~ NGUYỄN MẠNH TRINH ~
Năm 2019, ở Quận Cam, tôi đọc một bìa sách của một thời xa xưa:
Thắp Tình
Thơ Thành Tôn
Ngưỡng Cửa xuất bản
Tác giả trình bày bìa, sắp chữ đạp máy in và đóng
xong ngày 06.08.69
Năm 2019, ở Quận Cam, tôi đọc một bìa sách của một thời xa xưa:
Thắp Tình
Thơ Thành Tôn
Ngưỡng Cửa xuất bản
Tác giả trình bày bìa, sắp chữ đạp máy in và đóng
xong ngày 06.08.69
Có một chút thắc mắc, tôi vỡ lẽ. Ngưỡng Cửa là một nhà xuất bản ở một tỉnh lẻ miền Trung và do một nhà thơ làm chủ, và cũng là làm người in ấn, thực hiện từ a đến z công việc của người thợ in. Bây giờ, sau một nửa thế kỷ, ở hải ngoại, Thành Tôn lại cặm cụi làm công việc in lại, tái chế những cuốn sách quý đã bị hư hao hoặc tuyệt bản vì thời thế vì chủ trương phần thư khánh nho của những người Cộng Sản. Nhìn ông ngồi nâng niu từng trang sách cũ, với bàn tay của một nghệ nhân, hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật có khi lại đẹp hơn, sắc sảo hơn nguyên bản, tôi như thấy được một chân dung tận hiến cho sách vở. Văn học Việt Nam đã có rất nhiều nhân vật làm công việc xuất bản nhưng với tâm tình của những người tận hiến cho sách vở cho văn chương. Chúng ta phải cảm ơn những người đã nuôi dưỡng văn học cận đại và hiện đại Việt Nam như ông Khai Trí, như thầy Từ Mẫn, như ông An Tiêm... Họ làm công việc xuất bản với sự đam mê hơn là lợi nhuận. Một cuốn sách hay đẹp được in ra là mục đích tối hậu là góp phần vào gia tài văn hóa của dân tộc hơn là mục đích thương mại. Họ đã vượt đi trên những khó khăn, khỏi đầu với muôn vàn trở ngại và dù ở hải ngoại tình thế xuất bản đã khác và hầu như khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, họ đã cố gắng để có được những cuốn sách đáp ứng được một thời kỳ văn học đặc biệt. Thầy Từ Mẫn, sau mấy năm liền lao động làm cua ở Alaska để dành tiền làm nhà xuất bản Văn Nghệ và đã in nhiều cuốn sách giá trị cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Trước năm 1975 ở trong nước, nhà xuất bản Lá Bối do thầy Từ Mẫn cũng đã in nhiều bộ sách giá trị biểu tượng cho một nền văn học đặc sắc. Ông Khai Trí sau năm 1975 khi sản nghiệp ở Sài gòn bị bạo quyền tịch thu nhưng khi sang định cư ở Hoa Kỳ cũng mang theo hai ngàn đầu sách để khởi đầu cho một nghiệp dĩ xuất bản không thể bỏ. Thất vọng, ông trở lại Việt Nam và cố gắng trong tuyệt vọng in mấy cuốn sách cuối đời rồi từ trần. Ông An Tiêm trước 1975 cũng in được nhiều cuốn sách giá trị đặc biệt là in sách của thi sĩ Bùi Giáng không ngưng nghỉ, sau 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều cống hiến cho độc giả nhiều công trình đáng kể. Đó chỉ là đại cương một vài người còn ở đại thể văn học miền Nam và hải ngoại còn có nhiều tấm lòng yêu thương chữ nghĩa trân trọng với văn chương để chúng ta có được một nền văn học đánh dấu được một thời đại lịch sử đặc biệt của một dân tộc dù đã phải trải qua nhiều thăng trầm của thời thế và lịch sử.
Đặc biệt ở hải ngoại, nhà thơ Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã bỏ công bỏ của để tìm lại những cuốn sách bị tiêu hủy ở trong nước hiện nay còn những ấn bản ở các thư viện và in lại để phổ biến. Nhiều người đã rất khâm phục việc làm này và gọi là những người làm hồi sinh văn học miền Nam đã bị bức tử. Nhà thơ Trần Hoài Thư tên tộc là Trần Quý Sách, một người bạn đã nói đùa là tên tiền định. Ông yêu quý sách vở, tự tay mình in ra những cuốn sách mà ông nghĩ tượng trưng cho một thời kỳ văn học và sẵn sàng gửi cho đến những người đồng điệu, trân quý những gia tài văn hóa. Những cuốn sách không phải chỉ là đơn thuần những trang chữ mà còn chan chứa bao nhiêu ý tình của một người dâng hiến cho văn chương. Tôi tưởng tượng ra những khó khăn, những trở ngại của ông khi làm công viêc ấy. Nhất là trong một đời sống thúc bách với nhịp đẩy kinh khiếp mà thời gian là tiền bạc của xứ sở định cư nước người. Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã hoàn tất những bộ sách đồ sộ, in lại từ những tinh hoa của 20 năm văn học miền Nam. Thư Ấn Quán với những bộ sách: Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến dày 1600 trang gồm 2 cuốn,Văn Miền Nam Thời Chiến tổng cộng 2400 trang gồm 4 cuốn. Rồi những cuốn như Thơ Tự Do Miền Nam, Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thơ Tình Miền Nam, những công trình sưu khảo mà những nhà nghiên cứu văn học bắt buộc phải đọc nếu muốn ghi chép lại những tượng hình của một nền văn học bị tàn phá và tiêu diệt đến tận cùng theo chủ trương và chính sách của những người Cộng Sản tôn thờ một thứ chủ nghĩa ngoại lai Cộng Sản. Hơn thế nữa, Thư Ấn Quán còn thực hiện những tuyển tập hoặc in lại những tác phẩm của các nhà văn miền Nam trong tinh thần tưởng niệm. Chân dung tác giả và tác phẩm một thời lừng lẫy đã được tạo dựng lại ở hải ngoại sau khi đã bị triệt bỏ bôi xóa ở trong nước.
Trần Hoài Thư đã tận dụng những sách vở của 20 năm văn học miền Nam lưu trữ trong các thư viện danh tiếng Hoa Kỳ, sao chép lại rồi tự mình in ấn và phát hành. Công việc của ông bao gồm mọi việc từ trình bày, in ấn, đóng gáy của một thợ in kèm theo công việc của người biên tập sáng tác. Từ bước khởi đầu một mình, sau có nhiều người có lòng với văn chương chữ nghĩa góp sức. Khi nhà thơ Thành Tôn định cư ở Hoa Kỳ, anh đã tham dự ngay và góp phần rất lớn trong công việc chung ấy. Nhà văn Trần Văn Nam lúc còn sinh thời đã viết:
Hỏi anh sưu tầm khi nào anh cho biết khi ra khỏi giai đoạn ngồi tù cải tạo năm 1983, anh đã đi lục lạo ở các vỉa hè bán sách cũ ở Sài Gòn và đã thu gom được hai va ly chỉ đựng toàn sách báo cũ để chuẩn bị đi ra nước ngoài theo chương trình HO (không rõ anh đến Mỹ năm nào). Nhờ vậy anh đã cung cấp một số tài liệu quý hiếm cho nhà xuất bản Thư Ấn Quán của nhà thơ Trần Hoài Thư làm nên một phần đóng góp đáng kể cho những bộ sách đã được in ấn sau này.
Có lẽ, theo tôi biết, Thành Tôn là người có nhiều sách quý hiếm về văn học Việt Nam nhất. Tôi cũng là một người yêu sách vở có lần đến nhà anh chơi đã cầm trên tay những cuốn sách cũ đã qua mấy chục năm phong trần mà lòng cảm thấy xôn xao một nỗi niềm khó tả. Cuốn sách không phải chỉ là một cuốn sách bình thường mà còn gợi lại cho tôi một thời gian nào, một khung cảnh nào tuy đã rất xa trong quá khứ nhưng lại ấm áp gần gũi trong hiện tại. Đối với tôi, từ nhan đề sách đến tên tác giả, tuy chưa bao giờ gặp mặt nhưng sao gần gũi quá. Họ là những người thầy dạy tôi biết suy nghĩ biết yêu thương và dẫn dắt tôi đi trên những con đường mà tôi nghĩ rất diệu kỳ. Với sách vở, tôi tình nguyện làm người học trò luôn tìm kiếm kiến thức. Và như thế , tôi yêu sách vở cũng là một phần để biểu lộ sự biết ơn đối với những người góp công tạo thành cuốn sách. Tôi làm thân với anh Thành Tôn từ cảm nghĩ như vậy.
Những cuốn sách dường như có một linh hồn thiêng liêng. Những trang và những trang, không nói nhưng trong cõi vô thanh có những tâm ý thoảng qua từ con chữ. Những trang giấy vàng úa thời gian, nhắc lại những thời kỳ không thể nào quên của hè đường Sài Gòn với những cuốn sách cũ như trêu gan với đất trời. Cuốn sách này tôi nâng niu trên tay với mong ước có tiền để dành mang về để ngắm cho chán chê rồi giở từng trang cho khát thèm chữ nghĩa. Tạp chí này, của một thời đi lính xa xôi nơi biên trấn, đọc để nhớ em và nhớ Sài Gòn. Trong không gian mù mịt cơn mưa, nghe thấm lạnh từng câu thơ, nghe nóng bừng từ những tâm tư thời trai trẻ. Một cuộc sống nào tưởng đã phôi pha nhưng bây giờ thức dậy sau cơn ngủ vùi quên lãng. Có khi, như một kẻ dong chơi, đi lạc vào những lãnh địa có lúc thâm u tịch lặng, của một nền văn hóa ngàn xưa để thấy lại cái khôn cùng kiến thức của cha ông để lại. Và hạnh phúc nào hơn khi có người đồng điệu cùng chia sẻ.
Thành Tôn là người hào phóng. Anh sẵn sàng chia sẻ với bạn bè những cuốn sách mà anh đã có với nhiều nỗ lực để có. Đi định cư, ít có ai chỉ mang có hai va ly sách cũ để khởi đầu cuộc sống xứ người. Có những cuốn quý hiếm anh sẵn sàng tặng không cho tác giả. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của những người được tặng món quà tinh thần vô giá ấy. Nhưng nếu có người hay quên, thì Thành Tôn cũng rất bình thường và sẵn sàng sẽ tặng không cho những người hay quên đó một khi họ cần đến. Từ đó, tôi mới hiểu thấu đáo câu nói của cổ nhân, vật cho đã quý nhưng cách cho lại quý báu hơn nhiều...
Tôi quen với anh cũng chưa lâu lắm nhưng cũng khoảng mười mấy năm. Anh là người nói rất nhiều về văn chương nhưng rất ít về chuyện thị phi đời thường. Nhưng không phải anh là một người kín tiếng thủ thân. Trong nhận định có nét sâu sắc nhưng trầm lắng. Anh có cách nói riêng của người thông hiểu lẽ đời và biết cách ứng xử. Qua nhiều câu chuyện với anh, tôi hiểu được những lời khuyên gián tiếp. Anh nói anh chỉ quan tâm đến mặt tích cực của văn chương, nhắc đến cái hay cái đẹp mà không bao giờ đề cập đến những tiêu cực những điều làm mất đi những nét lý tưởng của văn chương. Tôi bản tính thẳng thắn nên trong nhiều trường hợp đã không đồng ý với cách thế trên. Nhưng bất cứ lúc nào tôi cũng coi anh như một người anh lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời và hiểu những lời anh nói không phát xuất từ môi miếng giả dối. Sống an nhiên, coi tất cả mọi người là bạn, thẳng thắn, anh có một phong cách đáng trọng, theo tôi. Phong cách ấy, không phải dễ tạo dựng trong đời.
Mấy lúc gần đây anh và bạn trẻ Phan Vũ đã thực hiện số hóa nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng và những tạp chí đã nối tiếp nhau hình thành một dòng văn học khởi sắc. Sưu tập tác phẩm, đánh máy hay copy lại từ nguyên bản rồi post lên mạng là một công việc đòi hỏi nhiều thời giờ và kiên nhẫn của một lòng yêu chữ nghĩa tuyệt đối. Hãy thử tưởng tượng, ngày này qua ngày khác, tuần này đến tuần khác, hàng ngàn trang sách được phổ biến, mới thấy được giá trị của những công việc âm thầm này. Dù kỹ thuật đã rất tiến bộ nhưng cũng cần có những tấm lòng của những người xử dụng nó. Nếu không, chỉ là những thành quả vô hồn...
Tôi đọc thơ anh. Thành Tôn chỉ in có một tuyển tập thơ. Thắp Tình cách nay nửa thế kỷ. Trước khi đọc tôi tự hỏi. Có cũ không? Có bị trôi đi theo dòng thời gian không? Nhưng lại tự trả lời. Đọc thơ mà có định kiến thì chắc không tạo được hứng thú và nếu có cảm giác thì cũng chưa chắc trung thực. Một lúc nào đó tôi để lòng trống không và đọc những trang thơ. Giây phút lý tưởng để có một nhịp cầu liên cảm...
Tôi sẽ đọc Thắp Tình bằng một bài lục bát của mình. Bộ văn xuôi không đủ để mình “thi thố’ hay sao? Hay ngứa tay muốn “đua đòi” với thi sĩ Thành Tôn? Tôi phải tự giải thích. Tôi đọc thơ bằng thơ, bởi vì tôi cảm thấy từ những con chữ của anh có một điều gì đồng cảm từ đời sống và những điều khó nói bằng ngôn ngữ bình thường lại dễ dàng nói bằng ngôn ngữ thi ca hơn. Có người hỏi. Có cũ không khi đọc những bài thơ cách nay nửa thế kỷ. Thì với thơ, tôi trả lời. Thế nào là ý niệm cũ và mới, có khi cũ mà mới và có khi ngược lại. Có nghĩa là tùy người thơ cảm thấy hay không cảm thấy và cũ - mới, có - không cũng chẳng cần cho người đọc thơ. Với cảm nghĩ riêng tôi, cách hay nhất là cứ để thi sĩ nói chuyện, dù bây giờ hay trước đây nửa thế kỷ. Mà đọc những câu thơ là một cách đọc tuyệt diệu để bắt tìm cảm hứng...
Bài Lục Bát gửi Thành Tôn
Gương soi. Bóng cứ hỏi hình
Riêng ta, kẻ lạ dập dình đứng riêng
Cất trong tâm não còn nguyên
Ý ngờ vực chợt cô miên dáng chiều
Vấn tra. Tra vấn. Đủ điều
Đỏ. Vàng. Mũ đội đăm chiêu chỗ ngồi
Mấy chục năm biền biệt trôi
Hỏi ta sao ánh trăng soi - một mình
Thắp Tình, chờ đến bình minh
Mất - còn, một cõi tử sinh vô cùng
Phân vân duyên nghiệp dửng dưng
Thế thân nào giữa muôn trùng bể dâu
Gương soi. Ánh mắt nhạt mầu
Bóng hình. Hình bóng. Xưa sau chạnh lòng
Triều lịch sử bãi mênh mông
Trước sau. Sau trước. Chưa xong cuộc ngờ
Chữ vô tự vẫn cơn mơ
Cõi phần thư ngẫm hư vô cuộc bày
Ẩn tên. Ẩn nghĩa. Loay hoay
Nhân danh người khác mặt mày: - Lạ? Quen?
Ừ. Thì vẫn một cái tên...
Có phải ở một đỉnh điểm nào đó tôi đã gặp Thành Tôn dù chung - riêng đã khác. Làm bài thơ tặng thi sĩ, không biết có phải là việc dư thừa. Hôm nay, bây giờ tôi đọc thơ anh. Chứ không phải miên man về cái không gian thời gian ngút ngàn của tập thơ và người thơ để nghi hoặc về cái mới và cái cũ, về cái hôm qua xa vời và cái hôm nay gần cận một vòng ay ôm...
Hình như trong Thắp Tình, với tâm tư của một người xứ Quảng, anh nói về quê hương anh, gia đình thân thuộc anh. Từ lời nói với con gái, đến bài thơ đầy tháng con, từ thư cho mẹ đến thư cho các em, một đời sống dân dã, một thời kỳ chiến tranh đã hiện thực từ những bài thơ chan chứa tình cảm của một người nông dân lớn lên từ ruộng đồng với tình cảm chân thực của người miền Trung mà thiên tai nghèo khổ là những điều bình thường. Thơ Thành Tôn gửi mẹ:
Mẹ hiu hắt đèn chong đêm ngóng đợi
Nhà phên thưa gió thấm lạnh câu hò
Núi sông cũng lạnh lùng theo tay với
Của thằng em đói cả tiếng ru hời
Tôi bất lực như quê hương nhỏ bé
Nhìn người thân dần khuất bóng tre buồn
Nghe nỗi nhớ lớn dần lên dáng mẹ
Hình ảnh cha trong xứ sở xa nguồn
Còn ở đó thân gầy tay yếu đuối
Làn da nhăn, mái tóc bạc bơ phờ
Thư cho mẹ cùng xóm thôn cát bụi
Nghe hồn hiền hơi lạnh bốc như thơ
Cha nằm xuống giữa quê hương mòn mỏi
Mảnh đất sầu có tiếp thịt xương không?
Mẹ ở lại đớn đau mềm sợi khói
Thắp cho lòng? Con cháu? Cho non sông?
Thơ hiền lành một thuở. Cái thời kỳ còn yên bình của quê hương, của những đời sống hiền hòa:
Trống sớm làng Trung, chuông chiều xóm Thượng
Tiếng quê hương vang vọng tháng năm dài
Giọng hát: à ơi... chảy tràn tám hướng
Tiếng nói cuộc đời khoan nhặt êm tai
Những thứ ấy những hương đồng phấn nội
Tô điểm cuộc đời thầm lặng thêm duyên
Dù nắng rào đường, dù mưa chắn lối
Chốn quê tình vẫn đậm nét trinh nguyên
Nếp sống bình yên màu xanh sắc lá.
Gói ghém cuộc đời nắng hạ mưa đông
Đợt khói lam chiều tương tư mái rạ
Anh có thấy gì trong đó hay không?
Phần 2 của Thắp Tình lại là những âm vọng khác, rất lạ lùng so với phần đầu. Theo ý kiến của tôi, hình như Thành Tôn muốn tạo dựng một khuôn dáng khác, nhiều trăn trở và đầy những câu hỏi đặt ra những vấn nạn có tính siêu hình. Cái tôi hiện hữu là cái tôi nào? Ở Miền Cư Ngụ nào? Người thi sĩ tự hỏi, tự đặt vấn đề nhưng hình như chẳng quan tâm đến câu trả lời. Với tâm cảm của một người đọc thơ, dường như tôi thấy được nỗi phân vân của kiếp con người. Tôi cũng có lúc tâm thể mình như bị đẩy vào một ma trận mà lời giải đáp chỉ mờ mờ nhân ảnh và nỗi băn khoăn cứ mãi mãi trong lòng. Đời sống như dài thêm những núi cao và những lũng sâu của những biến cố trong hành trình riêng mỗi người nên làm gần nhau những quãng thời gian. Năm 1969 Thành Tôn viết những câu thơ này sao với tôi tưởng như anh viết bây giờ với những vấn nạn chưa lý giải được. Câu hỏi vẫn còn nguyên dù đã nhiều lần cố gắng trả lời.
Bước chân đuổi theo cùng ngày tháng
Con đường vòng không dẫn đến đâu
Muốn soi mặt mình gương đã rạn
Tôi trở về tôi như vực sâu
Tôi thỏa thuận xác thân miền cư ngụ
Nhận sống đời như chuyện đã đành
Cha mẹ anh em cùng ngôn ngữ
Trao đổi nhau như dĩ nhiên...
Cái tôi của phần đầu tập thơ, cùa nhân dáng bình thường có phải là cái tôi của phần sau với những bài thơ có tính phức tạp hơn? Có người cho rằng chỉ có một, một nhân dáng, một biểu tượng mà thôi. Nhưng cũng có người nhận định khác. Bởi vì, cái tôi này chưa hẳn là cái tôi kia! Thi sĩ vẫn còn phân vân khi nhận dạng chính mình thì làm sao người khác quyết đoán là một hay hai. Sống có phải là chơi trò cút bắt đi tìm chính khuôn mặt mình. Bóng với hình còn lẫn lộn xác thân một đôi khi:
Tôi chóng mặt đi theo chiều trôn ốc
Va vào đầu dội lại số phận buồn
Tay thủ thế lăn từng vòng ảo tưởng
Mặt mày tôi lem luốc nỗi bi thương
Thử đứng lại nhưng dòng sông vẫn chảy
Tôi buông tôi theo triều lũ xa bờ
Mặt xây xẩm tay ngoằn ngoèo mất dạy
Đấm đá tôi và cấu xé thơ.
Tôi xa lạ như tháng ngày cuốn hút
Tách khỏi tôi và đứng lại nhìn
Mặt vuông vức, tóc đen niềm cốt nhục
Đá vào tôi con vụ đảo điên
Tôi lấy trớn để thăng bằng lại
Nhưng quẩn quanh sơ ý vấp luôn luôn
Trò chơi cũ không gây thêm hào hứng
Tôi ngọt ngào như vết thương
Có - Không. Giả - Thật. Cũ - Mới. Kẻ lạ - người quen. Tôi giây phút này và tôi thời khắc kia. Hình như lúc nào cũng chập chờn không nguôi trong thơ Thành Tôn, kể cả khi đã vào lòng đất:
Có không nhục thể linh hồn
Dưới kia đất lạnh tiếp nguồn thịt xương
Tay xuôi lòng đó bình thường
Nhân sinh cõi trú đôi đường chia xa
Có không danh lợi chính tà
Tiếng tai người giữ mảnh da kẻ thờ
Duỗi thân phù phiếm tay chờ
Tình kia ấm lạnh mấy bờ hồng hoang
Có không son sắt đá vàng
Bàn chân nghiệp chướng nẻo đàng thu sương
Về đây nấm đất hoang đường
Nằm nghe hơi thở côn trùng phân thây...
Đọc Thắp Tình, một tập thơ in năm 1969, nhưng ở Quận Cam đúng nửa thế kỷ sau tôi như người vừa trở về đời tôi khi còn trai trẻ. Cũng những phân vân ngờ vực cuộc đời dù cách xa nhau một khoảng thời gian không gian biền biệt. Cũng những niềm nghi nỗi hoặc có tính siêu hình của một thời mà tấm lòng trắng bong của buổi thanh xuân. Có phải tôi đã làm mới những mảnh phận đời đã cũ trong buổi tối mưa bụi đêm nay?
Đặc biệt ở hải ngoại, nhà thơ Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã bỏ công bỏ của để tìm lại những cuốn sách bị tiêu hủy ở trong nước hiện nay còn những ấn bản ở các thư viện và in lại để phổ biến. Nhiều người đã rất khâm phục việc làm này và gọi là những người làm hồi sinh văn học miền Nam đã bị bức tử. Nhà thơ Trần Hoài Thư tên tộc là Trần Quý Sách, một người bạn đã nói đùa là tên tiền định. Ông yêu quý sách vở, tự tay mình in ra những cuốn sách mà ông nghĩ tượng trưng cho một thời kỳ văn học và sẵn sàng gửi cho đến những người đồng điệu, trân quý những gia tài văn hóa. Những cuốn sách không phải chỉ là đơn thuần những trang chữ mà còn chan chứa bao nhiêu ý tình của một người dâng hiến cho văn chương. Tôi tưởng tượng ra những khó khăn, những trở ngại của ông khi làm công viêc ấy. Nhất là trong một đời sống thúc bách với nhịp đẩy kinh khiếp mà thời gian là tiền bạc của xứ sở định cư nước người. Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã hoàn tất những bộ sách đồ sộ, in lại từ những tinh hoa của 20 năm văn học miền Nam. Thư Ấn Quán với những bộ sách: Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến dày 1600 trang gồm 2 cuốn,Văn Miền Nam Thời Chiến tổng cộng 2400 trang gồm 4 cuốn. Rồi những cuốn như Thơ Tự Do Miền Nam, Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thơ Tình Miền Nam, những công trình sưu khảo mà những nhà nghiên cứu văn học bắt buộc phải đọc nếu muốn ghi chép lại những tượng hình của một nền văn học bị tàn phá và tiêu diệt đến tận cùng theo chủ trương và chính sách của những người Cộng Sản tôn thờ một thứ chủ nghĩa ngoại lai Cộng Sản. Hơn thế nữa, Thư Ấn Quán còn thực hiện những tuyển tập hoặc in lại những tác phẩm của các nhà văn miền Nam trong tinh thần tưởng niệm. Chân dung tác giả và tác phẩm một thời lừng lẫy đã được tạo dựng lại ở hải ngoại sau khi đã bị triệt bỏ bôi xóa ở trong nước.
Trần Hoài Thư đã tận dụng những sách vở của 20 năm văn học miền Nam lưu trữ trong các thư viện danh tiếng Hoa Kỳ, sao chép lại rồi tự mình in ấn và phát hành. Công việc của ông bao gồm mọi việc từ trình bày, in ấn, đóng gáy của một thợ in kèm theo công việc của người biên tập sáng tác. Từ bước khởi đầu một mình, sau có nhiều người có lòng với văn chương chữ nghĩa góp sức. Khi nhà thơ Thành Tôn định cư ở Hoa Kỳ, anh đã tham dự ngay và góp phần rất lớn trong công việc chung ấy. Nhà văn Trần Văn Nam lúc còn sinh thời đã viết:
Hỏi anh sưu tầm khi nào anh cho biết khi ra khỏi giai đoạn ngồi tù cải tạo năm 1983, anh đã đi lục lạo ở các vỉa hè bán sách cũ ở Sài Gòn và đã thu gom được hai va ly chỉ đựng toàn sách báo cũ để chuẩn bị đi ra nước ngoài theo chương trình HO (không rõ anh đến Mỹ năm nào). Nhờ vậy anh đã cung cấp một số tài liệu quý hiếm cho nhà xuất bản Thư Ấn Quán của nhà thơ Trần Hoài Thư làm nên một phần đóng góp đáng kể cho những bộ sách đã được in ấn sau này.
Có lẽ, theo tôi biết, Thành Tôn là người có nhiều sách quý hiếm về văn học Việt Nam nhất. Tôi cũng là một người yêu sách vở có lần đến nhà anh chơi đã cầm trên tay những cuốn sách cũ đã qua mấy chục năm phong trần mà lòng cảm thấy xôn xao một nỗi niềm khó tả. Cuốn sách không phải chỉ là một cuốn sách bình thường mà còn gợi lại cho tôi một thời gian nào, một khung cảnh nào tuy đã rất xa trong quá khứ nhưng lại ấm áp gần gũi trong hiện tại. Đối với tôi, từ nhan đề sách đến tên tác giả, tuy chưa bao giờ gặp mặt nhưng sao gần gũi quá. Họ là những người thầy dạy tôi biết suy nghĩ biết yêu thương và dẫn dắt tôi đi trên những con đường mà tôi nghĩ rất diệu kỳ. Với sách vở, tôi tình nguyện làm người học trò luôn tìm kiếm kiến thức. Và như thế , tôi yêu sách vở cũng là một phần để biểu lộ sự biết ơn đối với những người góp công tạo thành cuốn sách. Tôi làm thân với anh Thành Tôn từ cảm nghĩ như vậy.
Những cuốn sách dường như có một linh hồn thiêng liêng. Những trang và những trang, không nói nhưng trong cõi vô thanh có những tâm ý thoảng qua từ con chữ. Những trang giấy vàng úa thời gian, nhắc lại những thời kỳ không thể nào quên của hè đường Sài Gòn với những cuốn sách cũ như trêu gan với đất trời. Cuốn sách này tôi nâng niu trên tay với mong ước có tiền để dành mang về để ngắm cho chán chê rồi giở từng trang cho khát thèm chữ nghĩa. Tạp chí này, của một thời đi lính xa xôi nơi biên trấn, đọc để nhớ em và nhớ Sài Gòn. Trong không gian mù mịt cơn mưa, nghe thấm lạnh từng câu thơ, nghe nóng bừng từ những tâm tư thời trai trẻ. Một cuộc sống nào tưởng đã phôi pha nhưng bây giờ thức dậy sau cơn ngủ vùi quên lãng. Có khi, như một kẻ dong chơi, đi lạc vào những lãnh địa có lúc thâm u tịch lặng, của một nền văn hóa ngàn xưa để thấy lại cái khôn cùng kiến thức của cha ông để lại. Và hạnh phúc nào hơn khi có người đồng điệu cùng chia sẻ.
Thành Tôn là người hào phóng. Anh sẵn sàng chia sẻ với bạn bè những cuốn sách mà anh đã có với nhiều nỗ lực để có. Đi định cư, ít có ai chỉ mang có hai va ly sách cũ để khởi đầu cuộc sống xứ người. Có những cuốn quý hiếm anh sẵn sàng tặng không cho tác giả. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của những người được tặng món quà tinh thần vô giá ấy. Nhưng nếu có người hay quên, thì Thành Tôn cũng rất bình thường và sẵn sàng sẽ tặng không cho những người hay quên đó một khi họ cần đến. Từ đó, tôi mới hiểu thấu đáo câu nói của cổ nhân, vật cho đã quý nhưng cách cho lại quý báu hơn nhiều...
Tôi quen với anh cũng chưa lâu lắm nhưng cũng khoảng mười mấy năm. Anh là người nói rất nhiều về văn chương nhưng rất ít về chuyện thị phi đời thường. Nhưng không phải anh là một người kín tiếng thủ thân. Trong nhận định có nét sâu sắc nhưng trầm lắng. Anh có cách nói riêng của người thông hiểu lẽ đời và biết cách ứng xử. Qua nhiều câu chuyện với anh, tôi hiểu được những lời khuyên gián tiếp. Anh nói anh chỉ quan tâm đến mặt tích cực của văn chương, nhắc đến cái hay cái đẹp mà không bao giờ đề cập đến những tiêu cực những điều làm mất đi những nét lý tưởng của văn chương. Tôi bản tính thẳng thắn nên trong nhiều trường hợp đã không đồng ý với cách thế trên. Nhưng bất cứ lúc nào tôi cũng coi anh như một người anh lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời và hiểu những lời anh nói không phát xuất từ môi miếng giả dối. Sống an nhiên, coi tất cả mọi người là bạn, thẳng thắn, anh có một phong cách đáng trọng, theo tôi. Phong cách ấy, không phải dễ tạo dựng trong đời.
Mấy lúc gần đây anh và bạn trẻ Phan Vũ đã thực hiện số hóa nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng và những tạp chí đã nối tiếp nhau hình thành một dòng văn học khởi sắc. Sưu tập tác phẩm, đánh máy hay copy lại từ nguyên bản rồi post lên mạng là một công việc đòi hỏi nhiều thời giờ và kiên nhẫn của một lòng yêu chữ nghĩa tuyệt đối. Hãy thử tưởng tượng, ngày này qua ngày khác, tuần này đến tuần khác, hàng ngàn trang sách được phổ biến, mới thấy được giá trị của những công việc âm thầm này. Dù kỹ thuật đã rất tiến bộ nhưng cũng cần có những tấm lòng của những người xử dụng nó. Nếu không, chỉ là những thành quả vô hồn...
Tôi đọc thơ anh. Thành Tôn chỉ in có một tuyển tập thơ. Thắp Tình cách nay nửa thế kỷ. Trước khi đọc tôi tự hỏi. Có cũ không? Có bị trôi đi theo dòng thời gian không? Nhưng lại tự trả lời. Đọc thơ mà có định kiến thì chắc không tạo được hứng thú và nếu có cảm giác thì cũng chưa chắc trung thực. Một lúc nào đó tôi để lòng trống không và đọc những trang thơ. Giây phút lý tưởng để có một nhịp cầu liên cảm...
Tôi sẽ đọc Thắp Tình bằng một bài lục bát của mình. Bộ văn xuôi không đủ để mình “thi thố’ hay sao? Hay ngứa tay muốn “đua đòi” với thi sĩ Thành Tôn? Tôi phải tự giải thích. Tôi đọc thơ bằng thơ, bởi vì tôi cảm thấy từ những con chữ của anh có một điều gì đồng cảm từ đời sống và những điều khó nói bằng ngôn ngữ bình thường lại dễ dàng nói bằng ngôn ngữ thi ca hơn. Có người hỏi. Có cũ không khi đọc những bài thơ cách nay nửa thế kỷ. Thì với thơ, tôi trả lời. Thế nào là ý niệm cũ và mới, có khi cũ mà mới và có khi ngược lại. Có nghĩa là tùy người thơ cảm thấy hay không cảm thấy và cũ - mới, có - không cũng chẳng cần cho người đọc thơ. Với cảm nghĩ riêng tôi, cách hay nhất là cứ để thi sĩ nói chuyện, dù bây giờ hay trước đây nửa thế kỷ. Mà đọc những câu thơ là một cách đọc tuyệt diệu để bắt tìm cảm hứng...
Bài Lục Bát gửi Thành Tôn
Gương soi. Bóng cứ hỏi hình
Riêng ta, kẻ lạ dập dình đứng riêng
Cất trong tâm não còn nguyên
Ý ngờ vực chợt cô miên dáng chiều
Vấn tra. Tra vấn. Đủ điều
Đỏ. Vàng. Mũ đội đăm chiêu chỗ ngồi
Mấy chục năm biền biệt trôi
Hỏi ta sao ánh trăng soi - một mình
Thắp Tình, chờ đến bình minh
Mất - còn, một cõi tử sinh vô cùng
Phân vân duyên nghiệp dửng dưng
Thế thân nào giữa muôn trùng bể dâu
Gương soi. Ánh mắt nhạt mầu
Bóng hình. Hình bóng. Xưa sau chạnh lòng
Triều lịch sử bãi mênh mông
Trước sau. Sau trước. Chưa xong cuộc ngờ
Chữ vô tự vẫn cơn mơ
Cõi phần thư ngẫm hư vô cuộc bày
Ẩn tên. Ẩn nghĩa. Loay hoay
Nhân danh người khác mặt mày: - Lạ? Quen?
Ừ. Thì vẫn một cái tên...
Có phải ở một đỉnh điểm nào đó tôi đã gặp Thành Tôn dù chung - riêng đã khác. Làm bài thơ tặng thi sĩ, không biết có phải là việc dư thừa. Hôm nay, bây giờ tôi đọc thơ anh. Chứ không phải miên man về cái không gian thời gian ngút ngàn của tập thơ và người thơ để nghi hoặc về cái mới và cái cũ, về cái hôm qua xa vời và cái hôm nay gần cận một vòng ay ôm...
Hình như trong Thắp Tình, với tâm tư của một người xứ Quảng, anh nói về quê hương anh, gia đình thân thuộc anh. Từ lời nói với con gái, đến bài thơ đầy tháng con, từ thư cho mẹ đến thư cho các em, một đời sống dân dã, một thời kỳ chiến tranh đã hiện thực từ những bài thơ chan chứa tình cảm của một người nông dân lớn lên từ ruộng đồng với tình cảm chân thực của người miền Trung mà thiên tai nghèo khổ là những điều bình thường. Thơ Thành Tôn gửi mẹ:
Mẹ hiu hắt đèn chong đêm ngóng đợi
Nhà phên thưa gió thấm lạnh câu hò
Núi sông cũng lạnh lùng theo tay với
Của thằng em đói cả tiếng ru hời
Tôi bất lực như quê hương nhỏ bé
Nhìn người thân dần khuất bóng tre buồn
Nghe nỗi nhớ lớn dần lên dáng mẹ
Hình ảnh cha trong xứ sở xa nguồn
Còn ở đó thân gầy tay yếu đuối
Làn da nhăn, mái tóc bạc bơ phờ
Thư cho mẹ cùng xóm thôn cát bụi
Nghe hồn hiền hơi lạnh bốc như thơ
Cha nằm xuống giữa quê hương mòn mỏi
Mảnh đất sầu có tiếp thịt xương không?
Mẹ ở lại đớn đau mềm sợi khói
Thắp cho lòng? Con cháu? Cho non sông?
Thơ hiền lành một thuở. Cái thời kỳ còn yên bình của quê hương, của những đời sống hiền hòa:
Trống sớm làng Trung, chuông chiều xóm Thượng
Tiếng quê hương vang vọng tháng năm dài
Giọng hát: à ơi... chảy tràn tám hướng
Tiếng nói cuộc đời khoan nhặt êm tai
Những thứ ấy những hương đồng phấn nội
Tô điểm cuộc đời thầm lặng thêm duyên
Dù nắng rào đường, dù mưa chắn lối
Chốn quê tình vẫn đậm nét trinh nguyên
Nếp sống bình yên màu xanh sắc lá.
Gói ghém cuộc đời nắng hạ mưa đông
Đợt khói lam chiều tương tư mái rạ
Anh có thấy gì trong đó hay không?
Phần 2 của Thắp Tình lại là những âm vọng khác, rất lạ lùng so với phần đầu. Theo ý kiến của tôi, hình như Thành Tôn muốn tạo dựng một khuôn dáng khác, nhiều trăn trở và đầy những câu hỏi đặt ra những vấn nạn có tính siêu hình. Cái tôi hiện hữu là cái tôi nào? Ở Miền Cư Ngụ nào? Người thi sĩ tự hỏi, tự đặt vấn đề nhưng hình như chẳng quan tâm đến câu trả lời. Với tâm cảm của một người đọc thơ, dường như tôi thấy được nỗi phân vân của kiếp con người. Tôi cũng có lúc tâm thể mình như bị đẩy vào một ma trận mà lời giải đáp chỉ mờ mờ nhân ảnh và nỗi băn khoăn cứ mãi mãi trong lòng. Đời sống như dài thêm những núi cao và những lũng sâu của những biến cố trong hành trình riêng mỗi người nên làm gần nhau những quãng thời gian. Năm 1969 Thành Tôn viết những câu thơ này sao với tôi tưởng như anh viết bây giờ với những vấn nạn chưa lý giải được. Câu hỏi vẫn còn nguyên dù đã nhiều lần cố gắng trả lời.
Bước chân đuổi theo cùng ngày tháng
Con đường vòng không dẫn đến đâu
Muốn soi mặt mình gương đã rạn
Tôi trở về tôi như vực sâu
Tôi thỏa thuận xác thân miền cư ngụ
Nhận sống đời như chuyện đã đành
Cha mẹ anh em cùng ngôn ngữ
Trao đổi nhau như dĩ nhiên...
Cái tôi của phần đầu tập thơ, cùa nhân dáng bình thường có phải là cái tôi của phần sau với những bài thơ có tính phức tạp hơn? Có người cho rằng chỉ có một, một nhân dáng, một biểu tượng mà thôi. Nhưng cũng có người nhận định khác. Bởi vì, cái tôi này chưa hẳn là cái tôi kia! Thi sĩ vẫn còn phân vân khi nhận dạng chính mình thì làm sao người khác quyết đoán là một hay hai. Sống có phải là chơi trò cút bắt đi tìm chính khuôn mặt mình. Bóng với hình còn lẫn lộn xác thân một đôi khi:
Tôi chóng mặt đi theo chiều trôn ốc
Va vào đầu dội lại số phận buồn
Tay thủ thế lăn từng vòng ảo tưởng
Mặt mày tôi lem luốc nỗi bi thương
Thử đứng lại nhưng dòng sông vẫn chảy
Tôi buông tôi theo triều lũ xa bờ
Mặt xây xẩm tay ngoằn ngoèo mất dạy
Đấm đá tôi và cấu xé thơ.
Tôi xa lạ như tháng ngày cuốn hút
Tách khỏi tôi và đứng lại nhìn
Mặt vuông vức, tóc đen niềm cốt nhục
Đá vào tôi con vụ đảo điên
Tôi lấy trớn để thăng bằng lại
Nhưng quẩn quanh sơ ý vấp luôn luôn
Trò chơi cũ không gây thêm hào hứng
Tôi ngọt ngào như vết thương
Có - Không. Giả - Thật. Cũ - Mới. Kẻ lạ - người quen. Tôi giây phút này và tôi thời khắc kia. Hình như lúc nào cũng chập chờn không nguôi trong thơ Thành Tôn, kể cả khi đã vào lòng đất:
Có không nhục thể linh hồn
Dưới kia đất lạnh tiếp nguồn thịt xương
Tay xuôi lòng đó bình thường
Nhân sinh cõi trú đôi đường chia xa
Có không danh lợi chính tà
Tiếng tai người giữ mảnh da kẻ thờ
Duỗi thân phù phiếm tay chờ
Tình kia ấm lạnh mấy bờ hồng hoang
Có không son sắt đá vàng
Bàn chân nghiệp chướng nẻo đàng thu sương
Về đây nấm đất hoang đường
Nằm nghe hơi thở côn trùng phân thây...
Đọc Thắp Tình, một tập thơ in năm 1969, nhưng ở Quận Cam đúng nửa thế kỷ sau tôi như người vừa trở về đời tôi khi còn trai trẻ. Cũng những phân vân ngờ vực cuộc đời dù cách xa nhau một khoảng thời gian không gian biền biệt. Cũng những niềm nghi nỗi hoặc có tính siêu hình của một thời mà tấm lòng trắng bong của buổi thanh xuân. Có phải tôi đã làm mới những mảnh phận đời đã cũ trong buổi tối mưa bụi đêm nay?