LTS: Nhà thơ Cung Trầm Tưởng sẽ ra mắt thi tập “Một Hành Trình Thơ 1948-2018” vào ngày 17 tháng 11 năm 2019 tại Little Saigon, miền Nam California. Sau đây là bài phát biểu ông Cung Trầm Tưởng sẽ đọc trong buổi ra mắt sách, do ông gửi đến tòa soạn Việt Tide để phổ biến trước.
Quyền Lực và Nhan Sắc
~ CUNG TRẦM TƯỞNG ~
Người nữ baudelairien
Nhà thơ Charles Baudelaire là tác giả của câu thơ sau được các nhà phê bình văn học đánh giá là bất hủ:
Je suis belle, ô mortels! comme un rêve de pierre
Hỡi con người hữu hạn! ta đẹp như một giấc mơ của đá
Tôi xin diễn nghĩa câu thơ trừu tượng này như sau:
Đá trong câu thơ của Baudelaire là thứ đá gì? Đó là thứ đá siêu phàm, thứ đá có hồn, thứ đá thiêng, thứ đá biểu tượng của giấc mơ muôn đời của con người: giấc mơ bất tử. Nó có một liên hệ gắn bó với sự chết của con người, nó chính là những phiến cẩm thạch nguy nga và trầm mặc của lăng tẩm một kiều nương có một vẻ đẹp kiêu sa, diễm lệ như của các thần nữ huyền sử Hi-La.
Qua sự hóa đá sau cái chết thể lí của mình, nàng kiều nương ở lại với thời gian với tư cách là sự hiển thị của lí tưởng trường tồn, một lí tưởng toàn bích như vẻ đẹp của thơ. Tôi nghĩ, qua câu thơ bất hủ của mình, Baudelaire muốn ám chỉ một chân lí siêu nhiên, theo đó vẻ đẹp của thơ là một phép hóa giải nhiệm mầu cái mâu thuẫn cơ bản giữa thực tế hữu hạn của con người và giấc mơ bất tử của nó.
Chân lí siêu nhiên trên chứng tỏ con người với giấc mơ trường tồn của nó không là một đam mê vô ích như Jean Paul Sartre, người khởi sáng của chủ nghĩa hiện sinh vô thần, đã nghĩ. Bởi vì con người là sự cộng sinh trong nó của hai hữu thể tinh thần và vật chất. Với tư cách là một hữu thể tinh thần, nó có một khả năng siêu việt, tức một khả năng tồn tại liên tục bên ngoài thực tế hữu hạn của nó.
Nói rõ hơn, giấc mơ muôn đời của con người là được tồn tại trong cõi vĩnh hằng với tư cách là sự thăng hoa của con người thế tục nó đã từng là, lên thành một hữu thể tuyệt hảo tràn đầy hạnh phúc. Giấc mơ tuyệt đối này không là một hư cấu viển vông mà là một yếu tố cấu thành của bản chất con người. Thiếu nó, con người mất khả năng tồn tại như là một giá trị nhân bản hoàn bị.
Sự hao hụt bản thể trên, tức sự hao hụt nhân tính, là một khuyết tật những người duy vật cực đoan và những người thực tiễn quá khích thường mắc phải. Tối đa, nó có thể hóa con người từ là một động vật muốn làm một thánh linh rớt xuống thành một con quỷ. Và, kinh nghiệm lịch sử chỉ cho thấy, quỷ chính là tác nhân của những tội ác tầy trời, như tội ác chống loài người, tội ác diệt chủng, tội ác thanh trừng giai cấp, tội ác tôn giáo và tội ác chiến tranh, chẳng hạn.
Về quyền lực siêu phàm của người nữ baudelairien, tôi có sáng tác mấy vầng tụng ca sau:
Em ướp trầm hương ngan ngát thánh,
Ngồi trong đời cũng ngự ngôi trên.
Em gần gũi cũng thiêng khôn kể,
Dạy dỗ thi ca ý niệm đền.
Là khởi sự cùng là kết thúc,
Đầu nguồn mạch nước, cuối dòng sông.
Em sinh sôi những áng cầu vồng,
Trước Sách Ước đến sau cùng Lịch Sử.
(trích “Phồn thực ca” trong “Cung Trầm Tưởng: Một Hành Trình Thơ 1948-2018)
Người nữ hằng cửu
Nhà thơ Gérard de Nerval có đề ra khái niệm một mẫu nữ lí tưởng ông gọi là người nữ hằng cửu – éternel féminin.
Tôi xin triển khai khái niệm trên với một số đóng góp khiêm tốn của mình.
Như tính danh của nàng chỉ cho thấy, người nữ hằng cửu là một hữu thể siêu phàm thủ đắc một sức mạnh mềm vô hiệu hóa được sự hủy diệt lạnh lùng của thời gian để ở lại thế gian với tính cách một trường tồn bền vững với nguyên vẹn những tố chất làm nên tính nữ và nhan sắc bất hủ của mình. Ở lại với tư cách là một cội nguồn phong nhiêu của sự tồn sinh và phồn vinh loài người và là một cần thiết cho sự đồng điệu âm dương, hạnh phúc đôi lứa, ấm cúng gia đình và hòa khí nhân gian. Ở lại với danh nghĩa một người tình lí tưởng, giấc mơ muôn đời và là nguồn hứng bất tận của các thi nhân trữ tình mọi nơi và mọi thuở. Ở lại với tư thế hiện thân của một vẻ đẹp nghệ thuật tuyệt đẳng: vẻ đẹp của thơ. Với vẻ đẹp này, nàng mang lại cho các tâm hồn điệu nghệ một niềm vui muôn năm.
Riêng bản thân tôi đã hình dung ra nhan sắc người nữ hằng cửu của Nerval qua sự hồi tưởng lại nhan sắc của các nàng kiều nữ Việt Nam năm xưa đi trẩy hội hoa Tết trên những đại lộ phồn hoa của thủ đô Sài Gòn.
Sáu mươi năm đã qua đi kể từ ngày đó, nhưng hồn tôi vẫn còn tương tư và bị lôi cuốn bởi nhan sắc rực rỡ, phong cách thanh tân và dáng điệu mềm mại của các kiều nữ đó trong chiếc áo dài tha thướt – một kì công của nghệ thuật tạo mốt – bó sát lấy tấm thân thon thả của các nàng và làm hằn lên những đường cong kỉ hà tuyệt mĩ. Tất cả quyện đan vào nhau thành một giao hưởng đường nét đẹp như thơ, khiến tôi có cảm giác các nàng chính là những hậu thân chính thống của người nữ hằng cửu.
Tôi có cảm tác những vần phồn thực ca sau, nhuốm đầy sắc hương nơi quê hương các nàng sinh trưởng để tôn vinh nhan sắc nồng nàn rực rỡ của họ:
Nhiệt đới đầu thai em tố nữ
Mít kề vú sữa, mãng cầu gai;
Quít căng đẫy nắng, cam dung dị;
Chất ngất sầu riêng, sực nức xoài.
Rồi rì rào mận, du dương nhãn;
Gió múc trăng lên tưới hải đường.
Em rạng rỡ xuân vàng trái tắc,
Em đầy đặn chín lúa nàng hương.
Em cầm mưa xối xuống cằn khô,
Nắng lúc đang mưa vỡ bất ngờ.
Em ở trong cùng ngoài giới hạn,
Nứt mầm kiều mạch, bật tần ô.
Lửa ngầm nuôi giấu dưới rêu nhung,
Suối ấm ngầm hâm đất lạnh lùng,
Vân của đá, vòng năm của một,
Em thâm sâu, tốt đẹp vô cùng.
(trích “Phồn thực ca” trong “Cung Trầm Tưởng: Một Hành Trình Thơ 1948-2018)
Người đàn bà cơ bản
Ngoài người nữ hằng cửu, các thi nhân còn đề ra khái niệm một mẫu nữ khác họ gọi là người đàn bà cơ bản.
Tôi xin triển khai khái niệm trên với một số suy diễn chủ quan của mình.
Theo tôi, người đàn bà cơ bản là hiện thân của một sự nảy nở đầy đặn, rực lửa đam mê của nhan sắc và ngọt lịm như một trái mọng chín muồi. Đồng thời nàng cũng là một hữu thể hai tính: tính thần thoại của người nữ hằng cửu và tính thế tục của con người bị vướng mắc trong mạng lưới của một thực tế vô thường. Vì vậy, đời nàng trắc trở hơn, phận nàng éo le hơn so với người nữ hằng cửu.
Nhưng ở nàng xảy ra một phép lạ hóa nỗi khổ đau trần tục nàng phải kinh qua thành một thứ nước quán tẩy khiến cho hồn nàng tinh khiết ra và nhan sắc nàng mang một sắc màu thánh thiện như vẻ đẹp biện chứng của một bông sen trắng thơm ngát nở lên từ một vũng nước bùn tanh nhơ.
Do mang hai tính thăng hoa và ẩn dụ của vẻ đẹp một bông sen, nhan sắc của nàng là một phiên bản của vẻ đẹp của thơ. Do đó tôi nghĩ, nàng có thể là hậu thân của thần nữ thi ca Erato của thần thoại Hi Lạp.
Trước khi chấm dứt bài phát biểu của mình, tôi xin đọc tặng quý bà quý cô có mặt ở đây những vần thơ tôi làm để tôn vinh quyền lực siêu phàm của nhan sắc người đàn bà cơ bản và người nữ hằng cửu:
Bút pháp anh tôn em quốc sắc,
Tóc lồng huyền tích hồng nhung đen,
Em fatale sóng tình trong mắt,
Đổ những ngai vua, đắm chiến thuyền.
Anh chiếu em lên lộng lẫy bóng,
Ngôi sao kiệt xuất cuốn phim màu.
Em là dòng Grace, nòi Bao Tự,
Khiến kẻ chai lòng cũng ước ao.
Anh dựng lầu son, đan lá thúy;
Thiết tha chăm bón đẹp khu vườn,
Em vào diễm lệ bằng bươm bướm,
Triển lãm cho đời ý nhị hơn.
Cho gió vay hương, hoa muôn sắc;
Sắc hương nhuần nhuyễn nét tương đồng,
Em thành tình lữ đi muôn thuở,
Dát ánh trăng vàng cát Biển Đông.
Gieo dấu hài xanh lên Đất Hứa,
Hóa thành cổ thụ tỏa tàn che,
Thiên thu bóng cúi nghe tình tự,
Những trái tim son đến hẹn thề.
Đến nắm tay nhau truyền ấm áp,
Tôi làm chiếc ghế lót trăng đêm,
Mời cô ngồi xuống nồng hơi lụa,
Để đá như da cũng biết mềm.
Đá vấn vương hơi, gìn kỉ niệm,
Cưu mang tâm sự đến nương nhờ.
Tôi nhào luyện chữ như cao thạch,
Đắp bức tượng tình, tạc tứ thơ.
Tượng đứng phơi vân, bày cốt cách,
Buông lan nhân ái đến môi trường.
Thiên nga chuồi nhẹ cơn mơ trắng
Trên nước hồ thầm gợn ánh dương.
Tất cả không gian thành ấn tượng
Bức tranh hòa thắm sắc cho đời.
Người xem cũng muốn nao nao với,
Lửa sắp nguội tàn cũng dấy khơi.
Tay muốn tìm tay, lời muốn ứng
Cho người hào hiệp đến quên thân.
Tình yêu đôi cách nâng nhân phẩm,
Bến ấm hồn vào thả neo tâm.
Bởi những người yêu hằng muốn thế,
Họ cần tiếng hát như bàn tay.
Xóa bôi hung dữ trên nhân diện,
Âu yếm nhìn nhau dịu nét mày.
Yêu có trong yêu dường phép lạ,
Sắt đanh đến mấy cũng buông mềm.
Qua môi tìm đến môi vinh hiển
Tiếng hát thiên thần hiển hiện lên.
(trích “Những dấu chân Liz trên một triền kính vạn hoa” trong “Cung Trầm Tưởng: Một Hành Trình Thơ 1948-2018)
~ CUNG TRẦM TƯỞNG ~
Người nữ baudelairien
Nhà thơ Charles Baudelaire là tác giả của câu thơ sau được các nhà phê bình văn học đánh giá là bất hủ:
Je suis belle, ô mortels! comme un rêve de pierre
Hỡi con người hữu hạn! ta đẹp như một giấc mơ của đá
Tôi xin diễn nghĩa câu thơ trừu tượng này như sau:
Đá trong câu thơ của Baudelaire là thứ đá gì? Đó là thứ đá siêu phàm, thứ đá có hồn, thứ đá thiêng, thứ đá biểu tượng của giấc mơ muôn đời của con người: giấc mơ bất tử. Nó có một liên hệ gắn bó với sự chết của con người, nó chính là những phiến cẩm thạch nguy nga và trầm mặc của lăng tẩm một kiều nương có một vẻ đẹp kiêu sa, diễm lệ như của các thần nữ huyền sử Hi-La.
Qua sự hóa đá sau cái chết thể lí của mình, nàng kiều nương ở lại với thời gian với tư cách là sự hiển thị của lí tưởng trường tồn, một lí tưởng toàn bích như vẻ đẹp của thơ. Tôi nghĩ, qua câu thơ bất hủ của mình, Baudelaire muốn ám chỉ một chân lí siêu nhiên, theo đó vẻ đẹp của thơ là một phép hóa giải nhiệm mầu cái mâu thuẫn cơ bản giữa thực tế hữu hạn của con người và giấc mơ bất tử của nó.
Chân lí siêu nhiên trên chứng tỏ con người với giấc mơ trường tồn của nó không là một đam mê vô ích như Jean Paul Sartre, người khởi sáng của chủ nghĩa hiện sinh vô thần, đã nghĩ. Bởi vì con người là sự cộng sinh trong nó của hai hữu thể tinh thần và vật chất. Với tư cách là một hữu thể tinh thần, nó có một khả năng siêu việt, tức một khả năng tồn tại liên tục bên ngoài thực tế hữu hạn của nó.
Nói rõ hơn, giấc mơ muôn đời của con người là được tồn tại trong cõi vĩnh hằng với tư cách là sự thăng hoa của con người thế tục nó đã từng là, lên thành một hữu thể tuyệt hảo tràn đầy hạnh phúc. Giấc mơ tuyệt đối này không là một hư cấu viển vông mà là một yếu tố cấu thành của bản chất con người. Thiếu nó, con người mất khả năng tồn tại như là một giá trị nhân bản hoàn bị.
Sự hao hụt bản thể trên, tức sự hao hụt nhân tính, là một khuyết tật những người duy vật cực đoan và những người thực tiễn quá khích thường mắc phải. Tối đa, nó có thể hóa con người từ là một động vật muốn làm một thánh linh rớt xuống thành một con quỷ. Và, kinh nghiệm lịch sử chỉ cho thấy, quỷ chính là tác nhân của những tội ác tầy trời, như tội ác chống loài người, tội ác diệt chủng, tội ác thanh trừng giai cấp, tội ác tôn giáo và tội ác chiến tranh, chẳng hạn.
Về quyền lực siêu phàm của người nữ baudelairien, tôi có sáng tác mấy vầng tụng ca sau:
Em ướp trầm hương ngan ngát thánh,
Ngồi trong đời cũng ngự ngôi trên.
Em gần gũi cũng thiêng khôn kể,
Dạy dỗ thi ca ý niệm đền.
Là khởi sự cùng là kết thúc,
Đầu nguồn mạch nước, cuối dòng sông.
Em sinh sôi những áng cầu vồng,
Trước Sách Ước đến sau cùng Lịch Sử.
(trích “Phồn thực ca” trong “Cung Trầm Tưởng: Một Hành Trình Thơ 1948-2018)
Người nữ hằng cửu
Nhà thơ Gérard de Nerval có đề ra khái niệm một mẫu nữ lí tưởng ông gọi là người nữ hằng cửu – éternel féminin.
Tôi xin triển khai khái niệm trên với một số đóng góp khiêm tốn của mình.
Như tính danh của nàng chỉ cho thấy, người nữ hằng cửu là một hữu thể siêu phàm thủ đắc một sức mạnh mềm vô hiệu hóa được sự hủy diệt lạnh lùng của thời gian để ở lại thế gian với tính cách một trường tồn bền vững với nguyên vẹn những tố chất làm nên tính nữ và nhan sắc bất hủ của mình. Ở lại với tư cách là một cội nguồn phong nhiêu của sự tồn sinh và phồn vinh loài người và là một cần thiết cho sự đồng điệu âm dương, hạnh phúc đôi lứa, ấm cúng gia đình và hòa khí nhân gian. Ở lại với danh nghĩa một người tình lí tưởng, giấc mơ muôn đời và là nguồn hứng bất tận của các thi nhân trữ tình mọi nơi và mọi thuở. Ở lại với tư thế hiện thân của một vẻ đẹp nghệ thuật tuyệt đẳng: vẻ đẹp của thơ. Với vẻ đẹp này, nàng mang lại cho các tâm hồn điệu nghệ một niềm vui muôn năm.
Riêng bản thân tôi đã hình dung ra nhan sắc người nữ hằng cửu của Nerval qua sự hồi tưởng lại nhan sắc của các nàng kiều nữ Việt Nam năm xưa đi trẩy hội hoa Tết trên những đại lộ phồn hoa của thủ đô Sài Gòn.
Sáu mươi năm đã qua đi kể từ ngày đó, nhưng hồn tôi vẫn còn tương tư và bị lôi cuốn bởi nhan sắc rực rỡ, phong cách thanh tân và dáng điệu mềm mại của các kiều nữ đó trong chiếc áo dài tha thướt – một kì công của nghệ thuật tạo mốt – bó sát lấy tấm thân thon thả của các nàng và làm hằn lên những đường cong kỉ hà tuyệt mĩ. Tất cả quyện đan vào nhau thành một giao hưởng đường nét đẹp như thơ, khiến tôi có cảm giác các nàng chính là những hậu thân chính thống của người nữ hằng cửu.
Tôi có cảm tác những vần phồn thực ca sau, nhuốm đầy sắc hương nơi quê hương các nàng sinh trưởng để tôn vinh nhan sắc nồng nàn rực rỡ của họ:
Nhiệt đới đầu thai em tố nữ
Mít kề vú sữa, mãng cầu gai;
Quít căng đẫy nắng, cam dung dị;
Chất ngất sầu riêng, sực nức xoài.
Rồi rì rào mận, du dương nhãn;
Gió múc trăng lên tưới hải đường.
Em rạng rỡ xuân vàng trái tắc,
Em đầy đặn chín lúa nàng hương.
Em cầm mưa xối xuống cằn khô,
Nắng lúc đang mưa vỡ bất ngờ.
Em ở trong cùng ngoài giới hạn,
Nứt mầm kiều mạch, bật tần ô.
Lửa ngầm nuôi giấu dưới rêu nhung,
Suối ấm ngầm hâm đất lạnh lùng,
Vân của đá, vòng năm của một,
Em thâm sâu, tốt đẹp vô cùng.
(trích “Phồn thực ca” trong “Cung Trầm Tưởng: Một Hành Trình Thơ 1948-2018)
Người đàn bà cơ bản
Ngoài người nữ hằng cửu, các thi nhân còn đề ra khái niệm một mẫu nữ khác họ gọi là người đàn bà cơ bản.
Tôi xin triển khai khái niệm trên với một số suy diễn chủ quan của mình.
Theo tôi, người đàn bà cơ bản là hiện thân của một sự nảy nở đầy đặn, rực lửa đam mê của nhan sắc và ngọt lịm như một trái mọng chín muồi. Đồng thời nàng cũng là một hữu thể hai tính: tính thần thoại của người nữ hằng cửu và tính thế tục của con người bị vướng mắc trong mạng lưới của một thực tế vô thường. Vì vậy, đời nàng trắc trở hơn, phận nàng éo le hơn so với người nữ hằng cửu.
Nhưng ở nàng xảy ra một phép lạ hóa nỗi khổ đau trần tục nàng phải kinh qua thành một thứ nước quán tẩy khiến cho hồn nàng tinh khiết ra và nhan sắc nàng mang một sắc màu thánh thiện như vẻ đẹp biện chứng của một bông sen trắng thơm ngát nở lên từ một vũng nước bùn tanh nhơ.
Do mang hai tính thăng hoa và ẩn dụ của vẻ đẹp một bông sen, nhan sắc của nàng là một phiên bản của vẻ đẹp của thơ. Do đó tôi nghĩ, nàng có thể là hậu thân của thần nữ thi ca Erato của thần thoại Hi Lạp.
Trước khi chấm dứt bài phát biểu của mình, tôi xin đọc tặng quý bà quý cô có mặt ở đây những vần thơ tôi làm để tôn vinh quyền lực siêu phàm của nhan sắc người đàn bà cơ bản và người nữ hằng cửu:
Bút pháp anh tôn em quốc sắc,
Tóc lồng huyền tích hồng nhung đen,
Em fatale sóng tình trong mắt,
Đổ những ngai vua, đắm chiến thuyền.
Anh chiếu em lên lộng lẫy bóng,
Ngôi sao kiệt xuất cuốn phim màu.
Em là dòng Grace, nòi Bao Tự,
Khiến kẻ chai lòng cũng ước ao.
Anh dựng lầu son, đan lá thúy;
Thiết tha chăm bón đẹp khu vườn,
Em vào diễm lệ bằng bươm bướm,
Triển lãm cho đời ý nhị hơn.
Cho gió vay hương, hoa muôn sắc;
Sắc hương nhuần nhuyễn nét tương đồng,
Em thành tình lữ đi muôn thuở,
Dát ánh trăng vàng cát Biển Đông.
Gieo dấu hài xanh lên Đất Hứa,
Hóa thành cổ thụ tỏa tàn che,
Thiên thu bóng cúi nghe tình tự,
Những trái tim son đến hẹn thề.
Đến nắm tay nhau truyền ấm áp,
Tôi làm chiếc ghế lót trăng đêm,
Mời cô ngồi xuống nồng hơi lụa,
Để đá như da cũng biết mềm.
Đá vấn vương hơi, gìn kỉ niệm,
Cưu mang tâm sự đến nương nhờ.
Tôi nhào luyện chữ như cao thạch,
Đắp bức tượng tình, tạc tứ thơ.
Tượng đứng phơi vân, bày cốt cách,
Buông lan nhân ái đến môi trường.
Thiên nga chuồi nhẹ cơn mơ trắng
Trên nước hồ thầm gợn ánh dương.
Tất cả không gian thành ấn tượng
Bức tranh hòa thắm sắc cho đời.
Người xem cũng muốn nao nao với,
Lửa sắp nguội tàn cũng dấy khơi.
Tay muốn tìm tay, lời muốn ứng
Cho người hào hiệp đến quên thân.
Tình yêu đôi cách nâng nhân phẩm,
Bến ấm hồn vào thả neo tâm.
Bởi những người yêu hằng muốn thế,
Họ cần tiếng hát như bàn tay.
Xóa bôi hung dữ trên nhân diện,
Âu yếm nhìn nhau dịu nét mày.
Yêu có trong yêu dường phép lạ,
Sắt đanh đến mấy cũng buông mềm.
Qua môi tìm đến môi vinh hiển
Tiếng hát thiên thần hiển hiện lên.
(trích “Những dấu chân Liz trên một triền kính vạn hoa” trong “Cung Trầm Tưởng: Một Hành Trình Thơ 1948-2018)