kỷ thành danh, vẫn trẻ, khỏe và cuốn hút như ngày nào nên rất được khán giả tán thưởng. Cũng nhân dịp này, nhạc sĩ Kỳ Phát, trong bộ ngũ nhạc trẻ (Jo Marcel-Trường Kỳ-Nam Lộc-Tùng Giang-Kỳ Phát) trước 1975 và hiện nay là chủ nhiệm tạp chí Trẻ Magazine, đã được mời lên để vinh danh và nhận trophy của ban tổ chức.
Nữ danh ca Thanh Lan, cũng là một nữ minh tinh nổi tiếng của Miền Nam Việt Nam trước kia, đã rất thành công khi trình bày “bản nhạc ruột” của mình, là “Bang Bang” (lời Pháp của Sheila, lời Việt của Phạm Duy). Được tán thưởng nồng nhiệt như ngày nào, Thanh Lan thương tặng khán giả thêm bài hát thứ nhì, là nhạc phẩm “Thu Vàng” của Cung Tiến. Sau phần trình diễn, Thanh Lan có hứa hẹn nay mai cô sẽ tổ chức một chương trình ca nhạc riêng để có thể “hát cả đêm” cho người ái mộ thưởng thức. Trước đó, video ca khúc “Tuổi Biết Buồn” (nhạc Ngọc Chánh, lời Phạm Duy) do nữ ca sĩ khả ái này trình bày cũng đã được chiếu lên màn hình.
Sau khi khán giả đã thưởng thức giọng ca của Trang Thanh Lan và Băng Châu trong nhạc phẩm “Sài Gòn” đầy luyến nhớ của Y Vân, nữ ca sĩ Phượng Linh lên trình bày một ca khúc khác cũng nhắc gợi biết bao kỷ niệm xa xưa về Sài Gòn, bài “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” của Đỗ Kim Bảng. Một nhạc phẩm nữa của Y Vân, bài “60 Năm Cuộc Đời”, với ý nhạc đượm buồn lồng trong điệu nhạc Twist vui tươi, đã được Ngọc Hiếu trình bày rất thành công.
Ngoài phần trình diễn của các nam, nữ nghệ sĩ kể trên, khán giả của “Sài Gòn Màu Kỷ Niệm” còn được thưởng thức các giọng ca Phương Đại và Phương Hồng Quế qua băng video cũng như hình ảnh của Linda Nghĩa trong cuốn phim “Gogo Dancer” và trích đoạn “Tình Yêu Tuyệt Vời” trong phim “Người Cô Đơn”, cùng với sự xuất hiện của Tuấn Dũng (Ban Mây Trắng), Tuấn Đạt, và của nữ ca sĩ duyên dáng Ý Nhi, trưởng nữ của Vũ Sư Lưu Hồng, bậc thầy của nghệ thuật ca vũ dân tộc Miền Nam Việt Nam.
Ban tổ chức còn trân trọng vinh danh và trao trophy cho các nam, nữ nghệ sĩ và nhân vật sau đây vì những đóng góp đáng quý của họ vào ngành showbiz tại Miền Nam Việt Nam trước 1975: Thân phụ Lê Quang Anh của Connie Kim, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc, chủ nhân phòng trà Bồng Lai Lâm Minh Lê, nhạc sĩ Ngọc Chánh, nhạc sĩ Trường Hải, diễn viên Diệp Lang, chị Thái Xuân, chị Thanh Hương, và anh Ôn Văn Tài. Ký giả Trọng Minh của “Vẻ Vang Dân Việt” cũng được ban tổ chức nhạc hội vinh danh trong dịp này.
Nhạc hội “Sài Gòn Màu Kỷ Niệm”, ngoài nhã ý làm nơi hội ngộ các nghệ sĩ và giới showbiz của Miền Nam Việt Nam trước đây và cũng nhân dịp này tưởng niệm những văn nghệ sĩ đã khuất, còn có thiện ý dùng số tiền thu được qua vé bán cũng như do các mạnh thường quân trao tặng để yểm trợ tài chánh cho Quỹ Vòng Tay Nghệ Sĩ (do Phương Hồng Quế và Trần Quốc Bảo đại diện) và Cô Nhi Viện Vinh Sơn 2 ở Kontum, Việt Nam, hiện đang là mái ấm của 190 em do Sơ Y Ngát điều hành. Cũng vì mục tiêu nhân ái này, đêm nhạc hội còn có phần đấu giá bức tranh về Sài Gòn những ngày tháng cũ do họa sĩ Mạc Chánh Hòa vẽ tặng nữa, sau khi một băng video về các trẻ mồ côi Việt Nam đã được trình chiếu. Bức tranh vẽ Nhà Thờ Đức Bà, một trong các biểu tượng của Sài Gòn trước 1975, được ông Simon Cơ Trần, chủ siêu thị C Fresh Market (từ Iowa bay qua) mua với giá cao nhất là $1,500, nhưng lại được nhà hảo tâm này tặng lại cho ban tổ chức để còn hy vọng có người ủng hộ tiếp.
Ban nhạc và âm thanh trong “Sài Gòn Màu Kỷ Niệm” do Hoàng Duy Tân (Younger Brothers), Vũ Anh Tuấn, Vũ Quốc Phúc, Khánh Phúc và Quốc Hùng phụ trách. Nhiếp ảnh: Thái Đắc Nhã, Kiệt Trần và Tâm Duy. MC: Trần Quốc Bảo và Như Hảo.
Ngày nay, những ai có dịp trở lại Việt Nam đều nhìn nhận rằng Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và bây giờ hết sức khác biệt nhau -- chỉ vì “áo em đỏ quá nhìn không ra” -- do chủ trương “xóa bỏ hết quá khứ nếu quá khứ đó không liên hệ gì tới phe ta” của nhà cầm quyền cộng sản. Vì thế, Sài Gòn bây giờ không còn giống như Sài Gòn hồi trước năm 1975 nữa đâu, còn chi nữa em ước, em mơ, em nhớ, em mong, em chờ… từ đường phố cho tới nhà cửa, công viên, chùa chiềng, nhà thờ, chợ búa, và các công trình công cộng khác, khi những gì có thể thay đổi được thì người ta đã thay đổi gần như hết cả rồi. Nhưng vẫn còn một số giá trị xưa cũ mà người ta không thể thay đổi được, dù họ rất muốn, đó là nền văn hóa và văn minh của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có các công trình văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kịch nghệ và điện ảnh, là những di sản ghi đậm dấu ấn của một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.
Mỗi khi nhớ về Sài Gòn và muốn tìm lại những hình ảnh cũ của Miền Nam Việt Nam hiền hòa ngày xa xưa ấy, người Việt hải ngoại dễ có khuynh hướng tìm về những cung thương ngày cũ qua các nhạc hội và băng đĩa, hoặc gặp gỡ những văn nghệ sĩ trước kia “bằng xương, bằng thịt”, bởi vì, sau cùng, đó là những gì còn lại sau năm 1975 trong lòng các cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại.
Và đêm nhạc “Sài Gòn Màu Kỷ Niệm” này rồi sẽ thật sự trở thành những kỷ niệm đẹp, thật đẹp, của những con người mang tâm thức “tiếc thay chút nghĩa cũ càng, dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng” mà thi hào Nguyễn Du đã nói tới trong Truyện Kiều. Nhưng có lẽ ý nhạc sau đây của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, trong ca khúc “Lá Đổ Muôn Chiều”, mới thật sự lột tả được tâm trạng bơ vơ, khắc khoải và nhớ nhung của những người từng đánh mất quê hương mà mãi cho đến nay vẫn chưa tìm được lối về đất mẹ: “Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát. Đời vắng em rồi vui với ai?” (V.P.)