~ NGUYỄN THÁI LONG ~
Nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt ngày 30 tháng 4, năm 1975 khi Cộng Sản Bắc Việt xua quân cưõng chiếm miền Nam. Kể từ đó, biết bao quân, dân, cán chính và gia đình của họ đã phải chịu cảnh tù đày, ly tan. Đối với Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên (Bộ VHGD&TN), vị Tổng Trưởng cuối cùng, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, cũng đành phải cam phận như bao nhiêu người dân miền Nam khác.
Nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt ngày 30 tháng 4, năm 1975 khi Cộng Sản Bắc Việt xua quân cưõng chiếm miền Nam. Kể từ đó, biết bao quân, dân, cán chính và gia đình của họ đã phải chịu cảnh tù đày, ly tan. Đối với Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên (Bộ VHGD&TN), vị Tổng Trưởng cuối cùng, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, cũng đành phải cam phận như bao nhiêu người dân miền Nam khác.
Tôi còn nhớ, sau ngày 1 tháng 5, 1975, Giáo Sư Xuân gọi tôi và hẹn cùng nhau đến Bộ trên đường Lê Thánh Tôn. Tôi gặp ông cách cổng vào Bộ không xa. Chúng tôi tiến vào cổng Bộ. Tôi trình thẻ căn cước cho cô nhân viên phụ trách nhưng cô không xem, trả lại và mời ‘Xin mời thầy vào’. Cô vừa dứt lời thì cả toán bộ đội Cộng Sản đứng bên giận dữ, la hét, quở trách cô. Tôi trình lại căn cước. Sau khi họ xem kỹ, hất mặt cho tôi vào.
Giáo Sư Xuân và tôi định lên văn phòng cũ của Tổng Trưởng ở trên lầu nhưng bị chận lại. Tôi hướng dẫn Giáo Sư Xuân đi về phía văn phòng cũ của tôi, nhưng cũng không đuợc phép vào. Chúng tôi đi ra phía sau sân của Bộ. Bộ đội Cộng Sản ngồi, nằm ngổn ngang. Một số đang nấu ăn. Khi đi ngang qua chỗ nấu ăn, Giáo Sư Xuân ngừng lại, hỏi thăm vài câu xã giao, đoạn móc bóp ra tặng các ‘anh em’ một số tiền nhỏ để mua thêm thức ăn. Giã từ Bộ lần cuối, nhưng cho đến nay, lòng tôi cảm thấy vẫn còn thiếu cô nhân viên phụ trách gác cổng Bộ lời cám ơn và xin lỗi. Cám ơn, vì cô đã dành cho tôi sự dễ dãi. Xin lỗi, vì tại tôi mà cô bị cán bộ Cộng Sản xỉ mắng.
Khi lệnh trình diện theo diện ‘ngụy quyền’ tại Trường Trung Học Gia Long được ban ra, Giáo Sư Xuân gọi tôi và nhắn tôi gọi các anh em khác cùng đến trình diện tập thể vào ngày Thứ Sáu, 13 tháng 5, năm 1975. Tôi chuẩn bị hành trang. Sau đó tôi được một vị có kinh nghiệm với Cộng Sản khi còn ở miền Bắc cho biết, khi Cộng Sản vào, chúng sẽ tịch thu những đồ dùng trong nhà không có biên lai. Tôi phải chạy kiếm giấy biên lai nên không đến trình diện cùng ngày như đã hẹn với Giáo Sư Xuân.
Hạn cuối trình diện là ngày 15 tháng 5, 1975. Đúng ngày, tôi từ nhà bước qua đường đến Trường Trung Học Gia Long. Mới khoảng một tuần trước khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trường Gia Long đã ‘ưu ái’ nhận được hai quả đại pháo của ‘Bác’ tặng. Bà Hiệu Trưởng Trường Trung Học Gia Long, Phạm Thị Tất, chạy qua hỏi ý kiến tôi xem phải làm thế nào. Mặc dầu trong lòng đang ngổn ngang, tôi cố giữ nét bình tĩnh khuyên bà Hiệu Trưởng nên cùng gia đình tạm rời khỏi ngôi trường ngay. Từ trước đến nay tôi vẫn dành sự kính mến cho bà Hiệu Trưởng. Lòng kính mến của tôi lại dâng cao hơn khi tôi nhìn thấy bà, trong lúc gần giờ thứ 25, vẫn còn cố muốn bảo vệ ngôi trường thân yêu.
Trường Trung Học Gia Long, một ngôi trường lớn nổi tiếng ở miền Nam, nơi đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước thì nay được dùng làm nơi tập trung những thành phần gọi là ‘ngụy quyền’ để bắt đi tù cải tạo. Khác với những lần trước ghé thăm trường, lần này tôi đến với ba lô lính mà tôi còn giữ lại khi thụ huấn tại quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Trường Bộ Binh Thủ Đức. Vào trường, tôi không gặp Giáo sư Xuân vì nhóm người trình diện ngày đầu đã được di chuyển lên trại cô nhi Long Thành. Sau vài hôm ở trong trường, tất cả chúng tôi được tâp trung ra sân. Bốn vị được đọc tên và yêu cầu đứng về một bên: Kỹ sư Dương Kích Nhưỡng, cựu Phó Thủ Tướng, nội các Nguyễn Bá Cẩn; cố Giáo Sư Bùi Xuân Bào, Cựu Thứ Trưởng Bộ VHGD&TN, nội các Trần Thiện Khiêm; ông Nguyễn Long Châu, cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, nội các Nguyễn Bá Cẩn; và Đại Tá Văn Văn Của, cựu Đô Trưởng Sàigòn. Số còn lại cho về, chờ lịnh sau.
Cụ Đỗ Văn Rở, đã mất, cựu Phụ Tá Văn Hóa Tổng Trưởng VHGD&TN nói với tôi nếu họ cho về mà mình không có giấy tờ thì sợ sẽ bị công an Phường bắt giữ lại. Cụ bàn với tôi nên đi gặp Thủ Trưởng trại để xin giấy chứng nhận. Chúng tôi gặp anh Thủ Trưởng ở cuối hành lang trường. Anh đang nhìn trời, ngắm mây. Cụ Rỡ cất tiếng:
- Thưa anh Thủ Trưởng, chúng tôi muốn xin anh tờ giấy chứng nhận cho về để trình với công an Phường, Khóm.
Anh Thủ Trưởng vẫn đứng nhìn trời cao, miệng lẩm bẩm:
- Trời hôm nay đẹp quá!
Cụ Rỡ lại thưa. Anh Thủ Trưởng vẫn nhìn trời. Cho đến lần thưa thứ ba thì anh Thủ Trưởng, không nhìn, trả lời ngắn gọn:
- Viết đi.
Cụ Rỡ quay sang tôi:
- Anh Long, mình phải đi kiếm giấy.
Tôi nhanh chân bước vòng quanh sân trường lượm được hai bao thuốc lá không. Tôi xé ra, dùng phần giấy trắng bên trong viết:
‘Cho về. Trình diện sau. Thủ Trưởng tại Trường Gia Long. Ký tên.’
Anh Thủ Trưởng chả cần xem, không cần nhìn, lấy bút quẹt ký. Tôi chia tay với cụ Rỡ để rồi vài tuần lễ sau, tôi lại được lịnh trình diện theo diện ‘nguỵ quân’ tại trường Trung Học Taberd.
Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân được di chuyển về trại cô nhi Long Thành. Sau đó ít tuần lại được chuyển đến trại giam nữ tù Thủ Đức.
Theo bác sĩ Đinh Văn Trúc, cựu Bác Sĩ Trưởng Phòng Y Tế Sinh Viên, Viện Đại Học Cần Thơ thì:
... bác tài xế cũ lái xe cho Giáo Sư Viện Trưởng có đến gặp bác sĩ để chuyển lời nhắn của Giáo sư Viện Trưởng xin ít thuốc trị bịnh dị ứng ngứa. Bác sĩ Trúc đã lên Sàigòn, trao thuốc cho gia đình Giáo Sư Xuân để nhờ chuyển vào cho ông.
Theo ông Triệu Huỳnh Võ, cựu Phụ Tá Tổng Trưởng Thông Tin và Chiêu Hồi, người đã cùng chung trại tù với Giáo sư Xuân cho đến ngày ông mất thì:
Khoảng giữa năm 1976, chiếc máy bay C-130 đã chuyển một số tù từ trại giam Thủ Đức ra trại tù Hà Tây, Bắc Việt Nam, trong đó có ông và Giáo Sư Xuân. Khi cuộc giao tranh với Trung Cộng tại biên giới bùng nổ vào năm 1979, các trại tù ‘nguỵ quân’ nằm gần biên giới Hoa-Việt được Cộng Sản Việt Nam đưa về giam chung với ‘nguỵ quyền’ tại Hà Tây.
Trong bài “Người Nằm Lại Ba Sao”, ông Phan Văn Minh, cựu Đại Tá Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Tổng Thống viết:
Khi được chuyển về trại tù Hà Tây, tôi gặp ông Tiến Sĩ. Tôi nhìn ông bằng một cái nhìn chào hỏi kính mến nhưng ông nhìn tôi với đôi mắt không thần sắc, như đang sống với một quá khứ của hồi gần đây mà giờ đã xa vời vô hạn.
… chân dung của ông Tiến Sĩ đã trở nên bệ rạc một cách quá đau thương trước mắt tôi, mặc dù danh tiếng cũ của ông vẫn còn được trân trọng trong thâm tâm tôi.
Trong một đoạn khác, Đại Tá Minh viết:
Nhân tài xã hội chủ nghĩa chắc là thừa mứa hoặc gỉa trình độ trí thức của họ quá cao nên một ông Tiến Sĩ Kinh Tế, tốt nghiệp tại Hoa Kỳ nay bị họ đày xuống làm kinh tế cò con, chia cơm cho tù… Ông Tiến Sĩ Kinh Tế, ngày xưa cân đai áo mão giờ đây lưng trần trụi, bên dưới là chiếc quần đùi nhà tù, mồ hôi nhể nhại đang khệ nệ bưng những cái soong để lấy cơm cho cả buồng giam từ 50 đến 70 người.
Khi ở trại tù Hà Tây, theo ông Triệu Huỳnh Võ:
Mặc dù trời rét lạnh nhưng sáng nào Giáo Sư Xuân cũng ra giếng tắm cùng ông Trần Văn Tuyên (đã mất trong tù). Và mặc dầu tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn bị xếp làm lao động nặng trong đội gạch.
Năm 1983, trại tù Hà Tây được giải tỏa và tù cải tạo thuộc đủ mọi thành phần khác nhau được chuyển về trại tù Ba Sao ở Nam Hà. Bước vào tuổi lục tuần, phần vì lao động cải tạo, phần vì thiếu dinh dưỡng lại thêm những muộn phiền riêng tư, sức khỏe của Giáo Sư Xuân bắt đầu sa sút nhiều. Nhưng theo Đại Tá Minh thì:
Thỉnh thoảng ông cũng được một vài người bạn cố tri, nhưng có chút thế lực trong chế độ mới, nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa, ghé qua trại thăm hỏi nhân một chuyến công tác nào đó ở Hà Nội. Một số bạn bè khoa bảng của ông ngày trước, đang sinh sống tại ngoại quốc, cũng có can thiệp với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng khi ông này sang Úc qua một chuyến công du, để xin cho ông Tiến Sĩ sớm được tự do. Tiếc thay, những can thiệp đó cũng chỉ là một loại nước đổ đầu vịt, mưa xuống lá khoai.
Giáo Sư Xuân bị bệnh. Nhiều người cho rằng bịnh căn bản của ông là bịnh tim, nhưng ông lại cố tập thể dục với những động tác mạnh để cho máu vận chuyển. Đại Tá Minh mô tả:
Mỗi giờ thể dục buổi sáng của ông, cán bộ bên ngoài vòng rào khu giam đều hay biết vì ông có điệu thở ra, hít vào thật ồn ào nên cán bộ cho ông cái biệt danh ‘tàu Thống Nhất vào ga Hàng Cỏ’.
Trong một đoạn viết khác, Đại Tá Minh cho biết:
Một hôm, vào sáng sớm mùa đông, cả buồng giam đang trùm kín mền để chờ kẻng thức thì nghe có tiếng người té trong phòng vệ sinh và có tiếng la to ‘Anh Xuân xỉu rồi anh em ơi’. Một vài anh em chạy vào phòng khiêng Giáo Sư Xuân ra. Lăng xăng, người xoa bóp, kẻ cạo gió, anh khác la to: báo cáo cán bộ, phòng 2 xin cứu cấp. Một anh bạn lực lưỡng của buồng tình nguyện cõng ông đưa xuống trạm xá. Thường trực trạm xá là ông bác sĩ của Sàigòn cũ, cũng là tù cải tạo. Bác sĩ tên Quýnh nhưng rất bình tĩnh, vì ngoài bản tính bình tĩnh ra ông còn có thêm chứng mắt bị cườm. Nhưng vì quá rành trình độ kỹ thuật của các đồng nghiệp Cộng Sản nên bác sĩ không đồng ý đi mổ mắt lấy cườm ra vì ông cho rằng để chúng nó mổ thì cầm chắc là sẽ bị mù luôn.
Theo ông Triệu Huỳnh Võ:
Bác sĩ Trương Quang Quýnh, đã mất, cựu Giám Đốc Bệnh Viện Đô Thành Sàigòn, đã định bệnh cho Giáo Sư Xuân là bệnh Hodgkin’s disease.
Bịnh Hodgkin’s disease là một chứng bệnh tương tự như ung thư vì các hạch phát triển một cách bất bình thường. Ngoài ra, Giáo Sư Xuân còn bị bịnh dị ứng ngứa.
Khi bịnh đã chuyển qua giai đoạn trầm trọng hơn, Giáo Sư Xuân đã tự chữa lấy bằng cách ngồi thiền, tập phép dưỡng sinh, trị bịnh bằng nước lạnh, ăn cơm cháy thay cơm thường. Nhưng rồi bịnh cũng không thấy thuyên giảm. Đại Tá Minh viết:
Bịnh xá trạm chịu thua, đưa ông đi bịnh viện Phủ Lý giám định. Từ khi đi Phủ Lý về, vốn đã ít nói, ông lại càng ít nói hơn nữa. Dung nhan đượm nhiều nét ưu tư. Ông chỉ sống âm thầm như một cái bóng trong đội, trong buồng. Tôn trọng nếp sống riêng tư của ông, một con người mà anh em trong đội, trong buồng ai ai cũng kính mến mà không ai dám xen vào…
Khi cổ ông bị mọc bướu, bụng ngày càng to, anh em trong đội khuyên ông đi bệnh viện thì ông mỉm cười, chẳng nói chẳng rằng, nhưng với vài chỗ thân tình thì ông cho biết rằng bệnh của ông hiện nay không sao chữa được, sống đành chịu, chết đem theo. Nhưng rồi mấy tuần sau ông đành phải xuống bệnh xá của trại để nằm, không phải để hy vọng chữa trị mà chỉ vì không muốn để căn bệnh của ông phiền hà anh em trong buồng. Trạm đưa ông đi bệnh viện cấp cao ở Phủ Lý, nhưng sau khi giám định, người ta cho ông biết rằng Phủ Lý lẫn Hà Nội cũng không làm gì được, hơn nữa là cho một người tù cải tạo. Ông xin nằm ở trạm xá vì ở đây còn có bạn bè chạy tới chạy lui chăm lo săn sóc.
Vì được sự thương mến của anh em trong trại và vì nhờ sự mua chuộc cán bộ của anh em nên đã có một anh bạn tù tình nguyện được phép cho xuống bệnh xá để túc trực săn sóc ông. Người bạn tù có lòng hào hiệp này là vị Thiếu Tá Cảnh Sát Phạm Hữu Trung, nay là một vị Đại Đức đang ẩn tu tại một ngôi chùa ở vùng miền đông Hoa Kỳ.
Khi ông còn nằm ở bệnh xá, Đại Tá Minh viết:
Trung thực với bản tính của chính mình, ông Tiến Sĩ can đảm chịu đựng một cách thầm lặng niềm đau, nỗi khó của thân tù tội, của tình cảm hời hợt cũng như của căn bệnh ngặt nghèo… Có lúc ông đã tâm sự: ở đời đã khó, ở tù lại càng khó hơn.
Đại Tá Minh viết tiếp:
Sáng sớm hôm đó, như mọi sáng trong những ngày ông Tiến sĩ nằm bệnh xá, sau khi ‘cửa chuồng’ vừa mở, một số anh em trong đội vừa chạy thể dục vừa ghé qua bệnh xá để thăm ông. Vừa đến nơi thì anh em đã nghe tiếng khóc tiếc thương của anh Trung. Một tiếng khóc hiếm có của người tù cải tạo sau hơn mười năm cay đắng mùi đời, đã gây niềm xúc động mạnh mẽ trong lòng người tiếp nhận và đã thê thảm nói lên lời ái tín đau buồn chưa từng có bao giờ… Từ lúc nào đó, có lẽ từ khi ông Tiến Sĩ trút hơi thở cuối cùng hồi đêm, anh Trung đã chít trên đầu chiếc khăn tang làm bằng miếng vải trắng xé ở chiếc áo của ông Tiến sĩ, mà phần còn lại đã được mặc vào cho ông để làm y phục về nơi vĩnh viễn.
Thân xác của Giáo Sư Xuân đã được vùi chôn bên kia ngọn đồi của trại tù Ba Sao, Nam Hà. Theo Đại Tá Minh, Giáo Sư Xuân mất ngày 10 tháng 12, năm 1986. Tiến Sĩ Huỳnh Long Vân ghi ngày mất của ông là ngày 10 tháng 11, năm 1986.
* * *
Ngược thời gian, trước ngày 30 tháng 4, năm 1975, trong những năm còn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đặt trọng tâm vào việc phát triển các ngành sư phạm và canh nông. Ông đã đẩy mạnh việc đào tạo giáo chức trung cấp để mở rộng việc nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ chuyên môn với kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp đã được đổi thành trường Đại Học Nông Nghiệp, đào tạo cấp kỹ sư. Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân còn có dự tính thiết lập một trường Đại Học Y Khoa cho miền Tây.
Khi Giáo Sư Xuân về đảm trách Bộ VHGD&TN, ông phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách. Một trong những vấn đề đó là việc định cư hàng ngàn học sinh, giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung. Ông giao cho tôi phụ trách phần cứu trợ. Một trung tâm tiếp nhận và cứu trợ đã được thiết lập tại Sàigòn và một trung tâm tạm định cư các giáo chức được lập tại Thủ Đức. Vì lý do an ninh, các giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung không được phép vào đất liền mà phải tạm trú tại đảo Phú Quốc cho đến khi có sự xác nhận của Bộ VHGD&TN. Ông yêu cầu tôi hướng dẫn một phái đoàn Thanh Tra ra Phú Quốc cứu trợ vá cố giúp đưa các gia đình giáo chức vào đất liền. Một ngân khoản 10 triệu đồng đã được xuất ra để đem theo cứu trợ. Khi gần đến giờ máy bay cất cánh thì tôi được thông báo chi phiếu của Bộ không được Tổng Nha Ngân Khố cho lãnh và đây là lệnh chung cho mọi cơ quan. Tôi điện thoại cho bà Lý Hoa, đã mất, cựu Tổng Giám Đốc Ngân Khố. Vì được xác nhận và vì chỗ quen biết nên bà Lý Hoa đã cho lệnh đặc biệt phát tiền. Trong một đêm đang ngồi trên sàn gỗ, nơi từng giam các cán binh Cộng Sản, để cùng anh em trong phái đoàn làm việc dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến, tôi chợt nghe radio phát thanh cuộc bàn giao giữa Tổng Thống Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh. Chúng tôi quyết định làm việc suốt đêm để tạm kết thúc công tác chứng nhận và phát tiền cứu trợ. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi đi Honda ôm ra phi trường Phú Quốc để về Sàigòn. May mắn, chúng tôi tìm được đủ chỗ ngồi trên sàn của một vận tải cơ Úc.
* * *
Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, Cần Thơ. Ông là cựu học sinh Collège de Cần Thơ, sau này là trường Trung Học Phan Thanh Giản. Sau khi đậu bằng Diplome (Trung Học Đệ Nhất Cấp), ông sang Pháp tiếp tục học và đã tốt nghiệp bằng Cử Nhân Kinh Tế. Ông đậu bằng Cao Học Kinh Tế tại Anh và Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại Học Vanderdbilt, Nashville, Tennessee, Hoa Kỳ.
Giáo Sư Xuân đã từng phục vụ trong Bộ Kinh Tế khi ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Tổng Trưởng, thời Đệ Nhất Công Hòa. Ông là Tùy Viên Báo Chí Phủ Thủ Tướng, nội các Nguyễn Ngọc Thơ, kiêm Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã. Ông đã giữ các chức vụ Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Hợp Tác và Nông Tín; Tổng Trưởng Kinh Tế, nội các Nguyễn Văn Lộc; cố vấn Kinh Tế cho Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Trước khi về Bộ VHGD&TN, ông là Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ. Giáo Sư Xuân còn giảng dạy tại các trường Đại Học Luật Khoa và Quốc Gia Hành Chánh.
Là một nhân tài, với tính tình hòa nhã, hiền hậu, khiêm nhường; với tính trẻ trung, thân thiện; với tinh thần cởi mở, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đóng góp nhiều cho các ngành sư phạm, canh nông, ngân hàng, hành chánh và kinh tế. Cuộc cưỡng chiếm miền Nam của Cộng Sản đã gây biết bao cảnh tang tóc, phân ly, hận thù cho nhân dân miền Nam. Dù Cộng Sản Việt Nam có dựng lên bao nhiêu nhà tù cải tạo để cố tìm cách “thay óc, đổi hồn” những quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa, họ không bao giờ đạt được ý nguyện hão huyền đó.
Cũng như bao nhiêu bạn tù thầm lặng khác, dù bị đày đọa về tinh thần lẫn vật chất, dù lâm vào cảnh thiếu ăn, bệnh tật, nhưng Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, không than van, vẫn nín lặng, vẫn cam phận với số mệnh của mình cho đến ngày nhắm mắt lìa trần như nhà văn Alfred de Vigny đã mô tả chủ nghĩa khắc kỷ (stoicisme) qua bài ‘Cái Chết Của Con Chó Sói’ (La Mort du Loup): Rên rỉ, khóc than, cầu xin đều là hèn nhát (Gémir, pleurer, prier, est également lâche). Ông đã chấp nhận số phận an bài cho mình (Dans la voie où le sort a voulu t’appeler). Và cuối cùng, đau khổ, chết không một lời than trách (Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler).
Tôi viết lên những dòng chữ này để thay nén hương, thắp lên nhân ngày giỗ của ông cựu Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân và cũng là thay lời ân cần thăm hỏi gởi đến hai ái nữ của ông, nghe nói, hiện đang cư ngụ tại Pháp.
Sacramento, ngày 10 tháng 11, năm 2008
Phụ Đính
Trích email ngày 26 tháng 1, 2009 của anh Ngô Hữu Liễn, cựu Thanh Tra, Thanh Tra Đoàn, Bộ VHGD&TN gởi tác giả bài viết:
Đọc bài của anh nói về giáo sư Nguyễn Duy Xuân, tôi thấy anh viết tới việc chúng ta đi Phú Quốc vào những ngày cuối của VNCH. Tôi tưởng sự việc này đối với tôi là một kỷ niệm khó quên như ‘chẳng có ai còn nhớ’ thì nay được anh nhắc lại. Cũng vì vậy những sự kiện khác trong giai đoạn này trong tôi lần lượt hiện ra. Đây có phải là hành trang tuổi già của chúng ta? Xin cám ơn anh. Tuổi già nhớ nhớ quên quên nhưng những sự kiện này tôi không hề quên. Tôi còn nhớ như in việc tôi thông báo cho anh biết có sự kiện quan trọng đang xảy ra tại Sài Gòn (bàn giao Tổng Thống) vì tôi nghe radio trong khi anh đang làm việc với giáo chức miền Trung chạy vào Phú Quốc; việc anh yêu cầu tôi đừng phát hết tiền vì cần một số dự phòng để đi ghe về Rạch Giá (tôi có nhiệm vụ giữ bị bạc đem theo); việc anh trở lại sau khi gặp Quận Trưởng Phú Quốc là có chuyến máy bay của Úc về Sài Gòn ngày hôm sau; việc anh ra lệnh vứt bọc có số tiền giữ lại để anh em giáo chức chi dùng khi máy bay vừa chuyển bánh sau khi chúng ta lên đến sàn máy bay…
Trích email ngày 9 tháng 4, 2015 của tác giả gởi cho một số quý vị cựu viên chức Bộ VHGD & TN:
Đã gần 40 năm qua, ngày 2 tháng 4, 2015, ái nữ của cố Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, mới có được cơ hội ra tận miền Bắc để bốc mộ và hỏa táng cho cha. Cùng đi với bà Nga còn có Giáo Sư Võ Tòng Xuân, thuộc Viện Đại Học Cần Thơ cũ. Bình tro cốt của Giáo Sư Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân đã được chuyển vào Nam bằng đường xe lửa ngày 6 tháng 4, 2015 và sẽ được lưu giữ tại chùa Thiên Hương, 71 đường Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, nơi mà Dì của bà Nguyễn Duy Xuân đang ẩn tu…
Giáo Sư Xuân và tôi định lên văn phòng cũ của Tổng Trưởng ở trên lầu nhưng bị chận lại. Tôi hướng dẫn Giáo Sư Xuân đi về phía văn phòng cũ của tôi, nhưng cũng không đuợc phép vào. Chúng tôi đi ra phía sau sân của Bộ. Bộ đội Cộng Sản ngồi, nằm ngổn ngang. Một số đang nấu ăn. Khi đi ngang qua chỗ nấu ăn, Giáo Sư Xuân ngừng lại, hỏi thăm vài câu xã giao, đoạn móc bóp ra tặng các ‘anh em’ một số tiền nhỏ để mua thêm thức ăn. Giã từ Bộ lần cuối, nhưng cho đến nay, lòng tôi cảm thấy vẫn còn thiếu cô nhân viên phụ trách gác cổng Bộ lời cám ơn và xin lỗi. Cám ơn, vì cô đã dành cho tôi sự dễ dãi. Xin lỗi, vì tại tôi mà cô bị cán bộ Cộng Sản xỉ mắng.
Khi lệnh trình diện theo diện ‘ngụy quyền’ tại Trường Trung Học Gia Long được ban ra, Giáo Sư Xuân gọi tôi và nhắn tôi gọi các anh em khác cùng đến trình diện tập thể vào ngày Thứ Sáu, 13 tháng 5, năm 1975. Tôi chuẩn bị hành trang. Sau đó tôi được một vị có kinh nghiệm với Cộng Sản khi còn ở miền Bắc cho biết, khi Cộng Sản vào, chúng sẽ tịch thu những đồ dùng trong nhà không có biên lai. Tôi phải chạy kiếm giấy biên lai nên không đến trình diện cùng ngày như đã hẹn với Giáo Sư Xuân.
Hạn cuối trình diện là ngày 15 tháng 5, 1975. Đúng ngày, tôi từ nhà bước qua đường đến Trường Trung Học Gia Long. Mới khoảng một tuần trước khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trường Gia Long đã ‘ưu ái’ nhận được hai quả đại pháo của ‘Bác’ tặng. Bà Hiệu Trưởng Trường Trung Học Gia Long, Phạm Thị Tất, chạy qua hỏi ý kiến tôi xem phải làm thế nào. Mặc dầu trong lòng đang ngổn ngang, tôi cố giữ nét bình tĩnh khuyên bà Hiệu Trưởng nên cùng gia đình tạm rời khỏi ngôi trường ngay. Từ trước đến nay tôi vẫn dành sự kính mến cho bà Hiệu Trưởng. Lòng kính mến của tôi lại dâng cao hơn khi tôi nhìn thấy bà, trong lúc gần giờ thứ 25, vẫn còn cố muốn bảo vệ ngôi trường thân yêu.
Trường Trung Học Gia Long, một ngôi trường lớn nổi tiếng ở miền Nam, nơi đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước thì nay được dùng làm nơi tập trung những thành phần gọi là ‘ngụy quyền’ để bắt đi tù cải tạo. Khác với những lần trước ghé thăm trường, lần này tôi đến với ba lô lính mà tôi còn giữ lại khi thụ huấn tại quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Trường Bộ Binh Thủ Đức. Vào trường, tôi không gặp Giáo sư Xuân vì nhóm người trình diện ngày đầu đã được di chuyển lên trại cô nhi Long Thành. Sau vài hôm ở trong trường, tất cả chúng tôi được tâp trung ra sân. Bốn vị được đọc tên và yêu cầu đứng về một bên: Kỹ sư Dương Kích Nhưỡng, cựu Phó Thủ Tướng, nội các Nguyễn Bá Cẩn; cố Giáo Sư Bùi Xuân Bào, Cựu Thứ Trưởng Bộ VHGD&TN, nội các Trần Thiện Khiêm; ông Nguyễn Long Châu, cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, nội các Nguyễn Bá Cẩn; và Đại Tá Văn Văn Của, cựu Đô Trưởng Sàigòn. Số còn lại cho về, chờ lịnh sau.
Cụ Đỗ Văn Rở, đã mất, cựu Phụ Tá Văn Hóa Tổng Trưởng VHGD&TN nói với tôi nếu họ cho về mà mình không có giấy tờ thì sợ sẽ bị công an Phường bắt giữ lại. Cụ bàn với tôi nên đi gặp Thủ Trưởng trại để xin giấy chứng nhận. Chúng tôi gặp anh Thủ Trưởng ở cuối hành lang trường. Anh đang nhìn trời, ngắm mây. Cụ Rỡ cất tiếng:
- Thưa anh Thủ Trưởng, chúng tôi muốn xin anh tờ giấy chứng nhận cho về để trình với công an Phường, Khóm.
Anh Thủ Trưởng vẫn đứng nhìn trời cao, miệng lẩm bẩm:
- Trời hôm nay đẹp quá!
Cụ Rỡ lại thưa. Anh Thủ Trưởng vẫn nhìn trời. Cho đến lần thưa thứ ba thì anh Thủ Trưởng, không nhìn, trả lời ngắn gọn:
- Viết đi.
Cụ Rỡ quay sang tôi:
- Anh Long, mình phải đi kiếm giấy.
Tôi nhanh chân bước vòng quanh sân trường lượm được hai bao thuốc lá không. Tôi xé ra, dùng phần giấy trắng bên trong viết:
‘Cho về. Trình diện sau. Thủ Trưởng tại Trường Gia Long. Ký tên.’
Anh Thủ Trưởng chả cần xem, không cần nhìn, lấy bút quẹt ký. Tôi chia tay với cụ Rỡ để rồi vài tuần lễ sau, tôi lại được lịnh trình diện theo diện ‘nguỵ quân’ tại trường Trung Học Taberd.
Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân được di chuyển về trại cô nhi Long Thành. Sau đó ít tuần lại được chuyển đến trại giam nữ tù Thủ Đức.
Theo bác sĩ Đinh Văn Trúc, cựu Bác Sĩ Trưởng Phòng Y Tế Sinh Viên, Viện Đại Học Cần Thơ thì:
... bác tài xế cũ lái xe cho Giáo Sư Viện Trưởng có đến gặp bác sĩ để chuyển lời nhắn của Giáo sư Viện Trưởng xin ít thuốc trị bịnh dị ứng ngứa. Bác sĩ Trúc đã lên Sàigòn, trao thuốc cho gia đình Giáo Sư Xuân để nhờ chuyển vào cho ông.
Theo ông Triệu Huỳnh Võ, cựu Phụ Tá Tổng Trưởng Thông Tin và Chiêu Hồi, người đã cùng chung trại tù với Giáo sư Xuân cho đến ngày ông mất thì:
Khoảng giữa năm 1976, chiếc máy bay C-130 đã chuyển một số tù từ trại giam Thủ Đức ra trại tù Hà Tây, Bắc Việt Nam, trong đó có ông và Giáo Sư Xuân. Khi cuộc giao tranh với Trung Cộng tại biên giới bùng nổ vào năm 1979, các trại tù ‘nguỵ quân’ nằm gần biên giới Hoa-Việt được Cộng Sản Việt Nam đưa về giam chung với ‘nguỵ quyền’ tại Hà Tây.
Trong bài “Người Nằm Lại Ba Sao”, ông Phan Văn Minh, cựu Đại Tá Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Tổng Thống viết:
Khi được chuyển về trại tù Hà Tây, tôi gặp ông Tiến Sĩ. Tôi nhìn ông bằng một cái nhìn chào hỏi kính mến nhưng ông nhìn tôi với đôi mắt không thần sắc, như đang sống với một quá khứ của hồi gần đây mà giờ đã xa vời vô hạn.
… chân dung của ông Tiến Sĩ đã trở nên bệ rạc một cách quá đau thương trước mắt tôi, mặc dù danh tiếng cũ của ông vẫn còn được trân trọng trong thâm tâm tôi.
Trong một đoạn khác, Đại Tá Minh viết:
Nhân tài xã hội chủ nghĩa chắc là thừa mứa hoặc gỉa trình độ trí thức của họ quá cao nên một ông Tiến Sĩ Kinh Tế, tốt nghiệp tại Hoa Kỳ nay bị họ đày xuống làm kinh tế cò con, chia cơm cho tù… Ông Tiến Sĩ Kinh Tế, ngày xưa cân đai áo mão giờ đây lưng trần trụi, bên dưới là chiếc quần đùi nhà tù, mồ hôi nhể nhại đang khệ nệ bưng những cái soong để lấy cơm cho cả buồng giam từ 50 đến 70 người.
Khi ở trại tù Hà Tây, theo ông Triệu Huỳnh Võ:
Mặc dù trời rét lạnh nhưng sáng nào Giáo Sư Xuân cũng ra giếng tắm cùng ông Trần Văn Tuyên (đã mất trong tù). Và mặc dầu tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn bị xếp làm lao động nặng trong đội gạch.
Năm 1983, trại tù Hà Tây được giải tỏa và tù cải tạo thuộc đủ mọi thành phần khác nhau được chuyển về trại tù Ba Sao ở Nam Hà. Bước vào tuổi lục tuần, phần vì lao động cải tạo, phần vì thiếu dinh dưỡng lại thêm những muộn phiền riêng tư, sức khỏe của Giáo Sư Xuân bắt đầu sa sút nhiều. Nhưng theo Đại Tá Minh thì:
Thỉnh thoảng ông cũng được một vài người bạn cố tri, nhưng có chút thế lực trong chế độ mới, nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa, ghé qua trại thăm hỏi nhân một chuyến công tác nào đó ở Hà Nội. Một số bạn bè khoa bảng của ông ngày trước, đang sinh sống tại ngoại quốc, cũng có can thiệp với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng khi ông này sang Úc qua một chuyến công du, để xin cho ông Tiến Sĩ sớm được tự do. Tiếc thay, những can thiệp đó cũng chỉ là một loại nước đổ đầu vịt, mưa xuống lá khoai.
Giáo Sư Xuân bị bệnh. Nhiều người cho rằng bịnh căn bản của ông là bịnh tim, nhưng ông lại cố tập thể dục với những động tác mạnh để cho máu vận chuyển. Đại Tá Minh mô tả:
Mỗi giờ thể dục buổi sáng của ông, cán bộ bên ngoài vòng rào khu giam đều hay biết vì ông có điệu thở ra, hít vào thật ồn ào nên cán bộ cho ông cái biệt danh ‘tàu Thống Nhất vào ga Hàng Cỏ’.
Trong một đoạn viết khác, Đại Tá Minh cho biết:
Một hôm, vào sáng sớm mùa đông, cả buồng giam đang trùm kín mền để chờ kẻng thức thì nghe có tiếng người té trong phòng vệ sinh và có tiếng la to ‘Anh Xuân xỉu rồi anh em ơi’. Một vài anh em chạy vào phòng khiêng Giáo Sư Xuân ra. Lăng xăng, người xoa bóp, kẻ cạo gió, anh khác la to: báo cáo cán bộ, phòng 2 xin cứu cấp. Một anh bạn lực lưỡng của buồng tình nguyện cõng ông đưa xuống trạm xá. Thường trực trạm xá là ông bác sĩ của Sàigòn cũ, cũng là tù cải tạo. Bác sĩ tên Quýnh nhưng rất bình tĩnh, vì ngoài bản tính bình tĩnh ra ông còn có thêm chứng mắt bị cườm. Nhưng vì quá rành trình độ kỹ thuật của các đồng nghiệp Cộng Sản nên bác sĩ không đồng ý đi mổ mắt lấy cườm ra vì ông cho rằng để chúng nó mổ thì cầm chắc là sẽ bị mù luôn.
Theo ông Triệu Huỳnh Võ:
Bác sĩ Trương Quang Quýnh, đã mất, cựu Giám Đốc Bệnh Viện Đô Thành Sàigòn, đã định bệnh cho Giáo Sư Xuân là bệnh Hodgkin’s disease.
Bịnh Hodgkin’s disease là một chứng bệnh tương tự như ung thư vì các hạch phát triển một cách bất bình thường. Ngoài ra, Giáo Sư Xuân còn bị bịnh dị ứng ngứa.
Khi bịnh đã chuyển qua giai đoạn trầm trọng hơn, Giáo Sư Xuân đã tự chữa lấy bằng cách ngồi thiền, tập phép dưỡng sinh, trị bịnh bằng nước lạnh, ăn cơm cháy thay cơm thường. Nhưng rồi bịnh cũng không thấy thuyên giảm. Đại Tá Minh viết:
Bịnh xá trạm chịu thua, đưa ông đi bịnh viện Phủ Lý giám định. Từ khi đi Phủ Lý về, vốn đã ít nói, ông lại càng ít nói hơn nữa. Dung nhan đượm nhiều nét ưu tư. Ông chỉ sống âm thầm như một cái bóng trong đội, trong buồng. Tôn trọng nếp sống riêng tư của ông, một con người mà anh em trong đội, trong buồng ai ai cũng kính mến mà không ai dám xen vào…
Khi cổ ông bị mọc bướu, bụng ngày càng to, anh em trong đội khuyên ông đi bệnh viện thì ông mỉm cười, chẳng nói chẳng rằng, nhưng với vài chỗ thân tình thì ông cho biết rằng bệnh của ông hiện nay không sao chữa được, sống đành chịu, chết đem theo. Nhưng rồi mấy tuần sau ông đành phải xuống bệnh xá của trại để nằm, không phải để hy vọng chữa trị mà chỉ vì không muốn để căn bệnh của ông phiền hà anh em trong buồng. Trạm đưa ông đi bệnh viện cấp cao ở Phủ Lý, nhưng sau khi giám định, người ta cho ông biết rằng Phủ Lý lẫn Hà Nội cũng không làm gì được, hơn nữa là cho một người tù cải tạo. Ông xin nằm ở trạm xá vì ở đây còn có bạn bè chạy tới chạy lui chăm lo săn sóc.
Vì được sự thương mến của anh em trong trại và vì nhờ sự mua chuộc cán bộ của anh em nên đã có một anh bạn tù tình nguyện được phép cho xuống bệnh xá để túc trực săn sóc ông. Người bạn tù có lòng hào hiệp này là vị Thiếu Tá Cảnh Sát Phạm Hữu Trung, nay là một vị Đại Đức đang ẩn tu tại một ngôi chùa ở vùng miền đông Hoa Kỳ.
Khi ông còn nằm ở bệnh xá, Đại Tá Minh viết:
Trung thực với bản tính của chính mình, ông Tiến Sĩ can đảm chịu đựng một cách thầm lặng niềm đau, nỗi khó của thân tù tội, của tình cảm hời hợt cũng như của căn bệnh ngặt nghèo… Có lúc ông đã tâm sự: ở đời đã khó, ở tù lại càng khó hơn.
Đại Tá Minh viết tiếp:
Sáng sớm hôm đó, như mọi sáng trong những ngày ông Tiến sĩ nằm bệnh xá, sau khi ‘cửa chuồng’ vừa mở, một số anh em trong đội vừa chạy thể dục vừa ghé qua bệnh xá để thăm ông. Vừa đến nơi thì anh em đã nghe tiếng khóc tiếc thương của anh Trung. Một tiếng khóc hiếm có của người tù cải tạo sau hơn mười năm cay đắng mùi đời, đã gây niềm xúc động mạnh mẽ trong lòng người tiếp nhận và đã thê thảm nói lên lời ái tín đau buồn chưa từng có bao giờ… Từ lúc nào đó, có lẽ từ khi ông Tiến Sĩ trút hơi thở cuối cùng hồi đêm, anh Trung đã chít trên đầu chiếc khăn tang làm bằng miếng vải trắng xé ở chiếc áo của ông Tiến sĩ, mà phần còn lại đã được mặc vào cho ông để làm y phục về nơi vĩnh viễn.
Thân xác của Giáo Sư Xuân đã được vùi chôn bên kia ngọn đồi của trại tù Ba Sao, Nam Hà. Theo Đại Tá Minh, Giáo Sư Xuân mất ngày 10 tháng 12, năm 1986. Tiến Sĩ Huỳnh Long Vân ghi ngày mất của ông là ngày 10 tháng 11, năm 1986.
* * *
Ngược thời gian, trước ngày 30 tháng 4, năm 1975, trong những năm còn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đặt trọng tâm vào việc phát triển các ngành sư phạm và canh nông. Ông đã đẩy mạnh việc đào tạo giáo chức trung cấp để mở rộng việc nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ chuyên môn với kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp đã được đổi thành trường Đại Học Nông Nghiệp, đào tạo cấp kỹ sư. Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân còn có dự tính thiết lập một trường Đại Học Y Khoa cho miền Tây.
Khi Giáo Sư Xuân về đảm trách Bộ VHGD&TN, ông phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách. Một trong những vấn đề đó là việc định cư hàng ngàn học sinh, giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung. Ông giao cho tôi phụ trách phần cứu trợ. Một trung tâm tiếp nhận và cứu trợ đã được thiết lập tại Sàigòn và một trung tâm tạm định cư các giáo chức được lập tại Thủ Đức. Vì lý do an ninh, các giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung không được phép vào đất liền mà phải tạm trú tại đảo Phú Quốc cho đến khi có sự xác nhận của Bộ VHGD&TN. Ông yêu cầu tôi hướng dẫn một phái đoàn Thanh Tra ra Phú Quốc cứu trợ vá cố giúp đưa các gia đình giáo chức vào đất liền. Một ngân khoản 10 triệu đồng đã được xuất ra để đem theo cứu trợ. Khi gần đến giờ máy bay cất cánh thì tôi được thông báo chi phiếu của Bộ không được Tổng Nha Ngân Khố cho lãnh và đây là lệnh chung cho mọi cơ quan. Tôi điện thoại cho bà Lý Hoa, đã mất, cựu Tổng Giám Đốc Ngân Khố. Vì được xác nhận và vì chỗ quen biết nên bà Lý Hoa đã cho lệnh đặc biệt phát tiền. Trong một đêm đang ngồi trên sàn gỗ, nơi từng giam các cán binh Cộng Sản, để cùng anh em trong phái đoàn làm việc dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến, tôi chợt nghe radio phát thanh cuộc bàn giao giữa Tổng Thống Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh. Chúng tôi quyết định làm việc suốt đêm để tạm kết thúc công tác chứng nhận và phát tiền cứu trợ. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi đi Honda ôm ra phi trường Phú Quốc để về Sàigòn. May mắn, chúng tôi tìm được đủ chỗ ngồi trên sàn của một vận tải cơ Úc.
* * *
Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, Cần Thơ. Ông là cựu học sinh Collège de Cần Thơ, sau này là trường Trung Học Phan Thanh Giản. Sau khi đậu bằng Diplome (Trung Học Đệ Nhất Cấp), ông sang Pháp tiếp tục học và đã tốt nghiệp bằng Cử Nhân Kinh Tế. Ông đậu bằng Cao Học Kinh Tế tại Anh và Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại Học Vanderdbilt, Nashville, Tennessee, Hoa Kỳ.
Giáo Sư Xuân đã từng phục vụ trong Bộ Kinh Tế khi ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Tổng Trưởng, thời Đệ Nhất Công Hòa. Ông là Tùy Viên Báo Chí Phủ Thủ Tướng, nội các Nguyễn Ngọc Thơ, kiêm Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã. Ông đã giữ các chức vụ Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Hợp Tác và Nông Tín; Tổng Trưởng Kinh Tế, nội các Nguyễn Văn Lộc; cố vấn Kinh Tế cho Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Trước khi về Bộ VHGD&TN, ông là Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ. Giáo Sư Xuân còn giảng dạy tại các trường Đại Học Luật Khoa và Quốc Gia Hành Chánh.
Là một nhân tài, với tính tình hòa nhã, hiền hậu, khiêm nhường; với tính trẻ trung, thân thiện; với tinh thần cởi mở, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân đã đóng góp nhiều cho các ngành sư phạm, canh nông, ngân hàng, hành chánh và kinh tế. Cuộc cưỡng chiếm miền Nam của Cộng Sản đã gây biết bao cảnh tang tóc, phân ly, hận thù cho nhân dân miền Nam. Dù Cộng Sản Việt Nam có dựng lên bao nhiêu nhà tù cải tạo để cố tìm cách “thay óc, đổi hồn” những quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa, họ không bao giờ đạt được ý nguyện hão huyền đó.
Cũng như bao nhiêu bạn tù thầm lặng khác, dù bị đày đọa về tinh thần lẫn vật chất, dù lâm vào cảnh thiếu ăn, bệnh tật, nhưng Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, không than van, vẫn nín lặng, vẫn cam phận với số mệnh của mình cho đến ngày nhắm mắt lìa trần như nhà văn Alfred de Vigny đã mô tả chủ nghĩa khắc kỷ (stoicisme) qua bài ‘Cái Chết Của Con Chó Sói’ (La Mort du Loup): Rên rỉ, khóc than, cầu xin đều là hèn nhát (Gémir, pleurer, prier, est également lâche). Ông đã chấp nhận số phận an bài cho mình (Dans la voie où le sort a voulu t’appeler). Và cuối cùng, đau khổ, chết không một lời than trách (Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler).
Tôi viết lên những dòng chữ này để thay nén hương, thắp lên nhân ngày giỗ của ông cựu Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân và cũng là thay lời ân cần thăm hỏi gởi đến hai ái nữ của ông, nghe nói, hiện đang cư ngụ tại Pháp.
Sacramento, ngày 10 tháng 11, năm 2008
Phụ Đính
Trích email ngày 26 tháng 1, 2009 của anh Ngô Hữu Liễn, cựu Thanh Tra, Thanh Tra Đoàn, Bộ VHGD&TN gởi tác giả bài viết:
Đọc bài của anh nói về giáo sư Nguyễn Duy Xuân, tôi thấy anh viết tới việc chúng ta đi Phú Quốc vào những ngày cuối của VNCH. Tôi tưởng sự việc này đối với tôi là một kỷ niệm khó quên như ‘chẳng có ai còn nhớ’ thì nay được anh nhắc lại. Cũng vì vậy những sự kiện khác trong giai đoạn này trong tôi lần lượt hiện ra. Đây có phải là hành trang tuổi già của chúng ta? Xin cám ơn anh. Tuổi già nhớ nhớ quên quên nhưng những sự kiện này tôi không hề quên. Tôi còn nhớ như in việc tôi thông báo cho anh biết có sự kiện quan trọng đang xảy ra tại Sài Gòn (bàn giao Tổng Thống) vì tôi nghe radio trong khi anh đang làm việc với giáo chức miền Trung chạy vào Phú Quốc; việc anh yêu cầu tôi đừng phát hết tiền vì cần một số dự phòng để đi ghe về Rạch Giá (tôi có nhiệm vụ giữ bị bạc đem theo); việc anh trở lại sau khi gặp Quận Trưởng Phú Quốc là có chuyến máy bay của Úc về Sài Gòn ngày hôm sau; việc anh ra lệnh vứt bọc có số tiền giữ lại để anh em giáo chức chi dùng khi máy bay vừa chuyển bánh sau khi chúng ta lên đến sàn máy bay…
Trích email ngày 9 tháng 4, 2015 của tác giả gởi cho một số quý vị cựu viên chức Bộ VHGD & TN:
Đã gần 40 năm qua, ngày 2 tháng 4, 2015, ái nữ của cố Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, mới có được cơ hội ra tận miền Bắc để bốc mộ và hỏa táng cho cha. Cùng đi với bà Nga còn có Giáo Sư Võ Tòng Xuân, thuộc Viện Đại Học Cần Thơ cũ. Bình tro cốt của Giáo Sư Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân đã được chuyển vào Nam bằng đường xe lửa ngày 6 tháng 4, 2015 và sẽ được lưu giữ tại chùa Thiên Hương, 71 đường Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, nơi mà Dì của bà Nguyễn Duy Xuân đang ẩn tu…